Châu Âu không bình yên: trái tim nóng ấm sẽ đứng trên hận thù?

24/03/2017 - 08:40

PNO - Ngày 22/3 đánh dấu tròn một năm vụ đánh bom kép tại thủ đô Brussels và sân bay Zaventem của Bỉ làm 32 người thiệt mạng, gây thiệt hại cho nền kinh tế đến 2,4 tỷ EUR.

Ngày 22/3 đánh dấu tròn một năm vụ đánh bom kép tại thủ đô Brussels và sân bay Zaventem của Bỉ làm 32 người thiệt mạng, gây thiệt hại cho nền kinh tế đến 2,4 tỷ EUR.

Khi mọi người đang hướng về “Trái tim châu Âu” để tưởng nhớ các nạn nhân thì một vụ tấn công kinh hoàng lại xảy ra, nhắm vào tòa nhà Quốc hội Anh, làm ít nhất năm người chết, 40 người bị thương. 

Chau Au khong binh yen: trai tim nong am se dung tren han thu?
Nạn nhân may mắn thoát chết sau vụ khủng bố ở tòa nhà Quốc hội Anh - Ảnh: AP

Cảnh sát xác định kẻ tấn công là người gốc Á, khoảng 40 tuổi; đã lái xe vượt qua hàng người qua đường trên cầu Westminster rồi đâm thẳng vào cổng tòa nhà Quốc hội. Kẻ tấn công đã đâm chết một cảnh sát và bị một cảnh sát khác bắn chết. 

Nước Anh và cả châu Âu một lần nữa đối mặt với sự đe dọa và nỗi lo khủng bố. Chính phủ Anh ra lệnh đóng cửa một loạt khu vực đông đúc, trong đó có quảng trường Trafalgar, quảng trường Quốc hội, ga tàu điện ngầm Westminster…

Lúc đó, Thủ tướng Anh Theresa May chỉ cách kẻ tấn công vỏn vẹn 46m, nhanh chóng được lực lượng an ninh bảo vệ thoát khỏi hiện trường.

Ngay sau đó, bà lại xuất hiện, xốc dậy tinh thần của mọi người, tuyên bố đanh thép: “Bất cứ nỗ lực nào chống lại những giá trị hòa bình bằng bạo lực và khủng bố sẽ phải thất bại” - đó cũng là tiếng nói chung của cả châu Âu. 

Những ngày này, các thông tin tấn công khủng bố như thường xuyên rình rập người dân châu Âu.

Chỉ một ngày trước đó, cảnh sát Hy Lạp phát hiện tám gói bưu kiện có dấu hiệu chứa bom thư, ghi tên người nhận là các quan chức trong nhóm các Bộ trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung Eurogroup, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và một số viện kinh tế khác tại châu Âu.

Ở phần ghi nơi gửi bưu kiện là tên một số quan chức và học giả kinh tế Hy Lạp. Vụ việc xảy ra chỉ một tuần sau khi có những quả bom thư được gửi tới văn phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Paris và Bộ Tài chính Đức.

Cả hai đợt gửi đều do nhóm cực đoan Conspiracy of Fire Nuclei ở Hy Lạp - một nhóm có tên trong danh sách khủng bố do Mỹ liệt kê.

Đáng lo là châu Âu vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng trong cuộc chiến đẩy lùi bóng ma khủng bố.

Từ đầu thế kỷ XXI, khái niệm khủng bố bao trùm thế giới sau vụ tấn công 11/9/2001 ở Mỹ và chuỗi tấn công khủng bố ở nhiều quốc gia châu Âu sau đó.

Lập tức, Liên minh châu Âu (EU) công bố chiến lược chống khủng bố gồm 88 giải pháp, nhưng chỉ một vài giải pháp là được đưa ra cho công chúng đánh giá. Khủng bố vẫn tiếp tục “thiên biến vạn hóa” đến mức lực lượng an ninh các nước gần như bất lực. 

Gần đây, EU đã thông qua luật hình sự hóa tất cả các hoạt động khủng bố, luật kiểm soát súng ngắn và luật về chia sẻ dữ liệu hành khách đi máy bay (EU PNR).

Mới đây, Anh đã tiếp bước Mỹ cấm hành khách từ sáu quốc gia Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Ai Cập, Tunisia, Saudi Arabia) đem các thiết bị di động lên máy bay nhằm ngăn chặn những vụ nổ bom trên máy bay.

Chính quyền các nước châu Âu đang chạy đua nước rút nhằm đối phó với nạn khủng bố. Một báo cáo nội bộ của EU cho thấy, trình độ an ninh của các quốc gia không đồng đều và thiếu sự kết nối thông tin.

Vấn đề cốt lõi, theo các nhà quan sát chính trị, không chỉ ở hàng rào an ninh mà chính là ở thông điệp của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker.

Ông đã kêu gọi người dân châu Âu đoàn kết và tiếp tục thể hiện sự bao dung với những nạn nhân chiến tranh tìm đến châu lục này.

Họ cần những trái tim nóng ấm và dũng cảm có thể đứng trên nỗi sợ hãi và những hận thù, định kiến. 

ANH THÔNG (Theo AP, Reuters, Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI