Châu Á - Thái Bình Dương khẩn trương đối phó mối đe dọa an ninh mạng

02/11/2019 - 06:00

PNO - Theo tập đoàn tài chính - bảo hiểm Lloyd’s, một cuộc tấn công mạng vào các cảng châu Á - Thái Bình Dương có thể gây thiệt hại từ 41 - 110 tỷ USD

Hôm 30/10, tập đoàn tài chính - bảo hiểm Lloyd’s có trụ sở tại London, Anh công bố mô hình dự đoán một cuộc tấn công mạng vào các cảng châu Á - Thái Bình Dương có thể gây thiệt hại từ 41 - 110 tỷ USD, qua đó cho thấy an ninh số và bảo hiểm điện tử đang là điều rất cần thiết tại khu vực thương mại chiếm khoảng một nửa dân số toàn cầu.

Chau A - Thai Binh Duong khan truong doi pho moi de doa an ninh mang
Cảng quốc tế Hồng Kông (HIT), một trong những thương cảng tấp nập nhất thế giới

Phân tích trên do Trung tâm Nghiên cứu rủi ro của Đại học Cambridge hợp tác với Lloyd’s thực hiện, như một phần của dự án Quản lý rủi ro điện tử (CyRiM). Kịch bản xấu nhất trong báo cáo dựa trên cuộc tấn công mạng mô phỏng nhắm vào 15 cảng ở Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trong đó, ngành vận tải thế giới, bao gồm cả hàng không vũ trụ, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất với tổng thiệt hại trị giá 28,2 tỷ USD. Ngành sản xuất sẽ mất 23,6 tỷ USD, trong khi ngành bán lẻ đối mặt thiệt hại 18,5 tỷ USD.

Doanh nghiệp tại các nền kinh tế lớn chịu nhiều rủi ro

Trên thực tế, châu Á là nơi có 9/10 cảng biển tấp nập nhất thế giới, và là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng cho các công ty hàng đầu về các lĩnh vực, từ ô tô đến hàng công nghiệp, quần áo và điện tử. Thế nhưng, dường như các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp rất khó tập trung vào an ninh mạng bởi tình trạng thiếu hụt nhân sự kỹ thuật cao.

Tại Ấn Độ, 35.636 sự cố vi phạm dữ liệu được ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 7/2018 đến tháng 4/2019 theo báo cáo công bố bởi tập đoàn công nghệ IBM. Các vụ tấn công làm tiêu tốn khoảng 1,8 triệu USD từ mỗi tổ chức, bất kể là doanh nghiệp tư nhân hay định chế tài chính lớn như Ngân hàng trung ương Ấn Độ.

Tương tự, Trung tâm quốc gia về Ứng phó sự cố và Chiến lược an ninh mạng Nhật Bản phát hiện hơn 212 tỷ trường hợp hoạt động đáng ngờ vào năm 2018 - tăng gần bốn lần so với năm 2015. 

Gần một nửa trong số này có thể do trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật (IoT) mở đường cho kẻ gian truy cập. Riêng tập đoàn công nghệ Toshiba đối mặt trung bình 2,5 triệu cuộc tấn công mạng mỗi ngày trên toàn nhóm các công ty của mình.

Còn tại Trung Quốc, 88% các công ty, bao gồm cả doanh nghiệp tại Hồng Kông, phải đối mặt với tội phạm hoặc gian lận liên quan đến internet trong năm 2017, trên mức trung bình toàn cầu là 86%.

Đông Nam Á và mô hình từ Singapore

Giữa cuộc đua bảo vệ dữ liệu và cơ sở hạ tầng, các tổ chức trên khắp Đông Nam Á đang đầu tư mạnh vào các giải pháp và dịch vụ an ninh mạng. Ước tính từ tổ chức chuyên về bảo mật của Úc - Austrade và AustCyber - cho thấy, chi tiêu cho an ninh mạng trong khu vực tăng trung bình 15% mỗi năm.

Mặt khác, vấn đề thiếu kỹ thuật và nhân lực địa phương tạo ra cơ hội thị trường tiềm năng trị giá 5 tỷ USD tại các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Con số này có thể tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm tới, khi khu vực trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.

Trong số 10 thành viên ASEAN, Singapore là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tấn công mạng với vai trò trung tâm tài chính đa quốc gia và trung tâm thương mại của khu vực.

Một ví dụ điển hình là cuộc tấn công năm 2018 vào các hệ thống hồ sơ của tổ chức chăm sóc sức khỏe lớn nhất Singapore, SingHealth và đánh cắp dữ liệu cá nhân của 1,5 triệu bệnh nhân. Do vậy, chính phủ Singapore đã liên kết với các doanh nghiệp và tổ chức giáo dục để hoàn thiện kế hoạch Tổng thể an ninh mạng công nghệ vận hành (OT).

Phát biểu tại Tuần lễ điện tử quốc tế Singapore hồi đầu tháng Mười, Bộ trưởng điều phối an ninh quốc gia Teo Chee Hean cho biết, kế hoạch giúp định hướng phát triển khả năng bảo mật các hệ thống trong môi trường OT, giảm thiểu các mối đe dọa mạng mới, cũng như đào tạo thêm các chuyên gia an ninh mạng và thành lập một trung tâm để chia sẻ thông tin về mối đe dọa.

Kèm theo đó, Singapore cũng có một chương trình từ năm 2018, tạo ra liên minh với nhóm tin tặc “mũ trắng” trong và ngoài quốc gia để xác định và giải quyết các lỗ hổng trong những hệ thống thuộc chính phủ. 

Ông Teo cho rằng, việc số hóa đòi hỏi các quốc gia, doanh nghiệp và khu vực tư nhân cần phải hợp tác với nhau. Singapore hiện đang hợp tác với ASEAN trong các mô hình, ví dụ như diễn tập ứng phó sự cố khẩn cấp mạng máy tính nhằm kiểm tra các quy trình ứng phó sự cố, tăng cường sự chuẩn bị và hợp tác an ninh mạng giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác bên ngoài. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI