Giới trẻ Hy Lạp: Ra đi hay đối mặt?

08/06/2013 - 18:20

PNO - PN - Mùa thi đến, các lớp năm cuối của các trường trung học tại Hy Lạp đang chuẩn bị chia tay. Vui thì có vui nhưng những chàng trai cô gái mới lớn này vẫn ưu tư. “Tôi không tin vào tương lai”, Nathalie Scholden, một nữ sinh 18 tuổi sắp...

Cô học trò Trường trung học Spaoudi của thủ đô Athens đã dẫn ra những số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Hy Lạp từ 16 đến 25 tuổi hiện đang ở mức cao nhất châu Âu - 64,2%. Những học sinh ra trường năm trước hiện vẫn còn lang thang tìm việc.

Đáng buồn là sau ba năm nhận gói cứu trợ tài chính của quốc tế, tỷ lệ thất nghiệp chung ở đất nước này lại nhảy vọt từ 12% lên 27% hiện nay. Trong giới trẻ, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi từ 31% năm 2010 lên 64%. Những biện pháp “thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo” mà các chủ nợ quốc tế buộc Hy Lạp phải thực hiện như một cơn lốc tàn phá đất nước này.

Trong bối cảnh đó, nạn chảy máu chất xám ở Hy Lạp đang tăng tốc. Một điều tra của Đại học Thessaloniki cho thấy, từ năm 2010 đến nay, đã có 120.000 chuyên gia bao gồm bác sĩ, kỹ sư, khoa học gia rời đất nước ra đi. Nhiều người lo ngại kinh tế sẽ không thể phục hồi nổi vì người trẻ bỏ đi hết, chỉ còn lại người già.

“Tôi nghĩ tôi không ở lại trong nước vì thất nghiệp nhiều quá, lương bổng thảm hại quá. Nhiều bạn cùng tuổi với tôi cũng cảm thấy như vậy. Nếu ở lại Hy Lạp không ai có thể có được cuộc sống như ý muốn thì tại sao chúng tôi phải ở lại?”, Nathalie Scholden thắc mắc.

Christina Zahagou, một sinh viên luật 23 tuổi vừa tốt nghiệp đại học năm ngoái tiết lộ, cô đang dự định tham gia cuộc di cư đang cuộn lên tại Hy Lạp vì không thể tìm được việc làm. Chỉ riêng năm 2012, dòng người Hy Lạp di cư sang Đức tăng 40%. “Tôi không muốn xa gia đình và bè bạn. Ở nước ngoài tôi sẽ rất vất vả, nhưng tôi không có lựa chọn khác vì không còn hy vọng nào ở đây”, Zahagou cho biết.

Gioi tre Hy Lap: Ra di hay doi mat?

Dù vậy, trong số những người trẻ vẫn còn những tiếng nói mạnh mẽ và lạc quan. “Dù khó kiếm việc làm nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức”, cậu học trò 17 tuổi Alexandros Delakouras, bạn của Scholden cho biết.

Không chỉ nói, họ bắt tay vào làm việc và chấp nhận đối đầu. Một ví dụ của sự thành công bước đầu là câu chuyện về Glovo, một công ty do một nhóm khoảng 20 doanh nhân lập ra để huấn luyện miễn phí cho những tình nguyện viên. Ở hội chợ triển lãm mỹ thuật Athena có mặt nhiều tình nguyện viên của Glovo để đón khách, cung cấp thông tin, giới thiệu tranh (ảnh)…

Konstantinos Angelosopoulos, 21 tuổi, đã làm việc tình nguyện cho Glovo năm tháng qua. Cũng như nhiều bạn trẻ khác, họ làm việc không lương, chỉ để tích lũy kinh nghiệm. “Tôi nghĩ, thất nghiệp thì thời nào cũng có, phải tìm cách vượt qua. Chúng ta phải tiến lên, nếu dừng lại và khoanh tay trước những khó khăn thì sẽ chẳng thể nào khá hơn được”, Konstantinos khẳng định.

“Tôi nghĩ, khủng hoảng là cơ hội để chúng ta bước ra khỏi chăn êm nệm ấm, để hình thành tương lai mới và thoát khỏi những con đường cũ. Nhiều bạn trẻ Hy Lạp sợ thử thách. Họ làm những gì cha mẹ khuyên. Nhưng, bây giờ bạn không thể kiếm việc theo kiểu đó được nữa. Chúng tôi muốn tiếp sức cho các bạn trẻ tự đứng trên đôi chân của mình”, Aris Konstanidis một trong những người đồng sáng lập Glovo phát biểu.

 Huy Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI