Gián điệp kinh tế - Bài 2: Vụ “bốc hơi” bí ẩn

12/09/2013 - 07:41

PNO - PN - Số phận của Ko-suen Moo (ảnh), một doanh nhân Đài Loan, ra sao, đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Ông bị nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt vào năm 2005 khi tìm cách chuyển các thiết bị quân sự của Mỹ sang Trung Quốc (TQ)...

edf40wrjww2tblPage:Content

Gian diep kinh te - Bai 2: Vu “boc hoi” bi anĐiệp vụ bất thành

Sinh ra ở Hàn Quốc nhưng nhập tịch Đài Loan, trên danh nghĩa Ko-suen Moo là cố vấn kinh doanh quốc tế của hãng sản xuất động cơ và các thiết bị máy bay Lockheed Martin. Tuy nhiên, trong giới mua bán vũ khí “ngoài luồng”, mà khách hàng có cả quân đội các nước lẫn các lực lượng lính đánh thuê quốc tế, nhiều người xem Moo là “ông trùm”.

Trong nhiều năm, Ko-suen Moo là cầu nối quan trọng của chính quyền Đài Loan với hãng Lockheed Martin trong lĩnh vực thiết bị quân sự. Ông đã thiết lập được mối quan hệ đặc biệt với giới lãnh đạo quân đội Đài Loan, thậm chí còn được nêu tên trong “bộ tứ” có ảnh hưởng nhất trong nền công nghệ quốc phòng của lãnh thổ này. Ba nhân vật còn lại đều là những tướng lĩnh cấp cao của quân đội Đài Loan, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chen Chao-ming. “Người môi giới quan trọng nhất trong lĩnh vực quốc phòng”, giới quân sự Đài Loan gọi Moo như thế, đủ hiểu thế lực của Moo lớn đến mức nào. Tuy nhiên, với Ko-suen Moo, chỉ bấy nhiêu không đủ. Ông ta còn nhắm đến thị trường TQ.

Người đầu tiên cảnh báo về các động thái đáng nghi ngờ của Moo là Gus Sorensen, phụ trách kinh doanh của Lockheed Martin tại Mỹ. Ông này nhiều lần yêu cầu lãnh đạo công ty giảm bớt việc hợp tác với Moo để tiến dần đến cắt đứt quan hệ với ông ta. Tuy nhiên, điều đó không thành vì Lockheed Martin thừa hiểu họ không thể tìm được người có thể tạo dựng mối quan hệ với giới quân sự Đài Loan hiệu quả như Moo. Những mối lợi mà Moo mang về cho hãng là quá lớn và Lockheed Martin hoàn toàn không muốn lợi nhuận của mình giảm đi chỉ vì sự nghi ngờ.

Hãng Lockheed Martin không muốn xới lên vụ Moo, nhưng chính phủ Mỹ thì có. Sau nhiều tháng theo dõi và xác định Moo có kế hoạch bán các thiết bị quân sự cho TQ, FBI đã tổ chức gài bẫy Moo. Với danh nghĩa là những người muốn bán thiết bị quân sự mà Moo đang tìm, các nhân viên FBI thu xếp được một cuộc hẹn với Moo tại Miami (Mỹ) nhằm “bàn chi tiết phi vụ”.

Tại cuộc gặp, Moo đã cho các nhân viên FBI xem một lá thư, trong đó TQ xác nhận muốn có tên lửa AIM -120, loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Nhân viên FBI hẹn Moo đến một địa điểm để ông ta có thể xem tận mắt các tên lửa AIM-120. Tại đó, họ bắt giữ Moo.

Cùng lúc với việc bắt giữ Moo, FBI còn săn tìm một doanh nhân người Pháp tên Maurice Serge Voros. Đây là người từng móc nối để Moo gạ bán 60 động cơ máy bay trực thăng UH-60 Blackhawk cùng động cơ dùng cho máy bay chiến đấu F-16 cho TQ. Voros cũng là người được cho là có “phần hùn” với Moo trong vụ tên lửa AIM-120. Tuy nhiên, Voros đã biến mất trước khi FBI “sờ” đến ông ta.

Gian diep kinh te - Bai 2: Vu “boc hoi” bi an

Lãnh đạo đảng PFP (Đài Loan) yêu cầu chính quyền đảo quốc này điều tra mối quan hệ giữa Ko-suen Moo với quân đội

Gian diep kinh te - Bai 2: Vu “boc hoi” bi an

Trên danh nghĩa, Ko-suen Moo là cố vấn kinh doanh quốc tế của hãng sản xuất động cơ và thiết bị máy bay Lockheed Martin

“Ông trùm” đang ở đâu?

Phiên tòa xét xử Ko-suen Moo diễn ra vào tháng 5/2006 và bản án dành cho ông ta là sáu năm rưỡi tù giam cùng tiền phạt một triệu USD vì tội “bán bí mật quân sự của Mỹ cho một nước khác”. Trong phần kết luận vụ án, chánh án Julie Myers nói: “Bản án này thể hiện quyết tâm của nước Mỹ trong việc bảo vệ công nghệ quốc phòng trước tham vọng của các nước khác”.

Lập tức, TQ lên tiếng khẳng định không hề dính dáng đến việc này và chưa bao giờ có ý định mua vũ khí một cách bất hợp pháp từ các cá nhân hay tổ chức nào. Tuy nhiên, FBI đã tìm ra chứng cứ phạm tội của Moo, đó là số tiền 3,9 triệu USD được gửi vào một ngân hàng Thụy Sỹ, để khi việc mua bán tên lửa hoàn thành sẽ lập tức chuyển cho người bán.

Phía Đài Loan xác nhận đã biết chuyện về Moo và tiến hành điều tra nội bộ, nhưng không ai trong quân đội nước này có liên quan. “Cuộc điều tra cho thấy, nền an ninh quốc gia không bị đe dọa gì bởi vụ này”, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đài Loan khẳng định.

Tuy nhiên, vào năm 2011, khi chính phủ Mỹ trục xuất Moo về Đài Loan, phần sau của câu chuyện trở nên ly kỳ hơn. Hai nhân viên FBI được giao nhiệm vụ áp giải Moo về Đài Loan. Theo hai người này thì họ đã bàn giao Moo cho những người có trách nhiệm của Đài Loan ngay tại phi trường quốc tế Taoyuan ở Đài Bắc. Tuy nhiên, phía Đài Loan lại khẳng định họ không hề tiếp nhận Moo, thậm chí còn không biết là ông này đã bị trục xuất về Đài Loan. Không chỉ thế, phía Đài Loan còn nói: “Moo không hề phạm tội ở Đài Loan, do vậy họ không có trách nhiệm về số phận của Moo”.

Theo tờ Taipei Times của Đài Loan, phía Mỹ đã thông báo cho phía Đài Loan việc trục xuất Moo và cho biết ngày giờ chuyến bay đáp xuống sân bay Taoyuan. Tuy nhiên, một sự cố đã xảy ra, chuyến bay đến chậm vài giờ, hành khách phải ra bằng một cửa khác trong khi các đại diện Đài Loan chờ Moo và nhân viên FBI tại cửa đã được định sẵn. Thế là Moo “bốc hơi”. Đến tận bây giờ, chẳng ai biết ông ta đang ở đâu.

Sau vụ “bốc hơi” bí ẩn này, nhiều giả thiết được đưa ra về số phận của Moo. Có người cho rằng, phía Đài Loan đã giữ Moo tại một địa điểm bí mật để ông ta không “xì” ra những thông tin nhạy cảm về quan hệ làm ăn với giới lãnh đạo quân đội nước này. Có người lại cho rằng, phía TQ đem Moo về đại lục, tận dụng mối quan hệ giữa ông ta với giới mua bán vũ khí quốc tế để có điều kiện mua các vũ khí mà nước này đang cần. Phía Mỹ thì lên tiếng là họ không còn quan tâm đến số phận của Moo, vì khi đã trục xuất ông ta về Đài Loan, nước Mỹ không còn trách nhiệm với việc làm của Moo sau đó.

 THIỆN NGA

Đón đọc kỳ tới: Cú ngã cuối đời

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI