Trào lưu Kiss Cam sẽ chết?

29/06/2015 - 08:31

PNO - PN - Đang đi ngoài đường, bất ngờ bạn bị người lạ xô đến và… đè ra hôn. Đó chính là Kiss Cam - cưỡng hôn, một trào lưu mới du nhập từ nước ngoài, đang ồn ào trong giới trẻ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nó đang diễn ra. Người đón nhận là giới trẻ. Phe hưởng ứng cho rằng “nước ngoài làm được thì ta làm được” và đó là một hành động đáng yêu. Giới phản ứng thì nói không phù hợp với văn hóa Việt, bất lịch sự và phản cảm, bởi hôn không phải là chuyện chơi, cưỡng hôn càng khó chịu, lại thử đặt trong hoàn cảnh đang đi với vợ/chồng/người yêu mà bị người lạ cưỡng hôn, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Trao luu Kiss Cam se chet?

Một bạn trẻ nói: “Đây là trò vui mà, đừng nghiêm trọng hóa vấn đề, nó sẽ gây cho người bị cưỡng hôn thoáng kinh ngạc ngỡ ngàng, và biết đâu họ sẽ vui, cho nên hãy thoải mái đi”. Phía bên kia phản ứng: “Không lẽ bây giờ ra đường thêm mối lo là sẽ bị cưỡng hôn?”. Ai cũng có cái lý của mình.

Nhưng có lẽ phải xem kỹ đây là thú vui bất chợt, tự nở tự tàn hay là nâng thành trào lưu, bởi đụng đến trào lưu là thành cơn sóng, tác động đến đời sống xã hội ở cấp độ rộng và sâu hơn.

Ôm hôn người lạ ở phương Tây là cử chỉ biểu lộ tình cảm, bởi đó là nếp văn hóa của họ. Du nhập sang Việt Nam, liệu nó có đất sống, khi đối tượng tiếp nhận là người trẻ, vốn đang bơi trong ăn mặc, suy nghĩ như Tây.

Người viết bài này hỏi một nhà nghiên cứu văn hóa vốn cổ xúy thường xuyên cho cái mới, nhất là lĩnh vực văn học, ông nói: “Mình không rành chuyện đó”. Một nhà báo thâm niên mảng văn hóa trả lời: “Không quan tâm”. Có lẽ vì họ già? Chưa chắc. Văn hóa không bao giờ cũ.

Rất nhiều trào lưu văn hóa từ phương Tây đã du nhập và góp phần làm nên diện mạo văn hóa hiện đại tại Việt Nam, chi phối mạnh mẽ và sâu bền, từ ăn mặc đến sáng tạo, hành xử, nhưng để có điều đó, nó đã được/bị sàng lọc qua rất nhiều thời gian, đối tượng; có cái chết liền, có cái bị “cưỡng hôn” không cho sống, nhưng rồi nó vẫn tồn tại vì nó hợp lý, có cơ sở nền tảng phù hợp từ tư tưởng đến ứng dụng trong thực tế.

Cơ hội để nó sống, chính là tâm thế tiếp nhận dựa trên bản sắc văn hóa và yếu tố dân tộc tính của người Việt. Vậy Kiss Cam thì sao? Một bạn đọc nữ nói: Phụ nữ Việt vốn kín đáo khi thể hiện tình cảm, cho dù có hiện đại bao nhiêu, đa phần họ không biểu hiện ra trước, không… tấn công trước và quan trọng hơn là họ chỉ tiếp nhận tình cảm khi họ có tình cảm với đối tượng khác giới. Cho nên nói họ thoải mái khi bị cưỡng hôn là điều không thể.

Kiss Cam là của phương Tây, là sản phẩm của tự do cá nhân được đề cao quá nên mất đi tính văn hóa, ít ra là với người Việt. Nhưng mình không hiểu được lớp trẻ, không biết sẽ ra sao…

Có lẽ cưỡng hôn ở phương Tây là trào lưu được nảy mầm và xanh tốt trên mảnh đất tự do cá nhân về tình cảm không bị giới hạn. Khi qua Việt Nam, nó đang diễn tiến, cho nên khó hình dung việc tiếp nhận này sẽ cho ra kết quả thế nào. Nhưng có thể thấy, cây muốn mọc thì phải có rễ và đất tốt, chưa nói là được bón phân, tưới nước.

Sự phản ứng của giới trẻ không chấp nhận kiểu “bỗng đâu sét đánh ngang tai” này, dự báo Kiss Cam không thể sống lâu được. Điều cũng cần nói thêm là ở những người tiếp nhận và cổ vũ nó, họ là ai? Có trời đất gì thì anh chị cũng là người Việt, đừng bắt chước ăn theo nói leo khi đám đông không chấp nhận điều đó.

Quan trọng hơn, Kiss Cam ở nước ta không có một bức tường để đóng đinh và treo giữ nó, vì thế nó không thể là trào lưu văn hóa được viết bởi phần mềm tiện ích với người Việt. Nó khác hoàn toàn facebook và đừng nghĩ nó sẽ sống như facebook, bởi không chạm được vào trái tim, thì bất luận kiểu bày tỏ tình cảm nào cũng sẽ bị loại bỏ.

Người ta có thể bị cưỡng hôn một lần, nhưng họ sẽ cảnh giác và phản ứng nếu tiếp tục là nạn nhân và không khéo lúc đó người cưỡng hôn sẽ lãnh đòn!

Trào lưu Kiss Cam rồi sẽ chết, nhưng cộng đồng đừng khoanh tay đứng chờ mà hãy tác động để người trẻ điều chỉnh hành vi.

TRUNG VIỆT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI