EU thừa nhận lục đục vì yêu ghét Nga

27/05/2016 - 14:03

PNO - EU đang đối mặt với những tranh luận khó khăn về việc gia hạn trừng phạt Nga do vấp phải sự phản đối ngày càng lớn của một số nước thành viên. 

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết điều đó khi trả lời phỏng vấn hãng tin vùng Baltic BNS ngày 26/5.

Ông Steinmeier nhấn mạnh: "Chúng tôi ý thức được rằng sự phản đối trong EU về việc gia hạn trừng phạt Nga đang gia tăng. Việc tìm kiếm một tiếng nói chung trong vấn đề này đã trở nên khó khăn hơn hồi năm ngoái".

Đại diện cấp cao EU Mogherini cho biết, các nước EU đang xem xét việc dỡ bỏ biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và thỏa thuận hòa bình Minsk.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, những điều trên chưa đạt được. Vì vậy, bà Mogherini bày tỏ hy vọng các biện pháp trừng phạt liên quan đến quốc phòng, năng lượng và tài chính nhằm vào Nga sẽ được gia hạn.

EU thua nhan luc duc vi yeu ghet Nga
Lệnh trừng phạt Nga khiến cả 2 bên tổn hại.

Theo ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế, các lệnh trừng phạt khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD, trong khi chính EU cũng chịu nhiều tổn thất to lớn. Chính vì vậy, những chính sách liên quan đến Nga đang gây chia rẽ lớn trong khối 28 nước thành viên EU.

Hàng loạt các quốc gia hàng đầu châu Âu như Italia, Pháp, Đức, Áo là những nước đã bày tỏ sự ủng hộ việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt.

Tại Italia, Nghị viện vùng Venice (Veneto) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Quốc hội Italia hủy bỏ các lệnh cấm vận chống Nga.

Còn Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng của Cộng hòa Liên bang Đức, Sigmar Gabriel thì lên tiếng kêu gọi việc bãi bỏ dần các biện pháp trừng phạt chống Nga, tờ nhật báo Bild đưa tin.

Ông Gabriel nhận địng rằng "cô lập trong thời gian dài không dẫn đến kết quả gì" và "chỉ có đối thoại mới hữu ích". Ông cũng chỉ trích lập trường của EU, rằng lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn chỉ khi có 100 phần trăm thực thi các thỏa thuận Minsk.

Pháp trong thời gian gần đây cũng là nước có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc đòi EU từ bỏ chính sách trừng phạt Nga. Hạ viện Pháp hôm 28/4 thậm chí đã bỏ phiếu ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga.

Hôm 25/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo, Nga và Pháp đã tái kích hoạt các cơ chế hợp tác kinh tế giữa hai nước. Điều này cho thấy Pháp rõ ràng đã quyết định phớt lờ đồng minh, bỏ qua mọi lệnh trừng phạt để tìm đến với Nga.

Theo đó, quan điểm của Thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận dân tộc Pháp Marine Le Pen khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RT France đã thể hiện là Crimea nên được công nhận là một phần lãnh thổ của Nga.

Trong khi đó, các nước giáp Nga như Ba Lan và các nước Baltic lại luôn kêu gọi gia tăng các biện pháp trừng phạt vào Nga.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xấu đi rõ rệt kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hiện EU đang ban hành 3 lệnh cấm vận chống Nga và việc có kéo dài các lệnh cấm vận này hay không sẽ được xem xét tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào 28-29/6 tới đây.

Mỹ mở rộng trừng phạt Nga, nghi Nga đưa 7.700 quân tới Ukraine


Minh Châu ( Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI