"Điệp viên quả phụ" bị KBG bắt giữ lấy hết can đảm nói ra thân phận thật với các con

23/09/2016 - 13:38

PNO - Hồi năm 1977, bà Martha Peterson đã bị Ủy ban An ninh Quốc gia Xô Viết (KGB) bắt giữ vì tội gián điệp. 20 năm sau bà mới tiết lộ thân phận với các con của mình.

Cuối tháng 6/2016, Mỹ chính thức công bố tài liệu mật theo Đạo luật tiết lộ thông tin liên quan đến nữ điệp viên CIA Martha Peterson đã bị bắt cùng với điệp viên hai mang của KGB hồi năm 1977.

Lời thú nhận với con về công việc bí ẩn của "điệp viên quả phụ":

"Tháng 4 năm 1997, vào một buổi sáng mùa thu đẹp trời tại McLean, Virginia, tôi đã quyết định nói ra một bí mật lớn của cuộc đời mình với hai con là Tyler 17 tuổi và Lora 15 tuổi.

Nhiều bạn bè đồng nghiệp đã cảnh báo tôi rằng, nếu để quá lâu mới thú nhận việc tôi là một điệp viên CIA với các con sẽ dễ gây ra tổn thương cho chúng vì rất có thể chúng sẽ nghĩ rằng tôi không tin tưởng chúng.

Bà Martha Peterson phải lấy hết sức can đảm để nói sự thật với các con của mình.

Tôi đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều và luôn lo lắng rằng các thiên thần của tôi sẽ phản ứng ra sao khi biết công việc thực sự của mẹ chúng. Để chuẩn bị nói ra sự thật, tôi đã lên một kế hoạch tỉ mỉ.

Tôi đã hẹn các con tôi đi ăn trưa, chúng rất hào hứng và tò mò vì tôi gần như rất hiếm khi làm điều này. Khi tất cả đã ngồi trong xe, Tyler đã rất ngạc nhiên và hỏi tôi: "Có chuyện gì vậy mẹ?".

Thật khó để bắt đầu, tôi muốn nói ra sự thật một cách nhẹ nhàng nhất, tuy nhiên tôi đã loay hoay mãi và cuối cùng đã buột miệng: "Mẹ làm việc cho CIA".

Một sự im lặng bao trùm không khí, sau đó chúng tôi phá lên cười với nhau vì chúng nghĩ tôi đang nói đùa. Nhưng sau đó hai đứa nhận ra sự nghiêm túc của tôi, con gái tôi hỏi với một chút giận hờn: "Mẹ phải nói với chúng con nhiều điều hơn nữa". Tôi nhận được một nụ cười từ con bé, thật may chúng đã không cảm thấy bị tổn thương.

Tôi đã dẫn hai đứa trẻ đến trụ sở CIA và chúng thực sự choáng ngợp trước những thủ tục nghiêm ngặt ở đây, tuy nhiên hôm nay tôi đã đăng kí với trụ sở chúng giống như những vị khách.

Tôi kể cho lũ trẻ nghe về cuộc sống của tôi và cha của chúng trước đây. Tôi và Steve gặp nhau lần đầu tại Moscow vào năm 1975, khi chúng tôi cùng làm việc tại đó giữa cuộc Chiến tranh Lạnh.

Bà Peterson không dám tiết lộ sự thật cho các con mãi đến khi các con của bà đủ lớn.

Tôi cũng kể cho các con nghe về cuộc sống của tôi trước khi tôi gặp cha chúng, trước khi đến với ngôi nhà yên bình của chúng tôi ở Annandale, Virginia.

"Mẹ đã kết hôn một lần trước khi lấy cha của các con. Ông ấy tên là John Peterson. Mẹ và ông ấy gặp nhau ở trường đại học. Ông là một binh lính Mũ nồi xanh ở Việt Nam và sau đó ông gia nhập CIA. Ông là một người rất dũng cảm. Ông ấy đã bị giết vào năm 1972". Khi nghe những lời này, hai đứa trẻ nhìn tôi thấu hiểu. Cả hai ôm lấy tôi và chia sẻ nỗi buồn, tôi hiểu lũ trẻ đang đồng cảm với tôi.

Tôi dẫn chúng đi xem những dụng cụ như dao găm, súng, mặt nạ phòng độc, dây thép gai,... và chúng cực kì hào hứng, tò mò không biết tôi đã sử dụng những thiết bị đó như thế nào.

Tôi nói với các con hãy đợi đến bữa trưa tôi sẽ kể tiếp cho nghe những câu chuyện xoay quanh công việc bí mật của tôi.

Cuộc truy bắt nguy kịch đến nghẹt thở

“Điệp viên quả phụ” (The Widow Spy) là quyển hồi ký của nữ điệp viên CIA lần đầu tiên được biệt phái sang Liên Xô làm nhiệm vụ giữa lúc Chiến tranh Lạnh đang cao trào. Nhiệm vụ bất thành, bà bị bắt cùng với người hợp tác bên phía Liên Xô vào năm 1977. Trong quyển hồi ký, bà kể lại câu chuyện năm xưa, với những tình tiết mà báo chí chưa từng đăng tải về bà và cả người điệp viên hai mang trong hàng ngũ KGB.

"Điệp viên quả phụ" có tên thật là Martha D. Peterson, năm nay 69 tuổi. Martha sinh ra trong một gia đình trung lưu chuyên về kinh doanh, sinh trưởng ở bang Connecticut. Thuở nhỏ, Martha là một thiếu nữ có khiếu đánh đàn và múa hát.

"Điệp viên quả phụ" kể về cuộc truy bắt nghẹt thở hồi còn làm gián điệp.

Thập niên 60 thế kỷ XX, Martha theo học Đại học Drew và gặp gỡ John Peterson, một sinh viên học cùng trường. Hai người cưới nhau vào Giáng sinh năm 1969. Ngay sau đám cưới, John Peterson gia nhập CIA và tham chiến tại Lào.

Ngày 19/10/1972, Peterson tử trận, để lại người vợ trẻ nơi đất khách quê người. Trở thành quả phụ quá sớm, Martha tìm đủ mọi phương cách xoay sở và xin vào làm thư ký cho Văn phòng CIA tại địa phương.

Được bạn bè và người thân khích lệ, Martha tham gia khóa huấn luyện điệp viên tương lai vào tháng 7/1973. Martha gia nhập CIA vào năm 1974 ngay sau khi hoàn thành khóa huấn luyện. Martha khởi đầu sự nghiệp tại CIA trong khi đang có bằng thạc sĩ trong tay.

Thập niên 70 thế kỷ trước được xem là thời kỳ nóng bỏng của ngành tình báo Mỹ, nhất là đối với CIA. Thế là, vào đầu năm 1975, Martha trở thành nữ điệp viên đầu tiên của CIA được biệt phái sang làm nhiệm vụ tại Moskva, trong vai trò một nhân viên ngoại giao trẻ tuổi tại Đại sứ quán Mỹ ở Moskva.

Tuy chỉ làm việc được trong 2 năm, nhưng đó là khoảng thời gian mà sau này, trong quyển hồi ký của mình, Martha cho là có ý nghĩa nhất, là giai đoạn công tác quan trọng nhất trong suốt sự nghiệp tình báo 32 năm của bà.

Ở Moskva, Martha có nhiều lợi thế hơn những đồng nghiệp khác. Do là phụ nữ, lại còn trẻ tuổi, nên Martha không hề bị nghi ngờ và rất ít khi bị theo dõi, từ đó bà có thể tự do hoạt động mà không sợ bị Cơ quan Phản gián Liên Xô phát hiện. Martha được giao nhiệm vụ giao dịch thông tin với một điệp viên 2 mang có bí danh là “Trigon”, tên thật là Aleksandr Dmitryevich Ogorodnik.

Bà Martha khi bị thẩm vấn.

Xin nói thêm về nhân vật mang bí danh Trigon. Aleksandr Dmitryevich Ogorodnik là một điệp viên KGB làm việc trong ngành Ngoại giao Liên Xô. Thập niên 60 thế kỷ XX, trong vai trò một nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Liên Xô ở Bogota, Colombia, Ogorodnik đã bị các điệp viên của Cơ quan Tình báo quốc gia Colombia gài bẫy và ép buộc phải phản bội Tổ quốc, chấp nhận làm gián điệp cho "phía bên kia", do Mỹ cầm đầu.

Ngay sau đó, Ogorodnik được tình báo Colombia "bàn giao" cho tình báo Mỹ, và người phụ trách tuyển mộ ông phục vụ cho CIA không ai khác chính là Aldrich Ames, một điệp viên CIA làm gián điệp cho KGB. Có lẽ do việc Ames tuyển mộ Ogorodnik nên sau này, khi Ogorodnik bị lật tẩy, có người cho rằng chính Ames đã bán đứng người mà mình đã tuyển mộ cho CIA.

Thực ra thì, thông tin từ chính KGB sau này tiết lộ cho biết kẻ làm lộ tẩy Ogorodnik không phải là Ames hay các điệp viên KGB tại Mỹ mà là một điệp viên 2 mang khác ít ai ngờ tới: Karl Koecher-một điệp viên người Tiệp Khắc phản bội tổ quốc gia nhập CIA, làm phiên dịch cho cơ quan này, nhưng vẫn tiếp tục duy trì quan hệ công tác với các cơ quan tình báo thuộc khối Đông Âu.

Năm 1969, Trigon trở về Moskva và được giao nhiệm vụ trong Bộ Ngoại giao. Với vị trí mới này, Trigon bắt đầu có cơ hội tiếp cận nhiều tài liệu, hồ sơ quan trọng mà CIA đang rất cần, kể cả danh sách các điệp viên CIA và Tây Âu làm việc cho KGB. CIA đã trang bị cho Trigon những phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhất trong ngành tình báo, như máy ảnh mini dùng để chụp lại các loại giấy tờ tài liệu quan trọng chuyển cho CIA bằng hình thức "thả tài liệu" tại một góc khuất nào đó để điệp viên CIA đến nhận mà không sợ ai để ý.

Cuộc hợp tác tình báo giữa Martha và Ogorodnik kéo dài không lâu, đã phải kết thúc bất ngờ vào ngày 15/7/1977. Vào ngày hôm đó, Martha và Trigon lần lượt bị bắt. Trigon bị bắt quả tang khi vừa nhận tài liệu tại nơi giao dịch.

Còn Martha thì bị bắt vào buổi tối khi đang đi trên chiếc xe Embassy đến rạp chiếu bóng  Rossiia để xem bộ phim "The Red and The Black" dựa trên tiểu  thuyết cùng tên của nhà văn Stendhal lần đầu được công chiếu.

Nhân viên KGB đã theo dõi từ đầu cho đến khi Martha thay đổi trang phục nhiều lần trước khi vào rạp. Người phụ nữ trong trang phục trắng (do khi vào rạp Martha mặc một chiếc váy trắng in hoa khổ lớn) đã chọn hàng ghế ngay cạnh cửa thoát hiểm với ý định chỉ xem phim trong chốc lát rồi đi ngay.

Khi đã yên vị, Martha bắt đầu kéo chiếc quần đen xuống, khoác thêm áo khoác cùng màu, cài cúc chặt và kéo tung mái tóc ra phía sau, để cải trang thành một người khác và rời khỏi rạp.

Thay vì đến nơi chiếc xe ban đầu đang đỗ, Martha lại bắt xe buýt, chuyển tiếp sang xe điện ngầm trước khi bắt một chiếc taxi khác để đến cầu Krasnoluzhskii. Thời điểm này, khu vực nói trên rất vắng vẻ nhưng Martha không hề biết có tới 100 nhân viên KGB đang theo dõi và bà hoàn toàn bất ngờ và không nghĩ rằng mình có thể bị bắt một cách dễ dàng như thế.

Khi Martha bắt đầu đi lên cầu thang để sang ga đường sắt, do mặc quần đen nên Martha trông giống như một người đàn ông, làm cho nhân viên KGB khó theo dõi. Khi đến giữa cầu thang, Martha bỗng dưng mất hút do đứng nấp kín sau một trụ cầu, và mãi sau đó các nhân viên KGB mới tìm thấy.

Khi Martha bắt đầu đi xuống cầu thang thì bị bắt. Một số sĩ quan của KGB trong đó có tướng Zaitsev phải mang quân phục sĩ quan cảnh sát để Martha biết bị an ninh bắt chứ không phải xã hội đen trấn lột.

Martha Peterson cùng tang vật sau khi bị bắt.

Ngay sau khi bị bắt, cả hai được đưa về giam giữ tại nhà giam thuộc KGB ở Lubyanka, Moskva; Trigon bị giam riêng để chờ lấy lời khai. Tuy nhiên, KGB đã không lấy được lời khai của Trigon. Y đã chuẩn bị từ trước việc mình có thể bị lật tẩy và bị bắt bất cứ lúc nào nên đã yêu cầu cơ sở CIA ở châu Âu trao cho mình viên độc dược mà các điệp viên, cảm tử quân hay dùng. Lợi dụng lúc cán bộ thẩm cung sơ hở, không để ý, Trigon đã kịp lấy viên thuốc độc từ đầu cây bút bi y mang theo người và tự sát ngay tại phòng thẩm vấn. Ngày 13/6/1978, tức gần một năm sau khi Martha và Trigon bị bắt, báo chí Liên Xô mới bắt đầu thông tin về vụ việc.

Riêng phần Martha, nhờ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, bà được trả tự do sau 3 ngày thẩm vấn, và bị trục xuất khỏi Liên Xô. Sau đó, Martha tiếp tục công tác cho CIA tại tổng hành dinh của cơ quan này ở Langley, bang Virginia. Bà nghỉ hưu năm 2003 và viết quyển hồi ký "Điệp viên quả phụ" (The Widow Spy) kể lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp 32 năm làm điệp viên CIA của mình.

Minh Minh


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI