Chính trị gia và nghệ thuật ứng xử

08/09/2016 - 07:56

PNO - Điềm tĩnh xử lý mọi tình huống mới thật sự là đức tính cần có của một nhà lãnh đạo. Nghệ thuật giao tiếp tuy không đóng khung theo một kiểu mẫu nào nhưng có hiệu quả phản ánh nhân cách, văn hóa của người đó.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN (từ ngày 6-8/9 tại Lào), Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte  nhưng ông Obama đã quyết định hủy cuộc gặp. Đây là câu trả lời cứng rắn mà Tổng thống Mỹ muốn gửi đến người đồng cấp Philippines.

Chinh tri gia va nghe thuat ung xu
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte

Trước đó, khi biết nội dung Tổng thống Mỹ sẽ trao đổi có liên quan đến vấn đề nhân quyền trong chương trình tiêu diệt tội phạm ma túy (đã giết chết 2.400 người chỉ trong hai tháng) của Chính phủ Philippines, ông Rodrigo Duterte đã thẳng thừng nhục mạ ông Obama trước truyền thông là “đồ con hoang” cùng những từ ngữ tục tĩu. Việc này đã vượt khỏi ranh giới cấm kỵ trong văn hóa ngoại giao.

Tháng trước, ông Duterte cũng là tâm điểm của báo chí thế giới khi dùng lời lẽ khiếm nhã sỉ nhục đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg trong lần phát biểu trước các quân nhân ở trại Lapu-Lapu, Cebu.

Mới nhậm chức Tổng thống Philippines hồi tháng Sáu, nhưng ông Duterte đã sớm để lại “dấu ấn” về ứng xử và những tuyên bố khá kỳ quặc. Trước cuộc bầu cử Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte còn lên tiếng đổ lỗi: vì Giáo hoàng Francis đến Manila mới khiến giao thông nước này trở nên hỗn loạn! 86% người dân Philippines theo Công giáo nên đã phản ứng dữ dội, thậm chí Giáo hoàng Francis sau đó kêu gọi người dân không nên bầu cho ông Duterte, buộc ông phải “xoa dịu” bằng lời hứa sẽ xin lỗi.

Báo chí phương Tây gọi ông Rodrigo Duterte là “Donald Trump châu Á”. Ví von này không phải ngẫu nhiên vì trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, theo nhận định của giới phân tích, chưa bao giờ ông Donald Trump chứng tỏ được mình là một chính trị gia thực thụ. Ông liên tục có những sự cố phát ngôn mà một người ngoại đạo trên chính trường cũng không chấp nhận.

Đó là những lần nhục mạ nữ giới (trong đó có không ít lần chỉ trích đối thủ chính là ứng cử viên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton), báng bổ đạo Hồi, ủng hộ tăng cường sở hữu vũ khí cá nhân. Đến trẻ em ông Trump cũng không buông tha. Trong buổi diễn thuyết vận động tranh cử tại Northern Virginia hồi đầu tháng Tám, ông Donald Trump đã yêu cầu một phụ nữ đưa con của cô ra khỏi hội trường… vì bé khóc.

Trong khi đó, từng gặp hoàn cảnh tương tự, Tổng thống Barack Obama đã ứng xử hoàn toàn khác. Trong chuyến công du Nhật Bản hồi tháng Năm, sau khi phát biểu ở căn cứ không quân Iwakuni của Thủy quân lục chiến Mỹ tại đây, ông Obama đi một vòng chào hỏi mọi người. Bất ngờ thấy một em bé đang khóc, ông đỡ lấy và chỉ mất vài giây để dỗ đứa bé nín hẳn.

Tổng thống Mỹ thường xuyên giành được thiện cảm của đám đông trong những tình huống “ngoài kịch bản” không chỉ nhờ bản lĩnh của một chính trị gia am tường kỹ năng ngoại giao mà còn là ở chính sự lịch lãm và tấm lòng của một người có văn hóa.

Mới đây nhất, Tổng thống Barack Obama lại khiến công luận thán phục khi lý giải đầy khiêm tốn về những lùm xùm quanh sự tiếp đón của giới chức Trung Quốc đối với phái đoàn Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).

Ông Obama “nói đỡ” cho nước chủ nhà, rằng ông từng gặp những việc tương tự khi công du đến nước khác. Ông nhấn mạnh, đó chỉ là do cách thức làm việc khác nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Những phát biểu chân thành mà không “lép vế” này đã chứng tỏ được vị thế cường quốc của Hoa Kỳ, cũng như phẩm chất cá nhân của ông Obama. Tháng Sáu vừa qua, thế giới chấn động khi người dân Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU).

Một tháng sau, cơn “địa chấn” vẫn còn dư âm nặng nề. Giữa những phân tích bi quan về tương lai Anh và EU, hai “bà đầm thép” là Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Thủ tướng Anh Theresa May đã khéo léo công bố những hình ảnh và phát ngôn tích cực.

Trong cuộc hội đàm lịch sử tại Berlin (Đức), hai bà không hề thể hiện phong thái cứng rắn, thay vào đó là sự linh hoạt, thân thiện. Thái độ của họ khiến dư luận vô cùng bất ngờ vì trước đó, Thủ tướng Đức - “thuyền trưởng” đầu tàu kinh tế lớn nhất châu Âu từng không ủng hộ việc Anh rời châu Âu. Hai bà thủ tướng đã không đối đầu, chỉ trích lẫn nhau mà chọn cách hợp tác giải quyết vấn đề theo lộ trình từng bước. Cả hai đều chung mục đích là không làm tổn hại đến khối EU và quốc gia liên quan.

Điềm tĩnh xử lý mới thật sự là đức tính cần có của một nhà lãnh đạo. Tháng Tư vừa qua, tại diễn đàn báo chí tổ chức ở Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ phiên dịch sang tiếng Nga cho lời phát biểu bằng tiếng Đức của cựu Phó chủ tịch Hội đồng Nghị viện Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu về chủ đề hệ thống giá trị và tư tưởng quốc gia Nga.

Đoạn thông dịch trôi chảy của ông Putin đã khiến quan khách vô cùng ngạc nhiên và thú vị. Tổng thống Nga cũng đã khôn khéo và tài tình khi cho rằng thông điệp tôn vinh giá trị nước Nga mới là điểm nhấn. Trước các chính khách châu Âu, ông Putin “nắm bắt” cơ hội giới thiệu đất nước mình.

Chinh tri gia va nghe thuat ung xu
Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac và cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Laura Bush - Ảnh: Pinterest

Thế giới vẫn còn nhớ nụ hôn xã giao lịch lãm tạo nên phong cách ngoại giao độc đáo của cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Ấn tượng đầu tiên ông Chirac mang đến cho một phụ nữ bất kỳ mà ông hôn tay là sự kính trọng, nhã nhặn, chừng mực. Các nhà phân tích ngôn ngữ hình thể cho biết, việc ông Jacques Chirac tạo nên hình ảnh thân thiện đã giúp ông dễ dàng chiếm tình cảm của nhiều người trong những sự kiện quốc tế mà ông tham dự.

Chiến lược và chính sách ngoại giao luôn là bài bản mà bất kỳ chính trị gia nào cũng cần “nằm lòng”. Hơn thế, vượt lên trên tất cả các quy định, phép tắc về ngoại giao, nghệ thuật giao tiếp tuy không đóng khung theo một kiểu mẫu nào nhưng có hiệu quả phản ánh nhân cách, văn hóa của người đó.

Thiên Như 

(Theo NY Times, NPR, RT, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI