Chính phủ Mỹ yêu cầu Facebook theo dõi đối tượng tình nghi qua Messenger

18/08/2018 - 13:05

PNO - Trước áp lực từ chính quyền Mỹ, mạng xã hội Facebook từ chối phá mã hóa để các nhà điều tra có thể xâm nhập các đoạn chat, nội dung trao đổi qua chức năng Messenger của thành viên băng nhóm tội phạm.

Chinh phu My yeu cau Facebook theo doi doi tuong tinh nghi qua Messenger
Facebook từ chối phá mã hóa để các nhà điều tra có thể xâm nhập các đoạn chat, nội dung của những đối tượng bị tình nghi.

Tòa án liên bang tại California tiếp nhận hồ sơ mà trong đó, Facebook đang tranh luận với yêu cầu từ Bộ Tư pháp Mỹ nhằm kiểm soát nội dung trao đổi trên Messenger. Thông tin trên ba người nắm rõ về vụ việc cho biết. Vì nội dung thông tin tại phiên tòa này được bảo mật nên các tranh luận cụ thể chưa được tiết lộ.

Hiện Facebook và Bộ Tư pháp Mỹ chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.

Ồn ào xung quanh việc chính phủ Mỹ gây áp lực buộc Facebook cho phép tiếp cận tin nhắn của những người dùng là đối tượng đặc biệt bắt nguồn từ vụ điều tra nhóm tội phạm MS-13, ở thành phố Fresno của California.

MS-13 được biết đến là một trong những băng nhóm tội phạm nguy hiểm nhất ở Mỹ hiện nay. Chúng chiêu dụ nhiều thanh thiếu niên nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, đặc biệt là đối tượng không có người lớn đi cùng để làm thành viên. Sau đó, chúng âm mưu gây ra nhiều vụ giết người ở Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi MS-13 là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chính sách nhập cư Mỹ có vấn đề nghiêm trọng. Hiện nay, cảnh sát Mỹ không có quyền bắt giữ người nhập cư sống một mình vì như vậy là vi phạm luật nhập cư. Tổng thống Mỹ Trump cho rằng luật pháp đang gây những cản trở nhất định đối với việc kiểm soát tình trạng nhập cư.

Nếu chính phủ Mỹ giành ưu thế trong trường hợp lần này thì đây sẽ là tín hiệu tiến tới bước chuyển dịch đáng kể trong chính sách bảo đảm quyền riêng tư của người  dùng các ứng dụng nhắn tin miễn phí vốn tuân thủ tính bảo mật rất cao như WhatsApp (thuộc sở hữu của Facebook), Signal…

Theo nguồn tin từ phiên tòa, Facebook cho biết họ đang triển khai tính năng “Secret Conversation” (Cuộc trò chuyện bí mật) mã hóa hai chiều (End-to-End Encryption). Theo đó, các nội dung nhắn tin của người dùng sẽ được mã hóa ngay trên thiết bị của người gửi trước khi gửi tới người nhận.

Việc giải mã cũng chỉ được thực hiện ngay trên thiết bị của người nhận. Điều này bảo đảm người lạ sẽ không thể xem trộm được tin nhắn của người dùng. Sau thời gian được thiết lập, nội dung trao đổi sẽ biến mất.

Vì thế, nếu Facebook tuân thủ yêu cầu của FBI thì họ phải viết lại tính năng này và như thế gây khó cho chính họ, gây cản trở cho người dùng đang dùng “Secret Conversation”.

Tranh luận tương tự từng xảy ra trong cuộc chiến pháp lý năm 2017 giữa FBI và Apple xung quanh quyền xâm nhập iPhone của đối tượng Devin Kelley.

Devin Kelley gây ra vụ xả súng ở Texas làm 26 người thiệt mạng. Các nhà điều tra đã không thể xâm nhập vào điện thoại của Devin để tìm hiểu động cơ xả súng vì điện thoại đã được mã hóa.

Trước đó, năm 2016, Apple cũng đã từ chối bẻ khóa sản phẩm iPhone 5c của một đối tượng đã xả súng giết chết 14 người và làm bị thương 21 nạn nhân khác ở San Bernardino, California.

Apple lo ngại rằng, nếu họ đồng ý tạo điều kiện bẻ khóa cho quá trình điều tra sẽ khiến người dùng mất niềm tin vào việc đảm bảo quyền riêng tư, bảo mật từ hãng.

Cựu thẩm phán và cũng là công tố viên liên bang đại diện cho gia đình các nạn nhân trong vụ San Bernardino cho rằng, chính phủ Mỹ cần có tiêu chuẩn pháp lý cao hơn khi cố gắng thu giữ nội dung trao đổi từ điện thoại, bao gồm cả việc chứng minh không còn cách nào khác để thu thập bằng chứng.

Anh Thông (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI