Đám cưới hoàng gia: Từ công cụ ngoại giao đến cổ tích thời hiện đại

10/05/2018 - 08:52

PNO - Theo nhà sử học người Anh Richard Evan, hôn nhân hoàng gia đã có những thay đổi thú vị qua dòng lịch sử, chuyển mình từ công cụ ngoại giao cao cấp đến cổ tích thời hiện đại, thu hút sự quan tâm của thế giới.

Ngày 19/5 tới đây, thế giới sẽ chứng kiến lễ hôn lễ của Hoàng tử Harry - cháu trai Nữ hoàng Elizabeth II và nữ diễn viên người Mỹ Meghan Markle. Cũng như nhiều đám cưới hoàng gia khác, sự kiện này được xem là truyện cổ tích thời nay, giúp công chúng tạm thời quên đi khó khăn và bất công đời thường. Theo thông tin chính thức, cặp đôi gặp nhau lần đầu tiên hai năm trước qua bạn bè, và yêu nhau say đắm gần như ngay lập tức.

Dam cuoi hoang gia: Tu cong cu ngoai giao den co tich thoi hien dai
Hôn nhân hoàng gia chuyển mình từ công cụ ngoại giao cao cấp đến cổ tích thời hiện đại, thu hút sự quan tâm của thế giới.

Đám cưới là dịp đặc biệt để phô trương truyền thống, nhất là khi gia đình hoàng gia Anh đại diện cho lý tưởng của sự ổn định và tiếp nối. Để chuẩn bị cho "bước ngoặt cuộc đời", Markle đã bắt đầu quá trình trở thành công dân Anh và được nhận vào Giáo hội Anh.

Khi chứng kiến giá trị truyền thống tốt đẹp được trân trọng, chúng ta cũng không quên nhìn lại những hủ tục hay truyền thống không mấy tích cực đã bị loại bỏ. Sự thật là, trong quá khứ, đám cưới hoàng gia được hiểu ngẫu nhiên là biểu hiện của lợi ích quốc gia và tham vọng quốc tế.

Vào thế kỷ thứ 16 và 17, khi nhà nước thuộc về nhà vua, hôn nhân được xem là một cách thức để vị vua mở rộng lãnh thổ và củng cố các liên minh quan trọng với các cường quốc khác. Hôn nhân đã luôn là một phương pháp bảo vệ quyền kiểm soát tài sản của gia tộc, chỉ khác thông thường ở chỗ tài sản đó bao gồm chính các vùng bang.

Giống như bất kỳ giao dịch có hệ quả nào, người ta ‘rào’ nhiều cách, lường trước các sự cố để kế hoạch hôn nhân diễn ra theo mong muốn. Đám cưới của Vua Philip II của Tây Ban Nha và Nữ hoàng Mary I của Anh không chỉ củng cố vị thế quốc tế của Tây Ban Nha mà còn giúp lan truyền Công giáo tại Anh.

Cuộc hôn nhân không được ủng hộ vì trái với quyền lợi quốc dân, và Philip, dù được phong tước vua, bị Quốc hội cấm đưa ra bất kỳ quyết định chính trị nào mà không có sự đồng ý của vợ - một quy định bất thường trong thời kỳ nam thống trị đó.

Hơn nữa, theo lời đặc sứ của Philip tại London thì: “Cuộc hôn nhân chấm dứt mà không có sự cân nhắc về thể xác”. Cặp đôi không những không có tình cảm với nhau mà còn không nói chung một ngôn ngữ.

Khi Mary qua đời mà không có con, người kế nhiệm của bà - Elizabeth I hay "Nữ hoàng Trinh Nữ" – đã không kết hôn với ai để tránh gây loãng quyền lực. Elizabeth chắc chắn có tình cảm với nhiều hơn một trong những cận thần của bà, đặc biệt là Bá tước Leicester, nhưng biết rõ hậu quả chính trị thảm họa của việc kết hôn với bất kỳ ai trong số họ.

Dam cuoi hoang gia: Tu cong cu ngoai giao den co tich thoi hien dai
Đám cưới của vua Philip II của Tây Ban Nha và Nữ hoàng Mary I của Anh là ví dụ điển hình cho hôn nhân hoàng gia vì mục đích chính trị vào khoảng thế kỷ 16, 17.

Cái kết của hôn nhân hoàng gia vì mục đích ngoại giao không phải lúc nào cũng êm đềm. Năm 1682, Hoàng tử - cử tri Georg Ludwig, người cai trị nhiều lãnh thổ nhỏ ở miền tây nước Đức, kết hôn với Sophia Dorothea - con gái một của người chú, chủ nhân lãnh thổ Lüneburg-Celle.

Năm 1705, người chú qua đời và Lüneburg-Celle thuộc về Georg Ludwig, nhưng mảnh đất không cứu vãn được cuộc hôn phối. Sau khi hai đứa con ra đời, mỗi người đều có mối quan hệ ngoài luồng. Buồn chán, Georg được cho là đã ra lệnh giết người tình của vợ, buộc xác tình địch vào đá và ném xuống sông Leine. Vị vua cố chấp cầm tù Sophia Dorothea trong một lâu đài cho đến khi bà qua đời hơn 30 năm sau đó.

Vào đầu thế kỷ 19, khi nhà nước hiện đại xuất hiện cùng với sự kết thúc của triều đại tích lũy đất đai, hôn nhân hoàng gia không còn tác động lãnh thổ nữa. Cách mạng Pháp năm 1789 và ảnh hưởng của Napoléon ở châu Âu đã thay đổi bản chất quyền lực tối cao. Chủ quyền nằm trong tay dân chúng, trong khi vua mang nhiều ý nghĩa đại diện hình thức và biểu tượng hơn. Các điều ước ngoại giao cũ hết hiệu lực sau khi người đại diện chấp nhận qua đời và phải được đàm phán lại với người kế nhiệm. 

Hôn nhân hoàng gia vẫn diễn ra trong một vòng tròn tương đối nhỏ của các gia đình hoàng gia châu Âu, do phần lớn quan điểm cho rằng dòng kế vị ngai vàng không nên bị pha loãng với những người có địa vị thấp hơn. Thỏa thuận này được củng cố với quyết tâm sử dụng hôn nhân hoàng gia làm công cụ ngoại giao của chính phủ - một chính sách có thể gây ra thảm họa.

Con trai cả của vua George III nước Anh, hay hoàng tử nhiếp chính trong thời gian vua cha mắc bệnh tâm thần, đính hôn theo chính sách với công chúa Caroline của Brunswick, một bang lân cận thuộc Hanover tại Đức. Oái ăm thay, cặp vợ chồng căm thù nhau đến mức khi hoàng tử trở thành vua George IV, ông ra lệnh cho đội quân lưỡi lê giải Caroline đi ngay trước lễ đăng quang. Xã hội bất bình thay cho bà, và George trở thành một trong những vị vua bị căm ghét nhất từng ngồi trên ngai vàng nước Anh.

Dam cuoi hoang gia: Tu cong cu ngoai giao den co tich thoi hien dai
Hôn nhân không tình yêu dẫn đến kết cục thảm hại của vua George IV và Caroline.

Chiến tranh Thế giới thứ nhất cho thấy hôn nhân hoàng gia ngày càng mất đi quyền lực ngoại giao, khi Anh và Nga trở thành kẻ thù không đội trời chung của Đức; thành viên của các gia đình quý tộc liên quan nhanh chóng phải cúi đầu trước các chính phủ, lựa chọn ủng hộ chỉ một bên. Các hoàng tử Đức như công tước xứ Saxe-Coburg-Gotha (một hậu duệ của Nữ hoàng Victoria), công tước Albany tại Anh, đã phải từ bỏ các chức danh này và ngược lại.

Giờ đây, hôn nhân với một hoàng tử hay công chúa ngoại quốc lại mang những rủi ro chính trị nghiêm trọng. Trong thực tế, việc vợ của Hoàng đế Nga Nicholas II - Công chúa Alix xứ Hesse (một người cháu khác của Nữ hoàng Victoria) - là người Đức trở thành lý do tại sao dân chúng không tin tưởng để ông lãnh đạo chiến tranh chống Đức. Hầu như không một ai cố gắng ngăn vị vua bị trục xuất, khi Cuộc cách mạng tháng Hai nổ ra vào năm 1917.

Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, hôn nhân hoàng gia không còn là công cụ ngoại giao quốc tế do phần lớn các gia đình hoàng tộc đã bị chia rẽ, sụp đổ. Mục đích chính trị không còn hiệu quả, thành viên của các gia đình hoàng gia châu Âu phần nào tự do tìm kiếm tình yêu.

Dam cuoi hoang gia: Tu cong cu ngoai giao den co tich thoi hien dai
Hôn nhân tan vỡ của Thái tử Charles và Công nương Diana là khởi đầu của hàng loạt vụ ly dị trong gia đình hoàng gia, hay nói đúng hơn là "mở đường giải thoát" cho những cuộc hôn nhân không còn hạnh phúc.

Tuy nhiên, địa vị xã hội vẫn là một yếu tố quan trọng cho đến đầu triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II. Vì vậy, khi em gái của nữ hoàng, Công chúa Margaret, mong muốn kết hôn với một người bình thường – chỉ huy Không quân Hoàng gia Peter Townsend, Giáo hội Anh không cho phép vì ông Townsend đã qua một đời vợ.

Chỉ sau khi Nữ hoàng hạ sinh ba đứa con, nghĩa là Công chúa Margaret không còn nằm trong dòng kế vị ngai vàng, bà mới được phép kết hôn với thường dân - nhiếp ảnh gia Antony Armstrong-Jones.

Tình hình trở nên rất khác với Hoàng tử Prince Charles, con trai cả của Nữ hoàng, người hiện vẫn giữ vị trí đầu tiên trong dòng kế vị ngai vàng. Hoàng gia ngăn cấm mối quan hệ của Hoàng tử với Camilla Shand, dù bà là hậu duệ quý tộc, bởi nữ hoàng tương lai của Anh Quốc, phải có nguồn gốc quý tộc cao sang và quan trọng hơn, phải là trinh nữ.

Chính vì vậy, gia đình hoàng gia đã lựa chọn Diana Spencer. Lễ kết hôn của Charles và Diana diễn ra vào ngày 29/7/1981 tại Tu viện Westminster, thu hút sự theo dõi của 750 triệu người trên toàn thế giới.

Thế nhưng, khoảng cách 13 năm tuổi cùng quan điểm, sở thích dị biệt giữa cặp vợ chồng sớm đưa Charles quay lại với Camilla, trong khi Diana cũng có người khác. Công nương thừa nhận, họ chung sống chỉ để không làm công chúng thất vọng. Khi mối quan hệ không thể cứu vãn, nhận được lời khuyên chia tay từ Nữ hoàng, Charles và Diana chính thức ly hôn năm 1996.

Đây là khởi đầu của hàng loạt vụ ly dị trong gia đình hoàng gia, như Công chúa Margaret, Hoàng tử Andrew và Công chúa Anne. Trong thời đại truyền thông thế giới không khi nào rời mắt, gia đình hoàng gia và cơ sở chính trị vẫn còn ảnh hưởng to lớn, công chúng nhiệt tình dõi theo nhất cử nhất động, các cặp đôi hoàng gia khó lòng mà đương đầu với căng thẳng.

Dam cuoi hoang gia: Tu cong cu ngoai giao den co tich thoi hien dai
Gia đình nhỏ của Hoàng tử William là hình mẫu gia đình hoàng gia thế hệ mới, ngập tràn yêu thương và bền vững.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình có vẻ dễ chịu hơn đối với thế hệ trẻ của gia đình hoàng gia Anh. Các thành viên hoàng tộc có cơ hội tự do lựa chọn bạn đời thay vì bị sắp xếp theo chính trị, từ đó xây dựng hôn nhân bền vững và lâu dài hơn.

Hoàng tử William, con trai cả của Charles, gần như không vấp phải phản đối khi kết hôn với bạn học đại học Kate Middleton. Cho đến thời điểm này, cuộc hôn nhân của họ viên mãn với ba đứa con và sự yêu mến của công chúng.

Về phần "nàng dâu mới" Meghan Markle, cô có có quốc tịch Mỹ, gia đình đa chủng tộc, từng ly hôn – hoàn toàn không phù hợp với tiêu chuẩn truyền thống của hoàng gia Anh – nhưng lại nhận được sự ủng hộ trước giờ chưa từng có.

Bởi lẽ, cô đang thành công trong việc chứng minh bản thân tài năng, độc lập, quan tâm đến an sinh xã hội và có tiềm năng phát triển tích cực sau khi trở thành thành viên gia đình hoàng gia.

Dam cuoi hoang gia: Tu cong cu ngoai giao den co tich thoi hien dai
"Nàng dâu mới" Meghan Markle khác biệt nhưng không hề lạc lõng, bởi giờ đây, hôn nhân hoàng gia không còn là công cụ ngoại giao - chính trị cứng ngắc và nguy hiểm.

Trong khi Nữ hoàng Elizabeth II đang nỗ lực giữ khoảng cách xa nhất có thể giữa ngai vàng và thế giới chính trị, hậu duệ của bà cũng đang vô cùng cẩn thận. Hoàng tử William hiếm khi đưa ra ý kiến cá nhân, nhưng tiếp bước công nương quá cố Diana trong các hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, Hoàng tử Harry và Meghan công khai đám cưới không chính trị khi quyết định không mời bất kỳ chính trị gia nào, kể cả thủ tướng Anh.

Có thể khẳng định rằng, thế giới và truyền thông toàn cầu hiện nay quan tâm đến các thành viên hoàng gia vì họ nổi tiếng, trẻ đẹp, giàu có và quyến rũ, chứ không phải vì bất kỳ vai trò chính trị nào khác.

Ngọc Anh (theo Foreign Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI