Giấc mơ… nơi thiên đường

14/04/2018 - 06:30

PNO - Thiên đường cô bé nhắc đến chính là nơi không có áp lực học hành, không có cuộc đua điểm số từng ngày rút cạn niềm vui sống của đứa trẻ mới lên 10.

Tháng 11/2017, một bé gái 10 tuổi, sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc), để lại bức thư tuyệt mệnh dài hai trang giấy cùng đoạn clip tự quay lời từ biệt bố mẹ. Bé xuất hiện trước màn hình, nghẹn ngào nói: “Bố mẹ ơi, con chết đây. Con muốn nói xin lỗi bố mẹ. Con muốn đi đến thiên đường. Đến sinh nhật con, bố mẹ nhớ đặt bánh kem nơi huyệt mộ. Cảm ơn bố mẹ chăm sóc con những năm tháng qua. Bao đòn roi, lời la mắng, con hiểu vì bố mẹ muốn con tốt hơn”.

Giac mo… noi thien duong
Bé gái Trung Quốc chọn cái chết vì điểm thấp

Thiên đường cô bé nhắc đến chính là nơi không có áp lực học hành, không có cuộc đua điểm số từng ngày rút cạn niềm vui sống của đứa trẻ mới lên 10. Cô bé tự tử sau khi nhận điểm kiểm tra học kỳ, bị giáo viên trách mắng và phạt giữa lớp.

Một khảo sát thực hiện vào năm 2016 ở Trung Quốc cảnh báo: trung bình 1/3 học sinh tiểu học ở nước này gặp các vấn đề tâm lý do áp lực học hành, thi cử quá nặng nề. Nỗi ám ảnh ấy kéo dài suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường và đỉnh điểm là kỳ thi đại học. Hàng loạt vụ tự tử đã xảy ra. Khảo sát năm 2014 chỉ ra: 93% số vụ học sinh tự tử là do áp lực từ những kỳ thi, trong đó thi đại học được nhắc đến với tần suất dày đặc.

Tại Singapore - nơi được cho là có nền giáo dục cởi mở hàng đầu khu vực, học sinh vẫn không thoát khỏi nỗi sợ điểm kém. Tháng 5/2016, một nam sinh 11 tuổi gieo mình tự vẫn từ tầng 17, vì sợ bố mẹ biết kết quả thi. Đó là lần đầu cậu bé rớt môn và cũng là lần cuối em phải đối diện với một kỳ thi cân não.

Giáo sư Kenzo Denda (Đại học Hokkaido) từng công bố khảo sát tâm lý học sinh với kết quả cứ 12 học sinh tiểu học thì có một em mắc rối loạn tâm lý liên quan đến chuyện học hành. Ở bậc trung học, 1/4 học sinh rơi vào hoàn cảnh này. Hai thời điểm đáng lo ngại nhất là lúc bắt đầu năm học mới và  khi học sinh quay trở lại trường sau kỳ nghỉ hè. Thậm chí, người Nhật còn cảnh báo ngày 1/9 là “ngày chết chóc”, do có số học sinh tự tử cao nhất trong năm.

Đầu năm 2018, chính phủ Ấn Độ đưa các trung tâm tư vấn tâm lý học đường vào hoạt động tại một số viện, trung tâm giáo dục sau hàng loạt cảnh báo các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần của học sinh. Theo thống kê, trong giai đoạn 2014-2016, có đến 26.500 học sinh - sinh viên tự tử và 25% trong số đó quyết định chọn cái chết vì thi rớt.

Những câu chuyện thương tâm còn xảy ra ở cả những quốc gia vốn nổi tiếng có nền giáo dục cởi mở. Áp lực chất chồng vô hình buộc trẻ nghĩ rằng, việc của mình là phải thể hiện hoàn hảo, bằng mọi giá. Cậu bé lớp Bảy - Tyrese Glasgow (người Anh) là một trong số đó. Chỉ vì một lần quên mang cặp sách, trở về nhà lấy và chẳng may không kịp đến trường đúng giờ, em treo cổ chết trong phòng ngủ.

Tyrese vốn là cậu bé nghiêm túc, luôn có thành tích tốt trong học tập lẫn kỷ luật của trường. Em thà chết chứ không chấp nhận việc mình bị ghi tên, đánh dấu với lý do đến trường muộn hay vắng tiết với lý do quên cặp. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh vừa công bố kết quả khảo sát đối với những trường hợp tự tử dưới 20 tuổi: 1/3 có lý do là không chịu nổi lo lắng thi cử, học hành. 

Johannes Vermeer, họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan, được biết đến là kẻ “lội ngược” với dòng tranh miêu tả vẻ đẹp bình thường, ngẫu nhiên của đời sống: cô gái bình yên may vá; người đàn ông hạnh phúc với công việc lau cửa, giữ xe… Tranh Johannes Vermeer đi ngược với trào lưu thịnh hành của vô số họa sĩ khác. Johannes Vermer không ngấm ngầm mở lối cho “cuộc cách mạng” nêu cao ý nghĩa hạnh phúc của cuộc sống bình dị, cũng không đua theo hình tượng; nhưng thế giới ngạc nhiên khi hàng ngàn người trẻ từ khắp nơi ủng hộ Johannes Vermeer. Họ - những người trẻ - nói rằng, sâu trong tâm khảm, họ yêu thích và hạnh phúc với một cuộc sống không phải trở thành bất cứ ai mà người khác mong muốn. Họ “nài xin” được thiết kế và trình diễn cuộc sống của chính mình trên sân khấu do mình tự do tạo dựng.

Thiên Anh 
(theo )

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI