Formosa đã khắc phục gần 85% hạng mục vi phạm: Còn lời hứa trước dân?

02/11/2016 - 09:02

PNO - ''Chúng ta phải yêu cầu Formosa làm đúng như đã cam kết. Họ cần tôn trọng, thực hiện đúng Luật bảo vệ môi trường... Nếu Formosa không làm đúng thì chúng ta cần phải xử lý nghiêm, chấm dứt hợp đồng''

Bộ TN-MT đã có báo cáo đánh giá công tác khắc phục sự cố môi trường của Formosa gửi ĐBQH trước khi diễn ra kỳ họp thứ 2, Khóa XIV của Quốc hội.

Nhận xét về báo cáo trên, hầu hết các đại biểu đánh giá cao tinh thần làm việc của các cơ quan, bộ, ban, ngành liên quan.

Formosa da khac phuc gan 85% hang muc vi pham: Con loi hua truoc dan?

Thế nhưng, báo cáo vẫn còn nhiều nội dung chưa thỏa mãn được sự mong đợi của đại biểu như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan hay việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ nghệ xử lý cốc, từ công nghệ xử lý cốc khô sang công nghệ xử lý cốc ướt.

Điều quan trọng hơn

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho rằng, công nghệ xử lý cốc ướt hay cốc khô chỉ là công đoạn cuối cùng để làm mát, làm nguội sản phẩm cốc.

''Sản phẩm cốc sau khi ra lò cần phải làm nguội. Có nơi làm nguội bằng phương pháp khô, có nơi làm bằng phương pháp lỏng. Khô hay lỏng chỉ tốn nhiệt năng chứ không ra chất thải'', TS Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cho rằng, Bộ TN-MT cần phải hiểu đúng về vấn đề này và có những quy định chặt chẽ hơn nhằm giám sát đối với Formosa. Thay vì yêu cầu xử lý cốc khô, Bộ TN-MT phải lưu ý đến công nghệ xử lý chất thải lỏng được hình thành từ quá trình luyện than thành cốc.

''Khi tiến hành luyện cốc, bao giờ cũng thải ra chất thải rắn, chất thải lỏng và chất thải khí. Chất thải khí thì bay lên trên, có thể lọc được. Chất thải rắn là phần cặn còn lại của lò đưa ra ngoài, có thể giao cho các công ty môi trường của Việt Nam mang đi xử lý, chôn cất được. Nếu được thì bắt Formosa chôn cất ngay trong nhà máy.

Còn chất thải lỏng của lò luyện cốc hiện nay chưa có giải pháp nào xử lý cả và trên thế giới họ đều hết sức coi trọng điều này. Những chất thải lỏng được hình thành từ quá trình luyện than thành cốc được xét nguy hại ngang hàng với chất thải của phóng xạ.

Cho nên ở những nhà máy luyện cốc người ta phải xử lý chất thải 1 cách vô cùng nghiêm ngặt từ khâu thống kê, kiểm soát, vận chuyển. Nếu Formosa chưa làm thì nguy cơ vẫn rất cao. Nếu họ tìm cách trà trộn vào các chất thải rắn khác rồi đưa ra ngoài thì cực kỳ nguy hiểm'', TS Sơn phân tích.

Ông Sơn nhấn mạnh, trong báo cáo của Bộ TN-MT gửi các ĐBQH trước khi diễn ra kỳ họp thứ 2, Khóa XIV bắt buộc phải có những báo cáo đánh giá về công nghệ xử lý chất thải. Nếu thiếu những thông tin như vậy là chưa đầy đủ, chưa trách nhiệm và cần phải nhìn nhận nghiêm túc việc này.

''Tôi nghĩ nhiều người chưa hiểu được đầy đủ sự nguy hại của lò luyện cốc. Vì chất thải lỏng sinh ra trong quá trình luyện than thành cốc thì đương nhiên có. Còn công nghệ ướt hay khô mà Bộ TN-MT đang ép Formosa chuyển đổi thì lại không thành vấn đề'' ông Sơn nêu quan điểm.

Cũng theo TS. Nguyễn Thành Sơn, Bộ TN-MT không nên quá quan tâm đến công nghệ xử lý cốc ướt hay cốc khô mà Formosa đã đăng ký. Việc cần làm ngay lúc này là trong từng khâu (lò cốc, lò cao, lò hơi) phải yêu cầu Formosa có hệ thống xử lý hết tất 3 loại chất thải rắn, lỏng khí.

''Chất thải khô và khí thì chúng ta có thể xử lý được. Tuy nhiên phải đặc biệt lưu ý với xử lý chất thải lỏng. Khi xử lý, Formosa phải đóng vào thùng sắt (thùng phi) để chôn cất một cách nghiêm ngặt, phải được thống kê xuất-nhập giống như đối với chất thải phóng xạ. Việc này bắt buộc phải có trong các dây truyền công nghệ, đó là trách nhiệm của nhà đầu tư phải thực hiện. Tôi đi sang Nhật và thấy rằng họ làm rất tốt các quy định này.

Đặc biệt, không thể để cho Formosa thuê mấy công ty môi trường của Việt Nam xử lý được. Việt Nam không có công ty nào có đủ năng lực để xử lý cái đó cả. Nếu đem chôn cất bừa bãi như thời gian qua thì rất nguy hiểm'', TS Sơn lưu ý.

Xử lý nghiêm

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nói thêm rằng, lãnh đạo các Bộ, ngành đã nhiều lần khẳng định, sẽ kiên quyết với Formosa, thậm chí, sẽ khởi tố nếu tiếp tục sai phạm. Vì vậy chúng ta nên thực hiện lời hứa trước nhân dân. Nếu Formosa không đáp ứng được yêu cầu xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải lỏng được hình thành từ quá trình luyện than thành cốc thì cần chấm dứt ngay hợp đồng.

''Chúng ta phải yêu cầu Formosa làm đúng như đã cam kết. Họ cần tôn trọng, thực hiện đúng Luật bảo vệ môi trường, trong đó có quy định rõ ràng về xử lý chất thải như thế nào. Nếu Formosa không làm đúng thì chúng ta cần phải xử lý nghiêm, chấm dứt hợp đồng'' TS. Sơn nói.

Ngoài ra, ông Sơn cũng đề nghị Quốc hội cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài việc đưa ra các chất vấn, cần phải có các cơ quan chuyên môn, có đầy đủ năng lực vào cuộc, tiến hành giám sát, kiểm tra, hiểu đúng, hiểu rõ bản chất của vấn đề.

''Cái độc hại nhất, nguy hiểm nhất, khó xử lý nhất trong xử lý chất thải lỏng thì hiện nay chưa được đề cập đến. Đây là cái đòi hỏi chi phí lớn nhất. Nếu chúng ta chặn được việc này thì Formosa không thể nhập than kém chất lượng vào để luyện cốc. Họ phải nhập than mỡ vào để luyện cốc, khi đó chất thải ra sẽ ít chất hơn'' TS. Nguyễn Thành Sơn nhấn mạnh.

Trang Nhung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI