Đám đông tích cực

05/06/2016 - 07:20

PNO - “Brazil chấn động”, “hành động thách thức”, đó là những cụm từ xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông Brazil những ngày qua.

Từ khi đoạn phim và bức ảnh quay cảnh cưỡng bức tập thể một cô gái chỉ mới 16 tuổi lan truyền trên mạng xã hội Twitter.

Vụ việc xảy ra ở một khu ổ chuột tại Rio de Janeiro. Nạn nhân đến chơi nhà bạn trai, chẳng hề nghi ngờ rằng mình rơi vào cái bẫy ghê tởm mà hắn ta đặt ra. Cô bị chuốc thuốc mê, khi tỉnh dậy đã thấy mình trong tình trạng không mảnh vải che thân, người bầm tím, chung quanh là hơn 30 gã đàn ông mang khuôn mặt quỷ dữ… Chưa kịp hoàn hồn, cô gái ấy phải đối diện với điều kinh hoàng hơn, khi những kẻ nhẫn tâm ấy đăng tải clip lên mạng xã hội.

Dam dong tich cuc
Angger Prawitasari chia sẻ trên trang Twitter lời cảm ơn vì mọi người đã dang rộng vòng tay với những tín đồ Hồi giáo

Cưỡng hiếp là nỗi ám ảnh dai dẳng phụ nữ, trẻ em gái ở Brazil. Theo thống kê năm 2014, cứ mỗi 11 phút lại có một vụ cưỡng hiếp. Vì sao những kẻ tấn công thản nhiên sai phạm? Vì xung quanh chúng là hàng rào định kiến dày đặc, rằng lỗi ở phụ nữ không biết giữ gìn. Định kiến này ăn sâu vào tâm trí của không ít người, đến nỗi nạn nhân lần này cũng từng có suy nghĩ mình sẽ bị phán xét.

Trong cuộc họp báo trấn an dư luận, cảnh sát trưởng Fernando Veloso tại Rio de Janeiro lên tiếng: “Vụ bạo lực không chỉ là cú sốc đối với người dân mà còn thách thức cảnh sát đến tột cùng”. Hiện cảnh sát đã xác định danh tính một số kẻ trong số 33 tên tham gia cưỡng bức cô gái. Dư luận đã không đứng về phía định kiến, dư luận ủng hộ lẽ phải. Dư luận không thản nhiên xem, lan truyền clip “bẩn”. Vụ án nghiêm trọng lần này như giọt nước làm tràn ly. Những phụ nữ bảo vệ cô gái trẻ chia sẻ: “Phải từ bỏ lối mòn suy nghĩ khi có bất cứ vụ cưỡng bức nào xảy ra”, “Lỗi không phải ở phụ nữ”, “Kẻ làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Dam dong tich cuc
Dư luận Brazil quyết phá bỏ định kiến vốn đặt áp lực và trách nhiệm lên phụ nữ

Trong quyển Tâm lý học đám đông, nhà tâm lý học người Pháp Gustave Le Bon đã mô tả, đám đông nếu thiếu sự tỉnh táo, suy xét sẽ rất dễ trở thành đám đông cuồng nộ, chỉ biết liên kết các ý tưởng mà không biết xâu chuỗi logic. Điều này đúng với các đám đông từng chỉ trích nạn nhân của các vụ cưỡng bức (không chỉ ở Brazil) rằng lỗi ở nạn nhân. Khi dư luận tỉnh táo chọn góc nhìn hợp lý, diễn biến sự việc sẽ theo chiều hướng tích cực. Trường hợp xảy ra ở Brazil là một trong số đó.

Ngày nay, khi con người có nhiều điều kiện kết nối qua các phương tiện truyền thông, thì hiệu ứng đám đông càng phát huy sức mạnh. Đám đông tích cực là điều mà xã hội cần. Cách nay vài tuần, chính trị gia Sadiq Khan thuộc Công đảng được bầu làm thị trưởng London (Anh). Ông là chính trị gia người Hồi giáo đầu tiên giữ chức vụ thị trưởng của một trong những trung tâm kinh tế lớn hàng đầu châu Âu.

Phát biểu sau khi trúng cử, ông Sadiq Khan cảm ơn sự ủng hộ của những người đã không bị định kiến “người Hồi giáo” trong cuộc bầu cử này. Sau hàng loạt vụ tấn công do các phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra, định kiến về người Hồi giáo là điều khó tránh. Chính số đông người dân London dám phá bỏ định kiến, biến điều không tưởng thành cái có thật. Ông Sadiq Khan nói: “Tôi tự hào vì người London chọn hy vọng thay vì sự hãi”.

Dam dong tich cuc
Ông Sadiq Khan

Sydney (Australia), Paris (Pháp) rồi đến “trái tim châu Âu” Brussels (Bỉ) bị lực lượng Hồi giáo cực đoan tấn công, nhưng vẫn có những chiến dịch tạo nên dư luận tích cực thay vì gây chia rẽ trong cộng đồng, đơn cử như #Illridewithyou (Tôi sẽ đi cùng bạn) đồng hành cùng người theo đạo Hồi xuất phát từ Australia. Hàng chục ngàn người đã gắn dòng chữ #Illridewithyou trên các nội dung đăng tải ở mạng xã hội, ủng hộ người Hồi giáo, thay vì cô lập họ.

Tỉnh táo, không vội vã phán xét, đó là cách đám đông cuồng nộ chuyển thành đám đông tích cực.

Thiên Như (Theo AJ+, NY Daily, Tribune)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI