Ghi hình lén ở Đức, tố cáo thử nghiệm tàn ác trên động vật

20/10/2019 - 21:52

PNO - Những con chó bị nhốt trong chuồng, bê bết máu và nước tiểu. Những con khỉ bị kẹp cổ một nửa... Những clip video gây sốc ấy đã được quay lén trong một phòng thí nghiệm ở Đức...

Những hình ảnh ấy được quay lén trong Phòng thí nghiệm Dược lý và Độc chất học (LPT), nằm gần Hamburg, ở Đức, nơi thực hiện các thử nghiệm dược phẩm trên động vật theo đặt hàng của các công ty khác nhau.

Các clip  đó đã được hai tổ chức bảo vệ động vật SOKO Tierschutz (có trụ sở tại Đức), và Cruelty Free International (có trụ sở tại Anh) cùng phát hành. Theo họ, đó là những hình ảnh hiếm hoi, tiết lộ những thử nghiệm tàn bạo của loại phòng thí nghiệm này.

Họ có được những clip ấy nhờ có một người được phòng thí nghiệm thuê vào tháng 12 năm 2018. Cô ấy được làm việc bốn tháng trong đó, nhờ vậy cô đã kín đáo quay phim những gì mình trông thấy.

Ghi hinh len o Duc, to cao thu nghiem tan ac tren dong vat
Ảnh chụp màn hình từ video quay lén trong phòng thí nghiệm của Đức, được phát bởi các tổ chức bảo vệ quyền động vật

“Đó là một nhà tù như trong cơn ác mộng”

Người ghi hình trong phòng thí nghiệm vốn ăn chay trường, nhưng cô không tự nhận mình là nhà hoạt động bảo vệ dộng vật. Cô đồng ý nói về cách tiếp cận của mình với nhà báo, với điều kiện giấu tên.

"Tôi nghe nói phòng thí nghiệm đang tuyển người, nên tôi nghĩ đó là một cơ hội để xem những gì đang xảy ra trong ấy. Tôi cũng biết rằng các nhà hoạt động vì động vật chẳng bao giờ có cơ hội được nơi ấy tuyển dụng...” – cô kể. “Tôi biết sẽ rất khó để làm việc trong phòng thí nghiệm này, nhưng tôi đã nghĩ rằng cần có ai đó trông thấy, để cung cấp cho công chúng những thông tin cần biết, bởi vì các ngành công nghiệp không thể cứ giữ bí mật như vậy trong một nền dân chủ.”

“Tôi bắt đầu làm việc ở đó như một trợ lý kỹ thuật. Công việc của tôi là cho thú ăn, rửa, kiểm soát và vận chuyển động vật, và giúp làm các xét nghiệm đã được thực hiện trên chúng. Trải nghiệm này vô cùng sốc và đau khổ. Đó là một nhà tù như trong một cơn ác mộng, một thế giới lạ lẫm, bí mật.”

“Tôi đã làm việc với những người từng là đồ tể, thợ máy... Một trong số họ từng là một nhạc công trong quân đội. Trong tất cả các hồ sơ, nhiều người có nguyên quán ở Nga. Trong các đồng nghiệp trực tiếp của tôi, chỉ có một kỹ thuật viên động vật có trình độ. Tôi cảm thấy họ không quan tâm tới chuyện gì đã và đang xảy ra”.

“Rồi tôi rời phòng thí nghiệm, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên những gì tôi đã thấy. Nhưng nó đáng giá, vì bây giờ cả thế giới đều biết chuyện gì đang xảy ra, và nghĩ về sự tàn khốc của những thử nghiệm này". 

Là hoạt động tội phạm, và… lừa đảo

Hồi bảy năm trước, ông Friedrich Mülln đã lập ra tổ chức bảo vệ động vật SOKO Tierschutz ở Đức. Ông cho biết phòng thí nghiệm LPT là một trong những mục tiêu chính mà họ đã muốn điều tra, trong nhiều năm qua.

"LPT là một trong những phòng thí nghiệm bí mật nhất ở Đức. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã tìm được người có thể làm việc cho chúng tôi trong cơ sở đó. Rất hiếm khi có những cảnh quay trong một phòng thí nghiệm thử nghiệm trên động vật, từ camera ẩn giấu mà lại có chất lượng cao như vậy. Nói chung, chúng ta thấy một số thực hành tàn ác khá 'cổ điển'. Nhưng, dựa trên luật pháp về thử nghiệm trên động vật, những gì chúng ta thấy ở đây là hoạt động tội phạm.” - ông Friedrich Mülln nói.

Chẳng hạn, theo mục 17 của Luật Bảo vệ động vật của nước Đức, việc gây ra sự đau khổ đáng kể cho động vật có xương sống sẽ bị phạt ba năm tù. Nhưng trong video được công bố, có cảnh một nhân viên đập đầu một con khỉ vào khung cửa, cùng nhiều cảnh tán ác khác.

Ghi hinh len o Duc, to cao thu nghiem tan ac tren dong vat
Ảnh chụp màn hình từ video quay lén trong phòng thí nghiệm: một nhân viên đập đầu một con khỉ vào khung cửa

“Chúng tôi cũng phát hiện ra một loại tội phạm có khả năng nghiêm trọng hơn, đó là… lừa đảo. Rõ ràng, một động vật trong phòng thí nghiệm đã chết, và họ làm sai lệch các hồ sơ để giả vờ rằng nó vẫn còn sống. Chúng tôi chú ý điều này, vì số được xăm trên ngực của một trong những con khỉ không khớp với nhãn được dán trên chuồng của nó. Nhân viên bí mật của chúng tôi đã hỏi các đồng nghiệp của cô ta về điều đó, và họ nói rằng: Đó là cách chúng tôi làm như vậy, ở đây, nó chết rồi, nên tụi tôi đã tráo đổi nó.” - ông Friedrich Mülln phân tích.

Theo ông, điều này là rất nguy hiểm, bởi cái chết của động vật ấy có thể là do tác dụng phụ của thuốc được thử nghiệm. Nếu bị che giấu, điều đó có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ nghiên cứu.

Báo Süddeutsche Zeitung (viết tắt SZ, nghĩa là báo Nam Đức, tờ báo hàng ngày có số lượng đặt mua dài hạn nhiều nhất nước Đức) đã tiết lộ chuyện phòng thí nghiệm LPT đã bị phạt 300 euro, vì đã đưa chó vào cơ sở mà không được phép.

Ngoài ra, dù phòng thí nghiệm dự kiến sẽ được kiểm tra thường xuyên bất ngờ, nhưng ông Friedrich Mülln có một số nghi ngờ về điều đó: "Chúng tôi tin rằng rất có khả năng các nhà quản lý của LPT biết trước khi các cuộc kiểm tra diễn ra, để kịp thu xếp thoả đáng. Những người quản lý dường như vẫn liên lạc với các cơ quan y tế.”

Phía sau con số “90% thử nghiệm thất bại” 

“Liên minh châu Âu đã đưa ra một quy định dựa trên “3 R” (gồm thay thế, giảm thiểu và cải thiện) việc sử dụng động vật để nghiên cứu. Tuy vậy, quy định ấy không được chấp hành trong thực tế.” – ông cảnh báo. 

Hàng năm, có ít nhất 115 triệu động vật được sử dụng trên toàn thế giới để thử nghiệm. Trong đó, Đức và Vương quốc Anh nằm trong tốp 10 quốc gia sử dụng động vật để thử nghiệm nhiều nhất. 

Vấn đề ở Liên minh châu Âu là: Luật pháp châu Âu về thử nghiệm động vật nói rằng các công ty nên sử dụng các phương pháp thay thế, nếu có những phương pháp đó. Tuy vậy, tỷ lệ thất bại của thuốc thử nghiệm trên động vật hiện là 90%. Con số ấy dường như chỉ ra rằng việc thử nghiệm trên động vật là vô ích, hoặc gần như vậy. Thế nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi: ngành công nghiệp dược phẩm tiếp tục thử nghiệm trên động vật, thay vì đầu tư vào các kỹ thuật thay thế. 

Nhựt Minh (theo France 24)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI