Chính sách "hoa hồng" trên chính trường Australia

27/09/2015 - 07:40

PNO - Malcolm Turnbull đã làm đúng như lời tuyên bố, đưa nhiều gương mặt nữ vào nội các. Và vị trí Bộ trưởng Quốc phòng lần đầu thuộc về một phụ nữ.

Chinh sach
Tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull - Ảnh: First Post

Đầu tuần này, nội các mới của tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã tuyên thệ nhậm chức. Vị trí Bộ trưởng Quốc phòng vốn trước nay là chiếc ghế độc tôn của nam giới, giờ lần đầu thuộc về một phụ nữ.

Malcolm Turnbull đã làm đúng như lời tuyên bố, đưa nhiều gương mặt nữ vào nội các vì ông tin rằng, sự khéo léo, có chiều sâu nhưng không hề thiếu quyết đoán của phụ nữ sẽ tạo nên góc nhìn, cách tiếp cận mới, thấu đáo và hiệu quả hơn.

Điều này, ông Malcolm cũng thấy rõ ở Ngoại trưởng Julie Bishop, người tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Bà Bishop sinh ra trong môi trường chính trị. Thế nhưng, bà không chọn chính trường ngay từ đầu. Bishop từng nghĩ, mái ấm gia đình là mục tiêu của cuộc đời một phụ nữ; từng mong muốn có nhiều con cùng người bạn đời nhưng mọi chuyện không như ý, bà phải sống đơn chiếc. Nữ luật sư bắt đầu tìm hiểu và dần theo đuổi con đường chính trị.

Bà Bishop không định hình phong cách là một nhà nữ quyền. Bà không khích bác nam giới mà lan tỏa đến cộng đồng cũng như cộng sự quan niệm tích cực về phụ nữ, rằng hãy thôi càm ràm, hãy hành động nếu muốn chứng tỏ ai đó sai.

Những ngày đầu, không mấy người tin rằng bà Bishop có thể lèo lái con tàu ngoại giao đất nước nhưng thời gian đã tôi luyện kỹ năng, óc quan sát và cách đưa ra quyết định của bà.

Tạp chí Harper’s Bazaar tại Mỹ bình chọn Julie Bishop là “Người phụ nữ của năm 2014”. Bà nổi bật khi cứng rắn khẳng định vai trò “đầu tàu” của Australia trong chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370 mất tích, cũng như giải quyết vụ máy bay MH17 rơi, mà không chịu tác động của bất cứ ngoại lực nào.

Chinh sach
Bà Julie Bishop - Ảnh: 2GB

Với Julie Bishop, sự thay đổi của mỗi phụ nữ là động lực cho sự thay đổi của từng tổ chức từ nhỏ đến lớn mà người phụ nữ ấy đóng góp.

Bà tự nhận mình là “sản phẩm” của sự tác động tích cực từ mẹ, người tin rằng giáo dục là chìa khóa mở ra cơ hội thành công đồng đều cho mọi người.

Câu nói nổi tiếng của bà Bishop “Chính sách của phụ nữ là chính sách của tất cả mọi người” cũng là kim chỉ nam cho các hoạt động đối ngoại của bà - không ngại đầu tư tài chính cho các hợp tác giáo dục, hỗ trợ phụ nữ các quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam.

Gương mặt được truyền thông nhắc đến nhiều nhất trong nội các mới của Australia những ngày này là nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Australia, bà Marise Payne (51 tuổi).

Chinh sach
Bà Marise Payne - Ảnh: Australian

Đây là vị trí được ví như “ghế nóng” trên chính trường vì chịu sự thay đổi còn nhiều hơn ghế thủ tướng trong bối cảnh cần tăng cường an ninh quốc phòng, khẳng định vị thế của Australia trước những mâu thuẫn trong khu vực, cũng như vấn đề an ninh toàn cầu còn chịu nhiều mối đe dọa.

Dưới thời Thủ tướng Abott, bà Marise Payne là Bộ trưởng Dịch vụ xã hội. Giai đoạn bà giữ chức vụ này được đánh giá là khởi nguồn kỷ nguyên của nhận thức về bạo lực gia đình. Bà Payne kêu gọi mọi người cần nhìn nhận đúng bản chất của nó, xem đây là vấn đề cần đượ c công khai và giải quyết đến tận cùng.

Bên cạnh đó, bà còn hoàn thành nhiều mục tiêu cải thiện đối nội, hướng đến nhiều giá trị cuộc sống tích cực cho người dân. Những thành viên thuộc cơ quan an ninh, tình báo, quốc phòng từng làm việc với bà Marise Payne trong thời gian dài trước đây, khi bà là thành viên nòng cốt của Ủy ban Thượng viện đều công nhận, Payne rất xuất sắc bởi khả năng am tường chính sách quốc phòng và là một trong số ít người có thể chất vấn sâu sát nhất trước bất cứ quyết định nào của Bộ Quốc phòng.

Bà hiểu rõ “đường đi nước bước” và sự vận hành của cơ quan mình đang nắm giữ, đây chính là lợi thế mà không phải ai từng vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng cũng có được.

Thiên Anh (Theo SMH, Reuters, Australian, gov.au)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI