Đàn ông Pakistan được đánh vợ?

30/05/2016 - 16:14

PNO - Đó là đề nghị của Hội đồng Tư tưởng Hồi giáo (CII) Pakistan, trong một dự luật do CII đề nghị.

Dự luật nhấn mạnh là chỉ có thể đánh bằng gậy nhỏ, cấm đánh mạnh, chủ yếu để răn đe chứ không gây chấn thương, nhưng vẫn bị dư luận lên án là bạo hành và xúc phạm.

CII là cơ quan lập hiến có nhiệm vụ tư vấn cho cơ quan lập pháp Pakistan về việc các dự luật có phù hợp với giáo lý của đạo Hồi hay không. Trong bản đề nghị dài 75 trang, Mohammad Khan Sheerani, chủ tịch CII khẳng định: “Đánh nhẹ” có thể chấp nhận và là biện pháp cần thiết để trừng phạt người phụ nữ như một… hình thức kỷ luật. Dự luật này xem như đáp lại Dự luật Bảo vệ phụ nữ của bang Punjab (PPWA) vốn đứng về phía phụ nữ bị bạo hành thể xác, tâm lý và tình dục trong gia đình. CII đã loại bỏ Dự luật Bảo vệ phụ nữ, bởi nó “phi Hồi giáo”, và tự thảo ra dự luật trên, cho phép người đàn ông đánh vợ vì những lý do ích kỷ đến vô lý.

Báo Express-Tribune của Pakistan trích dẫn đề nghị của CII nói rằng, người chồng “được phép đánh nhẹ vợ mình nếu vợ không nghe lời chồng và từ chối ăn mặc theo cách chồng muốn, từ chối đề nghị quan hệ sinh lý của chồng, không đi tắm sau khi ngủ với chồng hay không chịu vệ sinh kinh nguyệt”. Dự luật của CII cũng cho phép đánh vợ nếu người vợ không mang khăn trùm đầu Hồi giáo (Hijab), chuyện trò với người lạ, nói to để người ngoài có thể nghe thấy, hỗ trợ tiền bạc cho người khác khi chưa được chồng cho phép.

Dự luật dài 163 trang này liệt kê một loạt hành vi cấm đoán đối với phụ nữ, trong đó có cấm nam nữ học chung sau cấp tiểu học, cấm phụ nữ tham gia chiến đấu trong quân đội, cấm phụ nữ nghênh đón các phái đoàn nước ngoài, cấm trò chuyện với đàn ông và các hành vi quan hệ vi phạm luật Hồi giáo Sharia. Dự luật cũng quy định y tá nữ không được chăm sóc bệnh nhân nam và khuyến cáo cấm phụ nữ làm việc trong ngành quảng cáo. Cũng theo đề nghị của CII, người vợ không được sử dụng thuốc tránh thai khi chồng chưa cho phép.

Dan ong Pakistan duoc danh vo?
Bushra, một cô gái sống ở Lodhran bang Punjab, từng hai lần bị tạt axít dã man năm 2003, khi cô mới 13 tuổi - Ảnh: ASTI

Dư luận tiến bộ và các nhà hoạt động nhân quyền đã đồng loạt phản đối dự luật quái gở này. Nhà hoạt động Farzana Bari, học giả tại ĐH Quaid-iAzam (Islamabad), gọi dự luật này là “vi hiến”. Bà nói, cho phép chồng đánh vợ, dù bất cứ cách thức nào, là đi ngược hiến pháp Pakistan và các công ước quốc tế nước này đã ký. Bà tuyên bố: “Hội đồng CII là gánh nặng đối với người đóng thuế Pakistan và quyết định của họ là vết nhơ đối với người Hồi giáo trên toàn thế giới”. Bà cũng chỉ trích quy định không cho phép phụ nữ trưởng thành được làm việc mà giữ họ trong nhà để đối xử như… đồ vật. Theo bà, những quy định “không bình thường” đó chỉ càng nhấn Pakistan chìm sâu hơn trong vũng lầy thiếu hiểu biết.

Theo kết quả thăm dò của hãng thông tấn Thomson Reuters (TRF) công bố năm 2011, bạo hành gia đình, phân biệt đối xử về kinh tế và tấn công axít đã làm cho Pakistan trở thành quốc gia nguy hiểm thứ ba trên thế giới đối với phụ nữ. Tổ chức nữ quyền Aurat của Pakistan ghi nhận, trong năm 2013, chỉ riêng tại bang Punjab đã có 5.800 vụ bạo hành đối với phụ nữ, bình quân mỗi ngày có 16 vụ. Một trong những hình thức bạo hành man rợ nhất mà phụ nữ và bé gái Pakistan phải hứng chịu là bị tạt axít. Trang mạng Asti (tại địa chỉ acidviolence.org) đăng tải liên tục các câu chuyện kinh hoàng của nạn nhân axít ở các nước trên thế giới, trong đó nhiều nhất vẫn là người Pakistan.

Dù mới tám tuổi, Afshan đã bị tấn công vì chị của cô bé từ chối kết hôn với một người dân trong làng tên là Arshad. Gia đình Afshan nhận được nhiều lời đe dọa, nhưng không ai nghĩ kẻ thủ ác có thể ra tay không thương xót đối với Afshan. Một tối đầu mùa hè, khi cả nhà ăn cơm ngoài hiên, Arshad cùng hai người bạn lao đến tạt axít không chừa một ai, trong đó, Afshan và mẹ bị bỏng nặng nhất. Do vết thương quá nghiêm trọng, người mẹ chết ngay trong đêm.

Câu chuyện của Saeeda cũng là một chuỗi đau thương. Năm 2008, cô gái xinh đẹp 14 tuổi này được gả cho ông chủ ngôi trường nơi mẹ cô làm việc. Sau khi kết hôn, ông chồng già kết tội Saeeda buông thả và có tình nhân, rồi đánh đập cô. Khi Saeeda mới có thai, một lần do cãi lại chồng, cô bị đẩy ngã và sẩy thai. Gã chồng muốn cô tự hủy bỏ cuộc hôn nhân để không phải trả tiền bồi thường (theo luật khoảng 100.000 rupee, tương đương 955 USD). Saeeda không làm theo ý chồng nên bị đánh dã man, bị đầu độc và ném xuống đường. Sau khi vu cáo cô tự sát bất thành, gã chồng tàn ác đột nhập vào nhà cha mẹ cô và tạt axít vào vợ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI