Cứu tinh của các bào thai nữ

19/10/2015 - 07:24

PNO - Mỗi ngày 2.000 bé gái Ấn Độ “bị giết hại” bởi các ca nạo phá thai hoặc “lấy gối đè lên mặt cho nghẹt thở đến chết” ngay sau khi sinh.

Cuu tinh cua cac bao thai nu
Tình cảnh đáng buồn của phụ nữ Ấn Độ - Ảnh: MEDIASTORM

Tiến sĩ, bác sĩ Mitu Khurana (39 tuổi) gần như là người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên công khai đưa chồng cũ và gia đình chồng ra tòa, với cáo buộc họ vi phạm luật cấm xác định giới tính thai nhi và ép buộc bà phá thai. Vụ việc kéo dài bảy năm, bước đầu cho kết quả Khurana thua kiện, nhưng bà vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại nạn trọng nam khinh nữ.

Ba năm sau khi sinh con, năm 2008, bà Khurana đệ đơn kiện chồng là tiến sĩ Kamal Khurana cùng mẹ chồng và một thành viên khác của gia đình, cáo buộc họ thông đồng với một quan chức bệnh viện để xác định giới tính của bào thai trong bụng bà, rồi ép Khurana phải phá thai khi phát hiện thai đôi bà đang mang là hai bé gái.

Gia đình chồng mượn cớ bà bị dị ứng và đưa Khurana vào bệnh viện để bí mật xác định giới tính thai nhi, một việc làm họ nhận thức rõ là sai trái. Trước tòa, Khurana cho biết đã khước từ việc phá thai, bất chấp nhiều lần bị đánh đập và bỏ đói.

Bà cũng bị trầm cảm nghiêm trọng suốt thời gian dài do bị nhà chồng hành hạ. Khi hai bé gái chào đời, nhà chồng xa lánh chúng và tiếp tục bạo hành Khurana.

Mọi chuyện vỡ lở vào năm 2008, khi bà Khurana phát hiện giấy tờ của bệnh viện nơi mình được đưa đến năm 2005, cho thấy bà được “siêu âm xác định giới tính thai nhi”. Ngoài hành vi phạm luật, chồng bà còn phải đối mặt với tội danh bạo hành gia đình và xâm nhập trái phép email của vợ.

Dĩ nhiên, chồng Khurana phủ nhận tất cả cáo buộc. Ông ta còn cho rằng, vụ kiện khiến ông thiệt hại đủ đường, cha qua đời, sự nghiệp lung lay, không thể gặp con, mất gia đình.

Cuu tinh cua cac bao thai nu
TS Mitu Khurana thề tiếp tục cuộc chiến đòi công lý cho các bé gái không được sinh ra - Ảnh: PTI, STAR PLUS

Vụ kiện của bà Mitu Khurana gây xôn xao giới truyền thông trong nước và quốc tế. Bà tích cực vận động chống lại tục lệ giết bào thai bé gái rất phổ biến ở Ấn Độ. Theo điều tra dân số năm 2011, Ấn Độ chỉ có 918 bé gái trên 1.000 bé trai dưới sáu tuổi.

Tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Bộ Phát triển phụ nữ và trẻ em Ấn Độ, bà Maneka Gandhi, nói rằng việc lựa chọn giới tính thai nhi đã cướp đi quyền sống của các bé gái ở nước này.

Bà cho biết, mỗi ngày 2.000 bé gái Ấn Độ “bị giết hại” bởi các ca nạo phá thai hoặc “lấy gối đè lên mặt cho nghẹt thở đến chết” ngay sau khi sinh. Hậu quả của tư tưởng trọng nam khinh nữ khiến tình trạng mất cân bằng giới tính ngày thêm trầm trọng.

Điều tra dân số năm 2011 cho thấy, các bé gái dưới sáu tuổi giảm liên tiếp trong suốt năm thập kỷ! Kinh khủng hơn, một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet số tháng 5/2011 phát hiện, có tới 12 triệu thai nhi giới tính nữ bị “phế bỏ” trong vòng 30 năm qua tại Ấn Độ.

Theo báo cáo năm 2015 của Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), hiện Ấn Độ thiếu 42 triệu phụ nữ trong độ tuổi lập gia đình, nước này bắt đầu tràn ngập các biểu hiện được cho là hệ quả của tình trạng trên (như bạo lực giới, bạo lực tình dục).

Phán quyết của tòa án như một đòn nặng nề giáng vào bà Khurana, hiện một mình nuôi hai con nhỏ. Bà còn bị đe dọa hiếp dâm và sát hại, đe dọa bắt cóc hai con gái.

Phán quyết cũng khiến Khurana tỉnh ngộ, biết rằng đây không còn là cuộc chiến cá nhân nữa, bởi vì bà dám chống lại một hệ thống không tôn trọng phụ nữ, bẻ cong công lý vì thái độ gia trưởng và tham nhũng. Tuy vậy, bà quả quyết tiếp tục đấu tranh và khuyến khích những phụ nữ khác cùng tham gia.

Cuu tinh cua cac bao thai nu
Bà Mitu Khurana một mình nuôi hai con gái nay đã lên mười tuổi - Ảnh:  PTI, GETTY IMAGES

Chính phủ Ấn Độ đã triển khai thí điểm chiến dịch “Cứu các bé gái, dạy dỗ các cô gái” ở 100 quận/huyện, nơi tỷ lệ nữ/nam có sự chênh lệch lớn, với các biện pháp tuyên truyền, siết chặt việc kiểm tra giới tính thai nhi và phạt nặng những đối tượng vi phạm.

Tuy nhiên, chiến dịch này lại dẫn đến sự gia tăng số lượng các bé gái bị bỏ rơi trong trại trẻ mồ côi. Vòng luẩn quẩn “bị giết hay bị bỏ rơi” cuối cùng chỉ có thể được giải quyết thông qua bài trừ tận gốc tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Cẩm Hà (Theo BBC, Reuters, PTI, MediaStorm)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI