Con trai làm thuê để bảo lãnh mẹ ra tù

02/06/2013 - 16:00

PNO - PNO – Giống như một nhân vật bước ra từ những trang tiểu thuyết của Charles Dickens, một cậu con trai người Ấn Độ đã làm việc miệt mài trong xưởng may để kiếm tiền bảo lãnh cho mẹ ra khỏi tù.

Con trai lam thue de bao lanh me ra tu

Kanhaiya và mẹ - Ảnh: CNN

Tháng này, sau khi làm việc không ngừng trong nhà máy dệt may, Kanhaiya Kumari, 19 tuổi, đã kiếm đủ 5.000 rupee (khoảng 89 USD) cần thiết để nộp tiền bảo lãnh cho mẹ mình.

Chi nhánh IBN của CNN tại Ấn Độ cho biết, mẹ cậu, bà Vijaya Kumari, 48 tuổi, đã mang thai Kanhaiya năm tháng khi bà bị bắt vào năm 1993 liên quan đến cái chết của một người hàng xóm ở huyện Aligarh (Ấn Độ).

Bị kết án tù chung thân, bà đã phủ nhận mọi cáo buộc và năm 1994 bà được cấp quyền bảo lãnh trong khi chờ kết quả kháng cáo, tuy nhiên chồng bà đã từ chối đóng 5.000 rupee tiền bảo lãnh cho vợ được tại ngoại.

"Không ai trong gia đình tôi hay bên nhà chồng giúp đỡ tôi cả", bà nói với CNN.

Cả hai mẹ con vẫn ở trong nhà tù Nari Niketan ở thành phố Lucknow, bang Uttar Pradesh, cho đến khi Kanhaiya được gửi đến trại tạm giam vị thành niên khi cậu lên sáu tuổi.

"Tôi rất buồn", Kanhaiya nói với CNN. "Không có mẹ, tôi không còn ai bên mình".

Cậu được thả vào năm ngoái sau khi sống tách rời mẹ mình bảy năm và ngay lập tức đi tìm việc làm để kiếm tiền bảo lãnh mẹ tại ngoại.

"Cậu ấy mất việc và không thể lo liệu được cuộc sống”, ông AH Rehman, chủ nhân của cậu cho biết. “Cậu ta yêu cầu tôi cho làm việc vì sinh kế, vì vậy tôi đã cho cậu ta công việc trong một xưởng may”.

Khoảng 19 năm sau khi mẹ bị giam, Kanhaiya đã trả tiền bảo lãnh tại Tòa án tối cao Allahbad để mẹ cậu được tại ngoại.

"Tôi đã làm việc vô cùng vất vả để có được tiền bảo lãnh cho mẹ tôi", cậu nói. "Bây giờ tôi rất hạnh phúc", Kanhaiya mỉm cười.

Trường hợp đã khiến Tòa án Tối cao kiểm tra kỹ hơn các nhà tù ở bang Uttar Pradesh. Tòa đã yêu cầu một danh sách tù nhân đã được phép bảo lãnh nhưng vẫn còn mòn mỏi trong tù.

Tòa án Ấn Độ nổi tiếng là kém hiệu quả, với các vụ án đôi khi bị kéo lê nhiều thập kỷ. Theo Ủy ban Nhân quyền châu Á (AHRC), ước tính tỷ lệ kết án các vụ trọng án chỉ đạt 4% trong các vụ tòa xét xử.

THANH HIỀN (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI