Đừng để lỡ cơ hội ăn bánh bao với mẹ!

05/02/2019 - 11:00

PNO - Tết ở Trung Quốc thật ra rất buồn. Cũng như Việt Nam, người Trung Quốc có xu hướng tìm về nhà, bỏ lại thành thị vắng vẻ, hàng quán yên ắng.

Dung de lo co hoi an banh bao voi me!
Ảnh minh họa. Nguồn: VOV

10 năm trước, khi còn là một du học sinh ở Bắc Kinh (Trung Quốc), tôi theo một người bạn về quê dịp cận tết. Năm đó tôi vướng một đề tài nghiên cứu và chỉ tranh thủ được 1-2 ngày nghỉ trước khi phải hoàn thiện đề cương. Vậy nên tôi đã quyết định ở lại Bắc Kinh, khi bạn bè chung quanh đã về cả. Ký túc xá vắng hoe. Đến cả hàng bánh cá quen thuộc cổng Bắc trường cũng đóng cửa nghỉ tết.  Ngày 28, tôi quyết định theo một người bạn về quê cậu ấy, trên một chuyến tàu đúng tính chất xuân vận. 

Gia đình cậu ấy là dân tộc thiểu số ở Hắc Long Giang – một tỉnh Đông Bắc lạnh bậc nhất. Tiểu Tuyền, tên của cậu, sinh ra trong một gia đình nghèo. Tốt nghiệp Đại học (ĐH) Hắc Long Giang, cậu nhận học bổng thạc sĩ ở trường ĐH danh giá bậc nhất Trung Quốc, trong một chương trình ưu đãi của chính phủ dành cho người dân tộc thiểu số. Nhưng đó là một vinh dự lớn, không nhiều người có được thành tích như thế. Thế nên cậu là niềm tự hào của cả gia đình.

Tôi vẫn nhớ ngày tết năm đó, trong cái lạnh cắt da thịt, tuyết rơi dày đặc với lời khuyến cáo không ra khỏi nhà sau 9g tối, chúng tôi đã ngồi bên nhau, ăn chiếc bánh bao mẹ Tiểu Tuyền làm. Cậu bảo đó là món cậu thích nhất, bột bánh nhào với giấm, tạo ra một vị chua nhẹ. Thứ bánh đã nuôi sống anh em cậu suốt cả thời thơ bé. Và khi lớn, cậu vẫn thích. Chúng tôi trò chuyện, uống rượu, ăn bánh bao, sủi cảo may mắn đầu năm. Bố mẹ Tiểu Tuyền ngồi trên chiếc giường đắp bằng đất, chiếc giường kiểu kết hợp giữa giường nằm và lò sưởi phía dưới. Trời lạnh đến mức ngoài cửa hoàn toàn im ắng. Nhưng chỉ sau đêm giao thừa, thì khắp nơi rộn ràng tiếng pháo. Tiểu Tuyền bảo ở đây người ta cho phép đốt pháo kể từ 30 đến hết rằm. Tôi gật gù nghe vậy biết vậy. Khu tự trị có lẽ có những thứ quy định riêng. Vậy nên trước 12g và sau 12g như là hai không gian hoàn toàn khác. Suốt cả những ngày tết sau đó, tiếng pháo râm ran. Với một người đã quen với việc cấm pháo, thì nghe tiếng pháo ở đây quả là một điều khác lạ.

Dung de lo co hoi an banh bao voi me!
Ảnh minh họa

Tiếng pháo ở đây còn đặc biệt rền vào ngày rằm tháng Giêng. Dường như có bao nhiêu pháo người ta đem ra đốt hết. Cũng năm đó tôi đón rằm tháng Giêng ở Bắc Kinh, trên cầu Lư Cầu. Đó là cây cầu cổ vốn là đường dẫn vào thành Bắc Kinh. “Lư Câu hiểu nguyệt” là một trong cảnh đẹp tiêu biểu của Bắc Bình ngày xưa. Vậy nên rằm tháng Giêng nơi này thành điểm check-in không thể thiếu. Thậm chí người ta còn phải treo cả mấy mặt trăng giả để nam thanh nữ tú có thể chụp ảnh “làm màu”.  Rằm tháng Giêng năm đó, mặt trăng thật bị chìm nghỉm giữa bốn bề pháo hoa tầm thấp lẫn tầm cao, giữa cả những vầng trăng giả treo lơ lửng. Ở Trung Quốc, người ta phải quen với việc đông đúc và chen chúc. Không khí tết kéo dài mãi tới hết Giêng. Bắc Kinh rất vui. Những ngày tết ấy cả thành phố rực đỏ. Nhưng đó là khi tôi nhận ra, ngay cả dùng chung một lịch, ăn tết cùng thời điểm, tôi vẫn không thể tìm được điểm chung giữa cái tết quen thuộc của tôi ở Việt Nam với những người đang vui vẻ là lượt trên cầu Lư Câu, hay râm ran khắp Vương Phủ Tỉnh kia.

Tôi không quá hoài cổ, cũng chẳng phải kiểu người lưu luyến tết truyền thống. Nhưng năm đó, khi tất cả quanh tôi đều tìm về người thân, chỉ có mình tôi giữa thành Bắc Kinh. Cái tôi nhớ là mùi nước lá mùi ngay ngày 30, món nem rán mà cả năm có khi tôi chỉ động đũa vài lần, hay cái bánh chưng mà nếu bình thường tôi sẽ chẳng bao giờ ăn vì quá ngấy. Trên cả, là thèm cảm giác nằm ở nhà, nghêu ngao hát và biết rằng mẹ đang ở đâu đó ngoài sân. Ngay cả khi tôi ở trong sự chào đón nồng nhiệt của gia đình Tiểu Tuyền. Tôi bỗng ngưỡng mộ cậu ấy vô cùng. Dù đang ở trong một môi trường ĐH khắc nghiệt bậc nhất châu Á, nơi hàng năm vẫn có tin đồn là luôn có sinh viên tự tử hoặc phát điên vì áp lực học tập, Tiểu Tuyền chưa từng bỏ lỡ tết nào về ăn bánh bao với mẹ. Cậu ấy luôn dặn mình không bao giờ lỡ cơ hội đó.

Cô bạn tôi học ở Thái nhiều năm. Cứ tưởng Thái là gần, bay vèo hơn một tiếng đồng hồ là về Việt Nam, chẳng có gì phải lo tết. Nhưng người Thái không ăn tết như ở Việt Nam, cứ nhằm ngày tết là cô ngập trong thi cử. Thế nên đều đặn mấy năm, cứ 29 tết là ba cô mang một cành đào, bánh chưng, giò sang ăn tết với con gái, qua mùng 1 lại bay về. Năm nào cô cũng chụp mâm cỗ tươm tất gửi cho tôi. Nhiều năm sau, cô bảo cảm giác ăn tết xứ người, dù là có ba bên cạnh, vẫn chống chếnh. Dẫu cho quanh cô cũng nhiều người Việt, cũng quây quần đón giao thừa. Bởi cái không khí của tết ở nhà vẫn có cái vị riêng mà bất cứ đâu cũng không thay thế được.

Bây giờ ngày tết có vẻ khác lắm. Người ta rủ nhau đi du lịch nhiều hơn, không còn quá mặn mà với việc ở nhà sum họp mấy ngày đầu năm nữa. Thế nhưng tôi nhớ những năm tháng đó, trong cái không khí lạnh ngắt bốn bề tiếng pháo, tôi vẫn thèm được về nhà.

Cho nên, 10 năm sau, tôi đã không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào vắng nhà ngày tết nữa.

Mai Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI