Chiếc bánh Trung thu 10 năm chưa hỏng ở Trung Quốc

23/09/2015 - 13:57

PNO - Ông Phương ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện hộp bánh Trung thu gia đình ông mua từ năm 2005 vẫn còn nguyên vẹn.

Chiec banh Trung thu 10 nam chua hong o Trung Quoc
Hộp bánh trung thu10 năm không hỏng gây sóng gió cộng đồng mạng ở Trung Quốc - Ảnh: CCTV News

Báo mạng Trung Quốc (TQ) vừa đưa tin, ông Phương ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (TQ) đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện hộp bánh Trung thu gia đình ông mua từ năm 2005 vẫn còn nguyên vẹn.

Hộp bánh này đã có “tuổi thọ” 10 năm, nhưng bánh trong hộp không bị mốc, vỏ bánh màu vàng và đầy đặn, hoa văn trên bánh rõ nét, trông gần như là bánh mới ra lò. Nhìn bề ngoài, hộp bánh không khác nhiều so với bánh mới sản xuất, chỉ có ngày sản xuất được in trên bao bì là ngày 3/9/2005, hạn sử dụng là 30 ngày.

Hộp bánh này là sản phẩm của khách sạn Tây Tử (Chiết Giang), ông Phương mua về và do bận chuyển nhà nên để quên luôn trong tủ của ga-ra xe ô tô.

Quá ngạc nhiên về tình trạng của hộp bánh, ông Phương đã liên hệ với nhà sản xuất, nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ khách sạn Tây Tử.

Theo một chuyên gia an toàn thực phẩm ở Hàng Châu, bánh Trung thu để 10 năm không hỏng có thể là do dùng quá nhiều chất bảo quản, tuy nhiên cần xét nghiệm kỹ mới khẳng định được chính xác nguyên nhân.

Theo tờ Thành báo xuất bản ở Hồng Kông, số ra ngày 21/9, bánh Trung thu do các cơ sở chế biến thực phẩm không chuyên nghiệp, như các khách sạn hay siêu thị ở TQ tự sản xuất, bên cạnh các chất bảo quản, nhà sản xuất còn thường sử dụng các hóa chất (như chất tẩy, chất tạo màu) trong quy trình chế biến.

Hóa chất tẩy trắng giúp cho hạt sen có màu tươi sáng. Hai chất tạo màu phổ biến vốn bị cấm cũng thường được sử dụng là chất tạo màu lòng đỏ trứng gà erythrosin, giúp bánh nướng có màu sinh động và chất tạo màu vàng citrus để cải thiện màu sắc bánh.

Hiện tượng thực phẩm và trái cây để lâu không hư thối chẳng phải chuyện lạ ở TQ, nơi xảy ra nhiều vụ bê bối về vệ sinh an toàn thực phẩm gây chấn động xã hội.

Năm 2008, TQ xảy ra vụ sữa nhiễm melamine khiến gần 53.000 trẻ em có triệu chứng mắc bệnh, hơn 12.800 trẻ phải nằm viện với nguyên nhân là sỏi thận và suy thận, trong đó bốn em tử vong.

Tháng 5/2013, 904 người đã bị bắt giữ trong chiến dịch truy quét những nghi phạm làm thịt cừu giả từ thịt chuột, cáo và chồn, trộn thêm hóa chất có thể gây ung thư, qua đó thu lợi bất chính khoảng 10 triệu nhân dân tệ (1,62 triệu USD) ở tỉnh Giang Tô.

Tháng 9/2014, vụ dầu ăn bẩn thu hồi từ nhà bếp, cống rãnh, đã gây chấn động ngành công nghiệp thực phẩm Đài Loan và TQ.

Dù thường xuyên phải chịu sự kiểm soát gắt gao và các biện pháp chế tài nghiêm khắc của cơ quan chức năng nhưng vì lợi nhuận trước mắt, các nhà sản xuất vô lương tâm ở TQ vẫn sẵn sàng “thí mạng” người tiêu dùng.

Tháng 8/2012, người dân TQ một phen hoảng loạn vì thông tin táo đỏ Fuji của nước này được ủ bằng thuốc trừ sâu, để cả năm không bị hỏng.

Báo Mỹ International Herald Tribune từ ng nhận định, trong trường hợp không có quy định hiệu quả và những ràng buộc về đạo đức, lợi ích tư nhân ở TQ thường “đè bẹp lợi ích cộng đồng”.

Quế Lâm (Theo Xinhua, CCTV News, Weibo, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI