"Đường chín đoạn" không có cơ sở pháp lý: Một phán quyết lịch sử công bằng!

13/07/2016 - 05:51

PNO - 16g ngày 12/7 (giờ Việt Nam), Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) đã tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử tại Biển Đông.

Người dân Philippines nghe phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực PCA ở La Haye - Ảnh: INQUIRER

* Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử tại Biển Đông

Đã ba ngày trôi qua, những đôi mắt ở làng chài Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi như chọc thủng màn đêm, soi tìm tin tức người thân bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang trên đường đánh cá tại Hoàng Sa trở về ngày 9/7. Một phán quyết của sức mạnh công lý trong thời buổi văn minh về quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền khẳng định chủ quyền lãnh thổ được xác lập từ xa xưa, như là điều hiển nhiên phải được thừa nhận, bởi xã hội hiện đại không có chỗ đứng cho những trò trí trá, nhân danh này nọ để chà đạp con người. Một lần tận thấy giữa Biển Đông mênh mông, giấc mơ thi sĩ mềm đi dưới tấm áo chiến binh của người lính Trường Sa, mới thấy khao khát biển bình yên đâu chỉ đến từ những ngư dân áo lưới tả tơi vì nước mặn…

16g ngày 12/7 (giờ Việt Nam), Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông sau hơn ba năm thụ lý. Theo đó, tòa tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử tại Biển Đông.

Thông cáo báo chí của PCA được gửi bằng email cho các bên liên quan, trong đó viết: “Tòa Trọng tài thường trực kết luận không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử đối với tài nguyên, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, trong vùng biển thuộc phạm vi “đường chín đoạn”.

Phán quyết của PCA được đưa ra sau quá trình thụ lý kéo dài gần ba năm rưỡi đối với đơn kiện của Philippines, nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Thông cáo báo chí của PCA nêu rõ, tòa kết luận các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa là những “bãi đá” do đó không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý cho Trung Quốc.

Tòa kết luận Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn các va chạm ở Biển Đông và các vấn đề liên quan đến an toàn hàng hải. Cũng theo PCA, Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa.

Sau khi Tòa Trọng tài thường trực tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”, Chính phủ Philippines ra tuyên bố, “khẳng định cam kết mạnh mẽ tôn trọng phán quyết mang tính cột mốc quan trọng này, coi đây là một trong những đóng góp thiết thực giải quyết tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông”. Thượng viện Philippines cũng hoan nghênh thắng lợi của nước này trong vụ kiện Trung Quốc tại La Haye.

Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng phản đối và khẳng định Bắc Kinh không bị ràng buộc bởi bất kỳ phán quyết nào của PCA. Chính quyền Đài Loan cũng tuyên bố “không chấp nhận” phán quyết của PCA, đồng thời nhấn mạnh Đài Loan tiếp tục theo đuổi việc bảo vệ “chủ quyền và lợi ích” của mình tại Trường Sa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Việt Hưng (Theo PCA, Reuters, StraitsTimes, Inquirer, TTXVN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI