Chết trước khi được vinh danh

10/10/2016 - 11:54

PNO - Những giá trị các nhà khoa học đã tận hiến cho cuộc đời là vô giá. Thế hệ sau luôn sẵn sàng tiếp nối lý tưởng đó, vì sự sống tuyệt diệu mà vũ trụ ban tặng loài người.

Một nhà khoa học, khi đã chọn con đường nghiên cứu là đã nhận sứ mệnh mang lại những giá trị thiết thực cho nhân loại, không lấy việc được công nhận là đích đến. Có những người được vinh danh bằng giải thưởng Nobel, nhưng cũng không hiếm những tài năng mãi mãi không chạm được đến vinh quang này.

Mùa trao thưởng năm 2011 đã xảy ra một chuyện chưa từng có. Chỉ vài giờ sau khi nêu tên giáo sư người Canada Ralph Steinman (nhà miễn dịch học và sinh vật học tế bào) là một trong ba chủ nhân giải Nobel Y sinh, mọi người ngỡ ngàng phát hiện ông đã qua đời trước đó ba ngày, hưởng thọ 68 tuổi.

Theo quy chế của Quỹ Nobel, giải thưởng không trao cho người đã chết. Nhưng, cũng có quy định, nếu một người được công bố đoạt giải nhưng qua đời trước thời điểm nhận giải thì vẫn được công nhận. Trong trường hợp này, giải Nobel thuộc về Ralph Steinman là hợp lệ.

Chet truoc khi duoc vinh danh
Nhà khoa học quá cố Ralph Steinman - Ảnh: Reuters

Giải Nobel Y sinh vinh danh giáo sư Ralph Steinman nhờ những nghiên cứu về hệ miễn dịch của cơ thể. Khám phá của ông cùng hai nhà khoa học khác là Bruce Beutler (Mỹ) và Jules Hoff mann (người Pháp gốc Luxembourg) mở ra rất nhiều hướng đi cho việc ngăn ngừa, điều trị các bệnh truyền nhiễm, ung thư hay viêm nhiễm.

Nghiên cứu còn đặt nền tảng cho xu hướng mới của khái niệm “vắc-xin chữa bệnh”, trong đó kích thích hệ miễn nhiễm tích cực tấn công khối u ác tính trong cơ thể. Điều khiến mọi người xúc động là ông đã qua đời vì ung thư tuyến tụy khi chưa kịp thụ hưởng thành quả lao động của mình.

Không nhiều đồng nghiệp biết chuyện giáo sư Ralph Steinman bị ung thư, nên khi hay tin, họ không khỏi bàng hoàng. Suốt gần 5 năm cuối đời, ông vẫn ôm ấp ước nguyện làm được nhiều hơn nữa, không chỉ cho bản thân mà còn vì nền y học đang rất cần những thí nghiệm lâm sàng.

Tiến sĩ Louis Weiner, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ung thư Georgetown Lombardi, cộng sự của ông trong lĩnh vực miễn dịch cho biết: “Với người khác, ung thư là tai họa nhưng với ông ấy, căn bệnh quái ác trở thành động lực giúp ông dồn hết sức lực vào nghiên cứu”.

Thí nghiệm cuối cùng, Ralph Steinman đã thực hiện trên chính cơ thể mình. Ngay sau khi biết mình mắc ung thư tuyến tụy ở giai đoạn bốn, ông quyết định lấy chính bản thân làm bệnh nhân đầu tiên tham gia thí nghiệm để điều chỉnh phương pháp nghiên cứu. Ông không chủ quan chỉ chọn phương pháp của mình mà còn chấp nhận phẫu thuật, hóa trị nhưng vẫn không thành công.

Ralph Steinman thực hiện thí nghiệm trên bản thân bằng cách loại bỏ một phần nhỏ của khối u, sau đó cố gắng “huấn luyện” các tế bào miễn dịch theo dõi mọi dấu vết của khối u đó. Những người thân cận mô tả đó là chuỗi ngày vô cùng ý nghĩa với nhà khoa học này. Ông gắng gượng vượt qua những cơn đau giày xéo cơ thể để say sưa trong phòng thí nghiệm. Đó chính là phép thử của sự lạc quan, ý chí dưới ánh sáng khoa học và tinh thần nhân văn cao cả vốn có ở bất kỳ nhà khoa học chân chính nào.

Dù không thành công do việc áp dụng thực tế chưa hoàn thiện, không thể cứu được chính mình nhưng tinh thần thép và sự hy sinh cao cả của ông đã khiến thế giới phải nể phục. Cả cuộc đời, nhà miễn dịch học và sinh vật học Ralph Steinman không hề chệch hướng.

Năm 1973, ông đã phát hiện một loại tế bào mới hình cây và chứng minh được vai trò của nó trong việc tạo ra các tế bào T, chính là cỗ pháo hạng nặng của hệ miễn dịch, trực tiếp tiêu diệt mầm bệnh. Tế bào T còn là một phần của bộ nhớ miễn dịch, giúp tổ chức tấn công nhanh hơn, mạnh hơn nếu cùng một loại mầm bệnh tái xâm nhập cơ thể. Nhờ phát hiện này của ông mà công ty công nghệ sinh học Mỹ Dendreon sáng chế vắcxin Provenge năm 2010, chữa ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.

Cuộc đời của một nhà khoa học, cái đáng quý nhất là di sản họ để lại. Điều này không phụ thuộc vào số giải thưởng, danh hiệu họ đạt được hoặc chưa kịp nhận lấy.

Câu chuyện của nhà hóa học, tinh thể học tia X Rosalind Franklin (Anh) là một minh chứng. Năm 33 tuổi, bà tìm ra hình dạng của ADN bao gồm hai chuỗi và chụp được một số tấm ảnh ADN. Đồng nghiệp của bà là Maurice Wilkins sau đó đã cung cấp những tấm ảnh độc nhất vô nhị ấy cho hai nhà sinh học James Watson (Mỹ) và Francis Crick (Anh). Từ tư liệu quý báu trên, họ xây dựng được cấu trúc ADN, công bố năm 1953.

Chet truoc khi duoc vinh danh
Bà Rosalind Franklin - Ảnh: MRC Centenary

Đáng tiếc, thời điểm đó, cái tên Rosalind Franklin không còn xuất hiện trong bất kỳ tài liệu nào để được công nhận. Mãi đến năm 1961, nhà sinh học Francis Crick gửi thư cho nhà di truyền học người Pháp Jacques Monod (đoạt giải Nobel Y học năm 1965), xác nhận tầm quan trọng từ nghiên cứu của bà Rosalind Franklin trong quá trình xác định cấu trúc ADN.

Khi ấy, giới chuyên môn mới có cái nhìn tường tận hơn và hiểu chính Rosalind Franklin mới xứng đáng là chủ nhân của giải Nobel 1962 nhờ công lớn trong việc phát hiện cấu trúc ADN. Tuy nhiên, chuyện đã quá muộn, bà đã qua đời năm 1958.

Một điều chắc chắn, những giá trị các nhà khoa học đã tận hiến cho cuộc đời là vô giá. Thế hệ sau luôn sẵn sàng tiếp nối lý tưởng đó, vì sự sống tuyệt diệu mà vũ trụ ban tặng loài người.

Thiên Như (Theo Guardian, Reuters, wikipedia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI