Chuyện lao động nhập cư ở Nhật Bản

12/04/2019 - 08:13

PNO - Từ tháng 4/2019, luật nới lỏng thị thực lao động mới của Nhật Bản có hiệu lực. Thị trường lao động Nhật Bản tuy hấp dẩn nhưng không phải ai cũng tường tận được mình sẽ làm gì, cơ hội phát triển ra sao.

Luật mới liệu có giải quyết được chuyện cũ?

Luật mới ra đời là nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe, nhằm đối phó với tình trạng thiếu lao động, bắt nguồn từ hiện trạng dân số già của quốc gia Đông Á này.

Năm 2018 là năm thị trường lao động Nhật Bản thừa đầu việc nhất trong 44 năm qua. Trung bình cứ 150 đầu việc cần người thì chỉ có 100 người đáp ứng. Luật mới có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi của người lao động nước ngoài và ước tính trong 5 năm tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp nhận khoảng 340.000 lao động trong các lĩnh vực như hộ lý, chăm sóc người già, xây dựng, nông nghiệp và vệ sinh tòa nhà.

Chuyen lao dong nhap cu o Nhat Ban
Một lao động được trang bị sơ sài khi làm công việc dọn dẹp xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima

Câu hỏi là liệu luật mới sẽ phát huy đến đâu trong khi câu chuyện lao động nhập cư vẫn gây tranh cãi ở Nhật. Các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, doanh nghiệp của họ sẽ khó tồn tại, nếu không có lao động nhập cư. Dân Nhật thì sợ người lao động nước ngoài có thể phá hỏng hệ sinh thái hiện đại của họ.

Giữa lúc các bên chưa tìm thấy tiếng nói chung, chuyện cấp bách cần được quan tâm là những góc khuất, với đầy rẫy bi kịch, mà chính người lao động cũng không lường trước được. Hy vọng về một tương lai tươi đẹp bỗng chốc bị chôn vùi.

Cuối năm 2018, truyền thông Nhật Bản và thế giới dồn dập đưa câu chuyện của cô gái 22 tuổi (không cung cấp danh tính) người Việt Nam, phải bỏ việc vì… mang thai. Cô là công nhân một nhà máy giấy ở phía tây Nhật Bản. Cô chỉ có hai lựa chọn: nghỉ việc hoặc phá thai. Quy định của các công ty luôn có những khoản đi kèm, mà nếu không đọc kỹ, người lao động sẽ dễ dàng vi phạm và trường hợp của nữ lao động này cũng thế. Quy định người lao động không được phép mang thai thật ra chỉ xuất hiện trong bảng cam kết, khi họ ở giai đoạn “tiền huấn luyện”, mà không có trong hợp đồng. Hợp đồng chỉ có nội dung “không được buông lỏng, không được mất tập trung trong 3 năm tiếp theo”. Thế là cô gái mắc kẹt giữa những dòng chữ mà chính cô cũng không ngờ là “cái bẫy” chờ sẵn.

Chuyện buồn ở Fukushima

Trời rét căm, gió rít từng cơn bên ngoài căn nhà tạm bợ ở thị trấn Koriyama, khu vực ven biển tỉnh Fukushima - nơi bị thiệt hại nghiêm trọng bởi sóng thần và thảm họa hạt nhân năm 2011.

Trong không gian ấy, nhiều lao động Việt Nam đang quây quần bên nhau, chuẩn bị bữa tối. Một trong số đó là người đàn ông họ Nguyễn. Anh đến Nhật từ năm 2015, theo chương trình huấn luyện thực tập kỹ thuật (còn được hiểu là lao động thử việc) do Chính phủ Nhật Bản quản lý.

Chuyen lao dong nhap cu o Nhat Ban
Hai lao động người Indonesia đang làm việc tại Nhật Bản

Để được đến Nhật tham gia chương trình này, anh Nguyễn đã chi cho một tay môi giới Việt Nam 9.200 USD và ký hợp đồng lao động cá nhân với một công ty xây dựng tại Koriyama, để vừa làm vừa học kỹ thuật của một công nhân chuyên về cốt thép.

Anh Nguyễn chia sẻ: “Trong suy nghĩ của tôi, Nhật Bản là đất nước có rất nhiều điều tốt đẹp. Tôi muốn học nhiều kỹ năng chuyên nghiệp từ họ, để đem về áp dụng ở quê nhà”. Đời không như là mơ. Khi sang đến Nhật, anh Nguyễn phải chấp nhận công việc mà anh chưa từng nghĩ đến: vận chuyển đất, dọn dẹp ở vùng bị nhiễm phóng xạ, xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima - công việc nguy hiểm mà chẳng mấy lao động địa phương đồng ý nhúng tay. Người ta phát cho anh khẩu trang và găng tay loại thông dụng chứ chẳng phải loại chuyên dùng cho công việc xử lý quanh khu vực nhiễm phóng xạ. Đưa tay chỉ những người đàn ông ngồi xung quanh, anh Nguyễn nói: “Chúng tôi đã bị lừa”.

Câu chuyện được chia sẻ trên đài phát thanh NPR của Mỹ đầu năm nay. Anh Nguyễn không được nêu đích danh công ty, vì đó là quy định anh đã ký trong hợp đồng lao động. Bản thân anh, dù muốn khởi kiện, cũng không biết phải kiện ai mới đúng - công ty trực tiếp thuê mình hay công ty môi giới. Anh cũng chẳng biết tiếng Nhật, không hiểu hệ thống tư pháp nơi này vận hành ra sao. Điều anh có thể làm là tiếp tục công việc, vì dù gì nó cũng mang đến cho anh nguồn thu nhập, ít ra là để trả tiền vay ngân hàng. Những lao động như anh Nguyễn hiện chiếm 20% trong số 1,3 triệu lao động nước ngoài ở Nhật Bản.

Hai năm trước, Pisey Eng (33 tuổi) rời Campuchia, gửi con trai nhỏ cho mẹ chồng chăm sóc và đến tỉnh Gifu (Nhật) làm việc, với mong muốn cải thiện thu nhập và học hỏi thêm những kỹ năng mới.

Pisey Eng đinh ninh cô sẽ đổi đời nhờ công việc ủi quần áo và xếp đồ ở một công xưởng, với mức lương 1.100 USD/tháng. Thực tế không phải vậy. Chỉ vài tháng sau đó, Pisey mất việc, không chốn dung thân. Cô kể trên tờ Guardian: “Tôi bắt đầu làm việc lúc 8g30 sáng hằng ngày và kết thúc có khi tận 3 giờ sáng hôm sau”. Pisey cũng đến Nhật làm việc theo chương trình huấn luyện thực tập kỹ thuật.

Pisey không biết khái niệm nghỉ lễ là gì trong khi đồng nghiệp người Nhật thì được hưởng đúng chế độ nghỉ phép, nghỉ lễ như quy định. Mức lương mà Pisey nhận được chỉ từ 300-500 yên/giờ (tương đương 2,7-4,5 USD) trong khi mức lương thấp nhất mà đồng nghiệp Nhật Bản làm cùng vị trí nhận được là 800 yên/giờ.

Nghỉ việc, Pisey phải ôm theo khoản nợ 4.000 USD phải trả cho công ty môi giới ở Campuchia. Trong khi đó, chủ công ty Nhật Bản nơi Pisey từng làm việc phủ nhận những thông tin bất lợi mà Pisey cung cấp, bảo cô nói dối.

Những con số biết kể chuyện

Những người như anh Nguyễn hay cô Pisey không đơn độc. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng, chính quyền Nhật Bản đã không nỗ lực ngăn chặn việc các chủ doanh nghiệp trả lương quá thấp cho lao động.

Luật sư Shoichi Ibusuki, chuyên hỗ trợ các lao động nước ngoài bị bóc lột, cho rằng: “Dù có luật mới, khả năng bóc lột lao động nước ngoài đối với nhóm lao động chân tay hoàn toàn có thể tái diễn, vì thực tế, các doanh nghiệp có nhiều cách để gây khó dễ cho người lao động”.

Theo điều tra của Bộ Lao động Nhật Bản, hiện có 6.000 công ty lớn nhỏ thuê 260.000 lao động là đối tượng của chương trình huấn luyện thực tập kỹ thuật. Trong đó, có đến 70% trường hợp công ty vi phạm luật lao động, trả lương thấp và vắt kiệt sức lao động của công nhân. Theo tờ Asahi Shimbun, trong năm 2018, khoảng 7.000 người đã bỏ dở chương trình này, vì không thể chịu nổi áp lực làm việc quá căng thẳng mà tiền lương không xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Nhiều người thậm chí còn bị đánh đập, nhiều trường hợp bị ép phá thai (tương tự hoàn cảnh của cô gái 22 tuổi người Việt).

Ở thời điểm Quốc hội Nhật thông qua luật mới, Bộ Tư pháp nước này tiết lộ: từ năm 2010-2017, có đến 174 lao động là công nhân thực tập ở độ tuổi ngoài 20 và 30, đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia đã qua đời. Phần lớn họ chết vì tai nạn ở nơi làm việc. 13 trường hợp tự sát và một số chết vì lý do tim mạch (được cho là có liên quan đến tình trạng làm việc quá tải đến chết mà Nhật Bản dùng riêng từ karoshi để gọi tên).

Theo luật sư Ibusuki, những con số thống kê không nói lên đủ những gì mà người lao động đang đối diện. Nhiều người, vì ráng lo làm trả nợ, mà cam chịu bị đối xử bất công và điều kiện làm việc trái với quy định của luật lao động ở Nhật. Pisey hiện nương tựa trong một trung tâm chuyên cưu mang những lao động bị đối xử tồi tệ với 15 người cùng cảnh ngộ. Cô đếm từng ngày, trông đợi lúc được gặp lại con trai ở Campuchia, nhưng không ai biết khi nào cô mới có thể trở về nhà. n

Tháng 4/2019, trước hiện tượng một số công ty môi giới lừa đảo người Việt Nam sang Nhật làm việc, trang thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã đưa ra các khuyến cáo với người lao động.

Thứ nhất, không chọn các công ty môi giới yêu cầu trả phí quá cao. Thứ hai, việc nhập cảnh vào Nhật bằng visa ngắn hạn như visa du lịch, sau đó tìm việc làm và đổi sang visa dài hạn là điều không thể xảy ra. Thứ ba, khi đóng các loại phí cho công ty môi giới, phải giữ lại biên lai thu tiền.

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI