Đẻ quá ít, người Nhật sợ chết trong cô đơn, người Hàn lo bị diệt vong

04/07/2017 - 19:24

PNO - Ở châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có tỷ lệ sinh thuộc nhóm thấp nhất. Hậu quả mang đến cho xã hội chính là bài học thực tế nhất cho các quốc gia với tỷ lệ sinh có chiều hướng thấp dần.

Cuộc điều tra dân số gần đây cho thấy dân số Nhật Bản đã giảm gần một triệu người trong vòng 5 năm qua do tỷ lệ sinh quá thấp, không đủ bù lại dân số qua đời.

De qua it, nguoi Nhat so chet trong co don, nguoi Han lo bi diet vong
Dân số già ở Nhật Bản có thể khiến trì trệ nền kinh tế. Lực lượng lao động đã bắt đầu thu hẹp lại, làm giảm tăng trưởng trong tương lai. 

Số phụ nữ ở vào độ tuổi sinh đẻ ngày càng giảm. Tháng 5/2014, một báo cáo đã dự đoán rằng đến năm 2040, sẽ có ít nhất 500 thị trấn trên khắp cả nước Nhật sẽ biến mất, khi nhiều phụ nữ trẻ tuổi di cư đến các thành phố lớn.

Dân số Nhật ngày càng già, và đó là lý do vì sao rất nhiều người cao tuổi của nước này vẫn phải tham gia vào lực lượng lao động.

Tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX khai mạc sáng 4/7, Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu nhấn mạnh về vấn đề chính sách dân số của thành phố hiện nay, và những nguy cơ trong tương lai khi  tỷ lệ sinh đang thấp dần.

Tỉ lệ sinh tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thấp nhất cả nước, với bình quân một phụ nữ sinh 1,46 con, gần thấp bằng con số báo động tại Nhật Bản (1,3), và tại Hàn Quốc (1,2 – thấp nhất thế giới).

Nhật Bản đã tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 tuổi lên 65 tuổi, nhưng nhiều người quá tuổi nghỉ hưu vẫn phải làm việc do chủ lao động yêu cầu, hoặc đơn giản do lương hưu của họ không đủ sống.

Nhưng đó chưa phải là điều đáng sợ nhất.

Tỷ lệ sinh thấp, dân số già khiến xã hội Nhật Bản tồn tại khái niệm “cái chết cô đơn”.

Những người già chết dần chết mòn, âm thầm ra đi mà không ai hay biết vì họ chẳng có con cái, chẳng có người thân.

Nhiều trường hợp được phát hiện đã chết khi họ đã qua đời… vài tháng.

Anh Masuda, một nhân viên thuộc nhóm lo hậu sự cho những người già chết trong cô đơn cho biết, số trường hợp như thế ngày càng tăng, là hậu quả tất yếu của dân số già, tỷ lệ sinh thấp.

De qua it, nguoi Nhat so chet trong co don, nguoi Han lo bi diet vong
"Cái chết cô đơn" đáng sợ ở Nhật Bản.

Trữ trứng để sinh con

Các nhà chức trách Nhật Bản bắt đầu có những chính sách, động thái khuyến khích phụ nữ nước này sinh con.

Một trong những chính sách chính là khuyến khích việc trữ đông lạnh trứng ở thời điểm tốt nhất cho độ tuổi sinh sản để việc có con khi lớn tuổi dễ dàng hơn.

Tháng 6/2016, thành phố Urayasu tuyên bố sẽ chi gần 850.000 USD trong vòng 3 năm để giúp phụ nữ trang trải chi phí đông lạnh trứng.

Trước đó, tháng 11/2013, Hội Y học sinh sản Nhật Bản (SRM) phải thông qua quy định cho phép phụ nữ chưa lập gia đình được bảo quản đông lạnh trứng.

Đây được xem là chỉ dẫn pháp luật định hướng cho việc giải quyết tỷ lệ sinh giảm.

Tiến tới… diệt vong?

Giống như Nhật, tình trạng giảm sinh gây nên những thiệt hại rất lớn cho Hàn Quốc. Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất thế giới là 1,2, trong khi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 2,4.

Từ năm 2014, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo rằng nước này phải đưa ra kế hoạch cắt giảm 110.000 quân thường trực trong vòng 8 năm liên tục từ thời điểm thông báo kế hoạch. Tỷ lệ sinh thấp đã làm số lượng đối tượng vào hàng ngũ quân dịch giảm nhanh.

Một khảo sát công bố thời gian gần đây cho rằng, Hàn Quốc có thể bị diệt vong nếu vẫn duy trì tỷ lệ sinh thấp như hiện nay.

Cụ thể, nước này có nhiều nguy cơ trở thành quốc gia già nhất thế giới năm 2045 với độ tuổi trung bình là 50 tuổi.

Nếu cứ duy trì tỷ lệ sinh như hiện nay thì đến năm 2750, về lý thuyết thì Hàn Quốc sẽ diệt vong. Khảo sát có vẻ xa vời nhưng gây rúng động, khiến nhiều người phải nhìn nhận nghiêm túc vấn đề mà đất nước này đang đối mặt.

De qua it, nguoi Nhat so chet trong co don, nguoi Han lo bi diet vong
Người già Hàn Quốc tham gia vào thị trường lao động vì lực lượng lao động không đủ.

Tỷ lệ sinh trung bình của một phụ nữ Hàn Quốc hiện dưới mức 1,19 con, cũng là mức thấp nhất để duy trì dân số 50 triệu người của nước này.

Hệ quả đối với các cặp vợ chồng kết hôn trễ là hiếm muộn. Họ phải nhờ đến sự can thiệp của y học bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Tuy nhiên, giải quyết vấn đề thiếu hụt dân số không chỉ là câu chuyện của việc khuyến khích sinh con. Chủ tịch Viện Lão hóa toàn cầu, ông Richard Jackson nhấn mạnh, cần có sự thay đổi ở nơi làm việc về vấn đề giới.

Theo ông, chính sách giúp phụ nữ và nam giới cân bằng giữa công việc và con cái là trụ cột của một kế hoạch gia tăng dân số. Đó mới là lý do khiến các gia đình, cặp đôi trẻ yên tâm hay không với việc sinh con.

Ông Richard Jackson cho rằng, những gì đang xảy ra ở Hàn Quốc và Nhật Bản thích hợp để giải thích về hiện tượng này.

Sợ gián đoạn công việc, cộng với áp lực phải chu toàn gia đình khiến nhiều phụ nữ Hàn Quốc chọn cách kéo dài tuổi kết hôn, thậm chí không kết hôn. Hiện tượng này ngày càng phổ biến đã dẫn đến tỷ lệ sinh cứ thấp dần.

Duy An (Theo Chosun Ilbo, Reuters, Live Science)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI