Chiến đấu cơ Trung Quốc khiêu khích máy bay Mỹ

24/08/2014 - 09:58

PNO - Lầu Năm Góc cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc có hành động “ngăn chặn nguy hiểm” đối với máy bay tuần tra Mỹ tại không phận quốc tế ở biển Đông.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Vụ việc trên xảy ra trong không phận quốc tế tại biển Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 217 km về hướng đông, vào ngày 19/8 nhưng mới được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 22/8.

Chien dau co Trung Quoc khieu khich may bay My

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 của Mỹ và chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc (ảnh nhỏ) - Ảnh: Reuters/Bộ Quốc phòng Mỹ

Hãng Bloomberg dẫn thông cáo của Lầu Năm Góc cho hay trong lúc máy bay tuần tra chống ngầm P-8 Poseidon của hải quân Mỹ đang thực hiện “sứ mệnh tuần tra thông thường”, chiếc chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện, lượn lờ phía trên lẫn phía dưới và bám sát P-8, có lúc chỉ cách khoảng 6 m. J-11 còn có màn biểu diễn nguy hiểm hơn là bay ngang qua mũi của P-8, với phần bụng hướng về máy bay Mỹ. Lầu Năm Góc đánh giá hành động đó của phi công Trung Quốc là nhằm phô diễn hệ thống vũ khí của J-11.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, chuẩn Đô đốc John Kirby cho rằng hành động mới của chiến đấu cơ Trung Quốc hết sức nguy hiểm, “không chuyên nghiệp” và “không an toàn”. AP dẫn lời ông Kirby cho biết thêm Washington đã chính thức lên tiếng phản đối quân đội Trung Quốc về vụ việc nói trên thông qua các kênh ngoại giao. Tại cuộc họp báo ở bang Massachusetts, nơi Tổng thống Barack Obama đang trải qua kỳ nghỉ, Phó cố vấn An ninh quốc gia Ben Rhodes cũng gọi hành động của chiến đấu cơ Trung Quốc là “sự khiêu khích gây quan ngại sâu sắc” và cảnh báo nó có thể cản trở những nỗ lực cải thiện quan hệ quân sự song phương.

Tờ Foreign Policy dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho hay đây chỉ là một trong nhiều vụ khiêu khích diễn ra trong năm nay, liên quan đến một chỉ huy không quân của Trung Quốc tại gần đảo Hải Nam. Cụ thể trong các tháng 3, 4 và 5, cũng viên chỉ huy này đã ra lệnh cho các phi công dưới quyền cản trở máy bay quân sự Mỹ. Những quan chức này từ chối cung cấp chi tiết của các vụ trước đó nhưng tiết lộ Mỹ cũng đã có sự phản đối chính thức đối với Trung Quốc về vụ xảy ra hồi tháng 5, theo AP.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân ngày 23/8 chỉ trích cáo buộc mới của Washington “hoàn toàn vô căn cứ”, lập luận rằng phi công Trung Quốc đã giữ khoảng cách an toàn với máy bay P-8, theo Tân Hoa xã.

Chiếc P-8 nói trên nằm trong số 6 máy bay cùng loại được Mỹ triển khai đến căn cứ không quân Kadena ở tỉnh Okinawa của Nhật hồi tháng 12/2013, một tháng sau khi Trung Quốc tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông. Chuyên gia Rick Fisher tại Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế (Mỹ) cho rằng Washington tăng cường chuyến bay do thám gần Trung Quốc là một phần chiến lược ứng phó những hành động gây quan ngại của Bắc Kinh trong các vùng biển tranh chấp.

Đáp lại, Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật cho chiến đấu cơ hăm dọa máy bay do thám Mỹ. The Washington Free Beacon dẫn lời ông Fisher cho rằng mục tiêu của Trung Quốc trong các cuộc đối đầu trên không là khiến “giới lãnh đạo Mỹ sợ xảy ra thêm sự cố ngày 1/4”. Vào ngày 1/4/2001, một chiến đấu cơ J-8 của Trung Quốc đã va chạm với máy bay do thám EP-3 của Mỹ, khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng khi chiếc J-8 rơi và chiếc EP-3 phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Khi đó, giới chức Trung Quốc đã bắt giam 24 thành viên phi hành đoàn của chiếc EP-3 trong 11 ngày cho đến khi Washington đưa ra tuyên bố “rất lấy làm tiếc” về cái chết của viên phi công Trung Quốc, theo AP.

Theo VĂN KHOA-Thanh Niên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI