Châu Á đâu chỉ có Trung Quốc!

05/07/2019 - 06:10

PNO - “Hãy quên Trung Quốc đi, thập kỷ tiếp theo sẽ thuộc về các nước châu Á phát triển nhanh”, đó là tiêu đề bài phân tích của công ty tư vấn đầu tư quốc tế Motley Fool có trụ sở tại Mỹ đăng trên trang mạng fool.com.

Chau A dau chi co Trung Quoc!
Trong thập niên kế tiếp, 5 nước châu Á phát triển nhanh (Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Myanmar và Philippines) sẽ trở thành người cầm chịch cuộc chơi kinh tế ở khu vực và trên thế giới

Cán cân quyền lực toàn cầu đang dịch chuyển, Trung Quốc từng chiếm vị trí trung tâm châu Á trong nhiều thập kỷ sau khi trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, nay có thể phải thận trọng trước sự phát triển vũ bão của một số nước láng giềng.

Trung Quốc bước vào con đường cải cách mở cửa từ cuối thập niên 1970, chính sách kinh tế của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã tạo ra bước ngoặt, giúp Trung Quốc thoát khỏi tình trạng nghèo đói, cô lập, trở thành một cường quốc khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đang đạt đến đỉnh điểm của một siêu cường và trong số những trở ngại ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng nhanh của Trung Quốc là vấn đề nhân khẩu học – dân số già đi nhanh chóng, trong khi nhóm tuổi lao động bắt đầu thu hẹp.

Trong khi Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, một số quốc gia, đặc biệt là ở Nam và Đông Nam Á, đang qua mặt Trung Quốc để trở thành những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Theo trang mạng Bloomberg, nghiên cứu mới đây của nhà kinh tế hàng đầu thế giới David Mann thuộc công ty dịch vụ tài chính quốc tế Standard Chartered và giám đốc viện nghiên cứu Madhur Jha có trụ sở tại Ấn Độ, đã “chốt” danh sách 5 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7% vàthúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong thập niên 2020 là Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Myanmar và Philippines.

Nếu sự vắng mặt của Trung Quốc trong câu lạc bộ 7% (tăng trưởng GDP) là dễ thấy, thì việc một số thành viên mới của CLB như Bangladesh và Philippines không gây ấn tượng mạnh, nhưng sẽ tạo ra yếu tố bất ngờ.

Vậy điều gì đã kích hoạt các nền kinh tế châu Á và tại sao thế giới nên để mắt đến các quốc gia này? Bài phân tích lấy 2 ví dụ của Việt Nam và Philippines, hai nước cách xa nhau gần 1.500km và câu chuyện tăng trưởng của hai nước này cũng khác xa nhau.

Trước hết là Việt Nam. Sự hồi sinh của Việt Nam từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá, nghèo đói trong thập niên 1970, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á chứa đựng không ít điều kỳ diệu.

Chính phủ Việt Nam đã gieo hạt giống tạo ra bước ngoặt vào năm 1986 khi áp dụng chính sách Đổi mới để thiết lập một "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Ngày nay, Việt Nam là nhà cung cấp lớn trên toàn cầu đối với một loạt các sản phẩm, trong đó có thiết bị điện, giày dép và mạch điện tử.

Các tên tuổi toàn cầu (Nike, Adidas và Uniqlo) đã thiết lập dây chuyền sản xuất ở Việt Nam. Gã khổng lồ điện thoại thông minh Samsung hiện đang dẫn đầu, sản xuất ra một phần ba tổng sản lượng tại quốc gia Đông Nam Á này. Sức hút Việt Nam cũng đang lôi kéo hãng lắp ráp chính của Apple là Foxconn, được cho là đang lên kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất iPhone tại Việt Nam để đối phó với cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.

Tín dụng theo hướng tự do hóa, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chính sách đối ngoại thân thiện với nhà đầu tư, tất cả đều “bùng nổ” trong thập kỷ qua. GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức trung bình hàng năm là 6% kể từ năm 2000 và đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục 19,1 tỷ USD vào năm 2018, tăng 9% so với năm 2017, trong đó chủ yếu là từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Với dân số trẻ, am hiểu công nghệ và tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, vận may của Việt Nam là có thể tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh chóng. Nhanh đến mức nào? Standard Chartered dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng hơn 4 lần vào năm 2030, khiến cho người Việt Nam trở thành những người giàu nhất trong số 5 quốc gia châu Á được liệt kê trước đó.

Philippines thì thế nào? Năm 2011, nền kinh tế Philippines tăng trưởng với tốc độ “như ốc sên bò” là 3,7% trong bối cảnh thiên tai và tai họa kinh tế toàn cầu làm trầm trọng thêm chi tiêu cơ cho sở hạ tầng yếu kém của chính phủ.

Đến năm 2019, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự kiến ​​Philippines sẽ tăng trưởng 6,4% cho hai năm 2019 và 2020 khi Tổng thống Rodrigo Duterte thúc đẩy chương trình "Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng" đầy tham vọng.

Tháng 10/2016, Tổng thống Duterte thông qua AmBisyon Natin 2040 - một tầm nhìn dài hạn với chương trình nghị sự kinh tế xã hội 10 điểm. Một phần của nó bao gồm đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,5% (từ mức hiện tại ~ 5%) vào năm 2022 nhờ tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng. Đến năm 2040, Philippines muốn trở thành một "xã hội trung lưu thịnh vượng, ổn định và không có nghèo đói".

Ông Duterte đang tích cực tìm kiếm vốn nước ngoài để thúc đẩy tầm nhìn của mình và đã tìm được một đồng minh là Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Indonesia và Malaysia cũng có nguyện vọng tham gia vào chương trình phát triển của Philippines.

Với tốc độ tăng trưởng như dự báo, Việt Nam và Philippines có thể bắt kịp những con hổ châu Á như Singapore trong vòng một thập kỷ. Trong khi đó, Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar cũng nhanh chóng thay da đổi thịt, tạo ra những điều bất ngờ hấp dẫn, để tham gia vào nhóm 5 nước châu Á dẫn đầu toàn cầu về tốc độ tăng trưởng.

Quế Lâm (Theo Motley Fool)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI