'Chuyến bay bão táp' chinh phục 12 ngàn km bằng máy bay tự chế

09/07/2019 - 10:00

PNO - Sau khi tự chế tạo một chiếc máy bay Sling 4, nhóm thiếu niên Nam Phi đã khởi hành chuyến bay kéo dài 6 tuần từ thành phố Cape Town ở nước này đến thủ đô Cairo của Ai Cập.

Chuyến bay vượt qua khoảng cách 12 ngàn km và phi hành đoàn đã hạ cánh ở Namibia, Malawi, Ethiopia, Zanzibar, Tanzania và Uganda.

Một chiếc Sling 4 khác - được các phi công chuyên nghiệp điều khiển – đã tháp tùng máy bay của nhóm thiếu niên, mục đích của họ là động viên các phi công trẻ trên suốt chặng đường bay.

'Chuyen bay bao tap' chinh phuc 12 ngan km bang may bay tu che
Nhóm dự án ăn mừng chuyến bay thành công - Ảnh: BBC

Chiếc máy bay Sling 4 bốn chỗ ngồi là sản phẩm lao động sáng tạo và miệt mài của một nhóm 20 sinh viên xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau. Nhóm thiếu niên đã chế tạo chiếc máy bay của mình trong suốt ba tuần từ một bộ dụng cụ do Nhà máy máy bay của Nam Phi chế tạo, các em đã lắp ráp hàng ngàn bộ phận nhỏ tạo nên “kỳ tích của mình”.

Phi công Megan Werner, 17 tuổi, người sáng lập dự án U-Dream Global, cho biết cô rất vui mừng vì thành tích này. Cô chia sẻ: "Tôi rất vinh dự vì đã tạo ra sự khác biệt trên khắp lục địa tại những nơi chúng tôi dừng chân, mục đích của sáng kiến ​​là cho châu Phi thấy rằng mọi thứ đều có thể nếu bạn dành tâm trí cho nó”.

'Chuyen bay bao tap' chinh phuc 12 ngan km bang may bay tu che
Chiếc máy bay Sling 4 do các em chế tạo đã bay đến Cairo - Ảnh: BBC

Cha của Megan, phi công thương mại Des Werner, cho biết thông thường sẽ mất 3.000 giờ để lắp ráp một chiếc Sling 4. Megan nói rằng chiến công đầy ấn tượng của họ đã trải qua rất nhiều thách thức trước khi về đến đích.

Tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, họ không thể nạp thêm nhiên liệu. Megan kể: "Khi chúng tôi cuối cùng nạp thêm được nhiên liệu thì máy bay hỗ trợ bị rò rỉ nhiên liệu nên không thể tiếp tục bay cùng chúng tôi. Cuối cùng, chỉ có hai người - Driaan van den Heever, phi công phụ trách an toàn bay và tôi – tiếp tục hành trình”.

Megan cho biết họ cũng rất lo ngại khi bay qua Sudan “vì tình hình bất ổn chính trị ở quốc gia này”.

Megan là một trong 6 người trong nhóm đã có bằng phi công và 6 phi công đã chia nhau lái chiếc máy bay màu bạc trên hai cánh mang hình bản đồ châu Phi kèm theo logo của các nhà tài trợ.

Bằng lái máy bay cơ bản của các em cũng gây những khó khăn nhất định, vì các em không được bay cao quá tầm nhìn từ mặt đất và không được bay vào mây.

Chặng cuối cùng, từ Addis Ababa đến Cairo qua Aswan, đã thử thách “khí phách” của các phi công.

"Driaan van den Heever và tôi bay một mình trong suốt 10 giờ, không có máy bay hỗ trợ, trong khi chúng tôi chỉ là hai thiếu niên chưa có kinh nghiệm bay đường dài”, Megan nói.

'Chuyen bay bao tap' chinh phuc 12 ngan km bang may bay tu che
Những người tham gia dự án (từ trái sang phải) Van den Heever, Megan Werner và Hendrik Coetzer

Một giờ trước khi vào không phận Ai Cập, hai phi công gặp sự cố với một trong những hệ thống điện tử hàng không. Vì vậy, tổ lái quyết định hạ cánh xuống một sân bay nội địa gần Cairo, thay vì sân bay quốc tế như kế hoạch. Des Werner giải thích, “điều đó tạo ra một chút rối loạn, nhưng nó được thực hiện vì sự an toàn".

Nữ phi công trẻ kể lại: "Khi chúng tôi hạ cánh ở Ai Cập, chính quyền muốn bắt chúng tôi, thu hộ chiếu và giấy phép của chúng tôi, nhưng may mắn là chỉ sau khoảng bốn giờ, mọi việc đã được thu xếp và chúng tôi được nạp thêm nhiên liệu để tiếp tục chuyến bay đến Aswan. Sau đó chúng tôi bay từ Aswan trở lại Cairo và thật tuyệt vời khi được hạ cánh ở đây".

Cẩm Hà (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI