Chiêu 'độc', lạ, hiệu nghiệm nhằm bảo vệ chị em trên tàu xe công cộng

01/04/2017 - 15:00

PNO - Hàng loạt quốc gia tìm cách bảo vệ phụ nữ khỏi bị quấy rối trên tàu xe, thậm chí bằng cả biện pháp công kích vào sĩ diện của nam giới.

Vừa qua, hệ thống tàu điện ngầm tại Mexico City giới thiệu với hành khách chỗ ngồi “dành riêng cho nam giới”, với đệm ghế mang hình dạng một người đàn ông khỏa thân cùng “của quý” nổi bật, kèm theo đó là tấm biển đề “bạn khó chịu với chiếc ghế này, đó chẳng là gì so với những điều mà phụ nữ phải chịu đựng mỗi ngày”.

Chieu 'doc', la, hieu nghiem nham bao ve chi em tren tau xe cong cong
Một toa tàu dành riêng cho phụ nữ tại Jakarta, Indonesia

Chiến dịch “độc, lạ” do chính phủ Mexico đưa ra nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

Trên thực tế, có đến 65% phụ nữ tại Mexico City từng bị quấy rối tình dục trong khi di chuyển bằng phương tiện công cộng (xe buýt, tàu điện…). Thế nhưng đa số trường hợp, nạn nhân không dám báo lên cơ quan chức năng vì ở đấy cũng toàn nam giới. 

Tình trạng quấy rối tình dục hay tấn công phụ nữ là vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia trên thế giới.

Bất kể tuổi tác, địa điểm hay thời gian, tàu điện ngầm, tàu hỏa dường như luôn tiềm ẩn những hiểm nguy.

Ngày 23/3 vừa qua, trên một chuyến tàu điện tại San Francisco (Mỹ), một thanh niên 23 tuổi bất chợt tấn công người phụ nữ 73 tuổi khiến nạn nhân ngã xuống đất bất tỉnh. Lúc bị cảnh sát bắt giữ, gã côn đồ cho biết hắn chẳng quen biết gì nạn nhân, và cuộc tấn công hoàn toàn là ngẫu nhiên. 

Nếu như ở phương Tây, các vụ tấn công nhằm vào phụ nữ trên phương tiện công cộng chỉ diễn ra rải rác, thì tại các nước phương Đông, với tâm lý trọng nam như Ấn Độ, Nhật Bản, đây trở thành vấn nạn phổ biến trong xã hội.

Tháng 9/2016, một người phụ nữ 32 tuổi từ bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) bị cưỡng hiếp tập thể rồi ném ra khỏi tàu hỏa khiến cô trở nên tàn phế; hay vào tháng 12/2015, một bé gái 14 tuổi bị hai sĩ quan cảnh sát tại bang Jharkhand chuốc rượu rồi giở trò đồi bại trên chuyến tàu chiều Chủ nhật.

Trong cả hai trường hợp, những kẻ thủ ác thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật vì nạn nhân hầu như không thể nhớ điều gì đã xảy ra trong giờ phút đen tối ấy. 

Tại Nhật Bản, việc các cô gái trẻ bị sờ soạng trên tàu điện là “chuyện thường ngày”. Fumie, nữ sinh trung học 17 tuổi, sống ở phía Tây Tokyo vẫn đến trường bằng tàu điện mỗi ngày.

Cách đây hai năm, cô bị một người đàn ông sàm sỡ ngay trên chuyến tàu buổi sáng. Fumie không biết phải làm gì, cô bé chỉ nghĩ “tại sao lại là mình?” và cố gắng dùng tay che trước cơ thể.

Một nạn nhân khác, Tamaka Ogawa chỉ khoảng 10 tuổi khi gặp nạn lần đầu tiên. Hôm đó là ngày nghỉ và cô bé đang đi tàu điện ngầm, bỗng một gã đàn ông đứng phía sau luồn tay vào trong quần Tamaka và ép người lại sát cô bé.

Tamaka hoảng loạn nhưng không biết phải làm gì. Lúc về đến nhà, cô bé chẳng dám nói với cha mẹ mà chỉ cố gắng tắm thật sạch phần cơ thể chỗ người đàn ông chạm vào.

Đối với nhiều nền văn hóa, nạn nhân của tấn công tình dục bị buộc tội là “không biết giữ mình” nên mới xảy ra cơ sự. Vì vậy, đa phần họ không dám kể lại vụ việc với bất kỳ ai, kể cả bạn bè, người thân hay thầy cô giáo.

Hiểu được vấn đề này, chính phủ các nước cố gắng tìm kiếm giải pháp hữu hiệu để bảo vệ tốt hơn cho phái yếu trên các phương tiện công cộng. Chẳng hạn bên cạnh việc tuyên truyền, chính quyền thành phố Delhi, Ấn Độ cho phép phụ nữ mang dao nhỏ, dài dưới 10cm bên mình để phòng thân khi di chuyển bằng tàu điện kể từ tháng 1/2017. 

Ở thành phố Fukuoka, cảnh sát địa phương cũng vừa đưa ra ứng dụng điện thoại tên là “Mimamotchi”.

Ứng dụng cảnh báo người dùng khi họ bước vào những khu vực từng xảy ra tấn công tình dục, và bằng một vài thao tác đơn giản, nạn nhân có thể gọi điện trực tiếp đến cảnh sát, hoặc thể hiện dòng chữ “Tôi đang bị sàm sỡ” lên màn hình điện thoại trong những tình huống mà họ không thể lên tiếng.

Mặt khác, chính quyền thành phố Tokyo đã đưa tám toa tàu dành riêng cho phụ nữ vào hoạt động; sáng kiến này cũng được nhiều quốc gia khác trên thế giới thực hiện như Brazil, Mexico, Indonesia, Thái Lan hay Ấn Độ. 

Ngọc Hạ (Theo Al jazeera, ABC, India Express, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI