Giới trẻ Nhật Bản nghĩ thế nào về các phi công cảm tử Thần phong?

04/11/2017 - 08:23

PNO - Trong Thế chiến II, hàng nghìn phi công Nhật Bản tình nguyện gia nhập đội Thần phong (kamikaze), họ là những người lính cảm tử dám lao thẳng máy bay xuống mục tiêu đối phương.

Hơn 70 năm sau, người Nhật đi tìm hiểu ý nghĩa hành động của những người đàn ông quả cảm này đối với giới trẻ ngày nay.

“Vô lý”, “anh hùng” và “ngu ngốc”: đó là điều mà ba người trẻ tuổi ở Tokyo đã nói khi được hỏi về quan điểm của họ đối với kamikaze.

Gioi tre Nhat Ban nghi the nao ve cac phi cong cam tu Than phong?
Osamu Yamada cùng các phi công Thần phong sống sót, đồng đội của họ hầu hết đều biến mình thành trái bom lao vào mục tiêu của kẻ thù trong Thế chiến II - Ảnh: Osamu Yamada

"Anh hùng ư?" - Shunpei nghi ngờ về sự lựa chọn từ của người em trai Sho. "Anh không nhận thấy em đã dùng đúng từ”.

Rất khó để xác minh con số chính xác, nhưng người ta tin rằng 3.000-4.000 phi công Nhật Bản đã cảm tử lái máy bay của họ lao xuống mục tiêu của đối phương.

Chỉ có 10% sứ mệnh được cho là thành công, nhưng họ đã đánh chìm khoảng 50 tàu chiến của phe Đồng minh trong Thế chiến II.

Nhiều thập kỷ sau chiến tranh, ý kiến ​​về các phi công Thần phong vẫn bị chia rẽ, một phần vì di sản của họ được sử dụng nhiều lần như một công cụ chính trị.

Giáo sư MG Sheftall, Đại học Shizuoka, giải thích: "Trong suốt 7 năm Đồng minh chiếm đóng Nhật Bản, tinh thần Thần phong là một trong những điều đầu tiên họ truy đuổi”.

Giáo sư Sheftall nói: "Nhưng khi quân Đồng Minh rời nước Nhật vào năm 1952, những người theo chủ nghĩa quốc gia cánh hữu đã xuất hiện mạnh mẽ và họ thực hiện nhiều nỗ lực nhằm giành lại quyền kiểm soát câu chuyện Thần phong”.

Nhưng cũng có người nghĩ rằng, cảm tử kiểu phi công Thần phong là hành động "điên rồ".

Gioi tre Nhat Ban nghi the nao ve cac phi cong cam tu Than phong?
Những năm gần đây, nhiều bộ phim được sản xuất để ca ngợi tinh thần quả cảm của các phi công cảm tử trong đội Thần phong - Ảnh: AFP

Vào thập niên 1990, những người theo chủ nghĩa dân tộc bắt đầu thăm dò dư luận để xem họ có thể gọi các phi công Thần phong là anh hùng hay không. Khi bị phản công, phe cực hữu ngày càng có hành động mạnh bạo hơn.

Năm 2015, một cuộc điều tra dư luận do Win/Gallup tiến hành cho thấy 11% người Nhật sẵn sàng chiến đấu vì tổ quốc. Con số này ở người Pakistan là 89%, Ấn Độ: 75%, Thổ Nhĩ Kỳ: 73%, Trung Quốc: 71%, Nga: 59%, Hoa Kỳ: 44%, Anh: 27%.

Kết quả không đáng ngạc nhiên dù Nhật Bản đứng chót bảng, vì thế hệ sau chiến tranh của nước Nhật lớn lên trong Hiến pháp hòa bình chủ nghĩa và quốc gia này không được phép phát triển quân đội.

Ngay cả Sho, cậu thiếu niên nói rằng phi công Thần phong là anh hùng, cũng thừa nhận rằng suy nghĩ của cậu bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, và nói rằng nếu Nhật Bản ngày mai bước vào một cuộc chiến tranh, cậu sẽ không sẵn sàng hy sinh.

"Đó là vì tôi không thể làm được, tôi thấy họ thật anh hùng và can đảm”, Sho nói.

Nhưng có thật là các phi công Thần phong, hầu hết trong độ tuổi 17-24, đều sẵn sàng xả thân vì đất nước?

Câu chuyện của hai phi công cảm tử sống sót đến nay, tất cả đều đã trên 90 tuổi, dường như đưa ra câu trả lời không hề đơn giản.

Gioi tre Nhat Ban nghi the nao ve cac phi cong cam tu Than phong?
Keiichi Kuwahara nhớ lại anh đã “mặt cắt không còn hột máu”, khi mới 17 tuổi được điều động vào lực lượng Thần phong cảm tử của phi công Nhật - Ảnh: Keiichi Kuwahara

Osamu Yamada, 94 tuổi, nói với tác giả bài báo tại nhà riêng của ông ở Nagoya: "Tôi nói rằng 60-70% chúng tôi sẵn sàng xả thân, nhưng phần còn lại có thể đặt câu hỏi tại sao họ phải hi sinh”. Chiến tranh kết thúc trước khi ông Yamada thực hiện sứ mệnh cảm tử của mình.

"Lúc đó tôi là người độc thân và không có gì níu kéo tôi nên tôi có ý nghĩ rằng mình phải lấy thân mình bảo vệ nước Nhật, nhưng những người có gia đình chắc chắn họ không nghĩ thế”, ông nói.

Keiichi Kuwahara, 91 tuổi, là một trong những người lúc nào cũng nghĩ đến gia đình mình.  Ông Kuwahara kể lại thời điểm được điều vào đơn vị cảm tử Thần phong.

"Tôi cảm thấy mình mặt cắt không còn hột máu, tôi sợ hãi và không muốn chết”, khi đó Kuwahara chỉ mới 17 tuổi.

"Năm trước tôi đã mất cha, chỉ còn mẹ và chị gái làm việc nuôi gia đình, tôi cũng gửi tiền lương của mình phụ thêm cho mẹ, và tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chết? Gia đình tôi sẽ sống ra sao?”.

Vì vậy, khi động cơ bị máy bay trục trặc và Kuwahara phải quay trở lại, ông đã thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng trên giấy tờ, ông Kuwahara vẫn được coi là người tình nguyện. Ông nói: "Tôi bị bắt buộc hay là tình nguyện? Đây là một câu hỏi khó trả lời, nếu bạn không hiểu bản chất của quân đội”.

Ông Yamada nghĩ rằng từ kamikaze, trong tiếng Nhật có nghĩa là “Thần phong”, đã bị hiểu sai và dùng không thích hợp trong tiếng Anh do thiếu ngữ cảnh lịch sử.

Sau chiến tranh, ông Kuwahara nói ông cảm thấy tự do và cần phải suy nghĩ về việc làm thế nào để xây dựng lại đất nước.

Nhưng ông Yamada đã phải mất một thời gian để điều chỉnh. "Tôi mất phương hướng, tôi cảm thấy bất lực, tôi bị mất ý thức về bản thân, như thể linh hồn tôi bị kéo ra khỏi con người tôi", ông nhớ lại.

"Nhưng khi tôi nghĩ về cuộc sống của mình, tôi nhận thấy rằng cuộc sống của tôi không phải là của riêng tôi", ông Yamada nói.

Ông nghĩ: "Tôi có nghĩa vụ phải sống cho những người có thể được sinh ra là con và cháu của những người lính đã chết trong chiến tranh”.

Cẩm Hà (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI