Bước chân lịch sử và chương mới xán lạn trong quan hệ liên Triều?

27/04/2018 - 15:36

PNO - Các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tuyên bố “viết một chương mới” trong lịch sử đau thương của bán đảo, khi bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4.

Chiều 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ký biên bản ghi nhớ cam kết về một hiệp ước hòa bình trong tương lai gần.

Buoc chan lich su va chuong moi xan lan trong quan he lien Trieu?
Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, kỷ nguyên hòa bình hai miền Triều Tiên sẽ bắt đầu từ đây.

Văn bản ghi nhớ này có tên chính thức là “Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên".

Tổng thống Moon Jae-in sau khi ký văn bản trên đã phát biểu: “Sẽ không có thêm bất cứ cuộc chiến nào trên báo đảo Triều Tiên và kỷ nguyên hòa bình bắt đầu từ đây. Nhà lãnh đạo Triều Tiên và tôi đã đồng ý chấm dứt sở hữu vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận đạt được vì chúng tôi có chung mục tiêu”

Theo tuyên bố trên thì Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ chính thức ký kết một hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh cuối năm nay.

Cuộc gặp hứa hẹn mang lại hy vọng tìm ra một giải pháp cho các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Văn bản được công bố sau ngày dài hai bên có những cuộc họp cởi mở, thẳng thắn và cả cuộc gặp riêng đặc biệt giữa hai lãnh đạo.

Bàn Môn Điếm là ngôi làng biểu tượng cho lịch sử chia cắt hai miền Triều Tiên và cũng là địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này.

Buoc chan lich su va chuong moi xan lan trong quan he lien Trieu?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều 27/4/2018 - Ảnh: AFP/Getty Images

Vào một buổi sáng mùa xuân tươi sáng, ông Kim Jong Un và người đồng cấp Hàn Quốc, Moon Jae In, đã bước qua một tấm bê tông đơn giản đánh dấu biên giới giữa hai miền, cái bắt tay của họ kéo dài hơn 20 giây.

Sau khi trao đổi lời chào và những nụ cười cởi mở, ông Kim trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-53, khi ông bước qua đường phân giới quân sự, dưới sự chứng kiến của các chức sắc cao cấp hai miền và hàng triệu người theo dõi qua truyền hình trực tiếp.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đăng lên trang Twitter thông báo và một video, kêu gọi thế giới cổ vũ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.

Thông báo viết: “Gửi những người dùng Twitter trên toàn thế giới! Chúng tôi muốn các bạn biết lịch sử đã sang trang trên bán đảo Triều Tiên. Lãnh đạo tối cao của hai bên sẽ gặp nhau trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4. Hãy cổ vũ cho chúng tôi, và hãy theo dõi sự kiện này!”

Yoon Yougn Chan, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc tóm tắt phiên đàm phán buổi sáng của hai nhà lãnh đạo. Ông cho biết, cuộc đàm phán đầu tiên kéo dài đúng 100 phút và đề cập đến phi hạt nhân hóa, một nền hòa bình lâu dài và những cách thức cách cải thiện quan hệ giữa hai miền.

Ông Yoon cũng cho biết bà Ri Sol Ju, phu nhân của Chủ tịch Kim, sẽ đến địa điểm hội nghị thượng đỉnh vào lúc 6:15 chiều, giờ địa phương, để tham gia dạ tiệc sau đó của hai nhà lãnh đạo. Bên phía Hàn Quốc sẽ có sự hiện diện của phu nhân Tổng thống Moon.

Buoc chan lich su va chuong moi xan lan trong quan he lien Trieu?
 

Các quốc gia trên thế giới hoan nghênh cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Hàn - Triều trong hơn một thập kỷ.

Nhà Trắng ra tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi mong điều tốt lành cho người dân hai miền Triều Tiên. Chúng tôi hy vọng cuộc đàm phán sẽ đạt được tiến bộ, đưa đến một tương lai hòa bình và thịnh vượng cho toàn bộ bán đảo Triều Tiên”.

“Mỹ đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ với đồng minh của mình là Hàn Quốc, và mong muốn tiếp tục các cuộc thảo luận mạnh mẽ để chuẩn bị cho cuộc gặp đã lên kế hoạch giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong vài tuần tới”.

Trung Quốc theo dõi chặt chẽ hội nghị thượng đỉnh liên Triều, thông tin về cuộc họp quan trọng này chiếm thời lượng lớn của chương trình tin tức Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 27/4.

Li Xiyu, Giáo sư chính trị học và ngoại giao tại Đại học Sungkyunkwan nói với tờ Nhật báo của Trung Quốc rằng, vẫn còn quá sớm để nói về thống nhất đất nước, nhưng hai bên đều cam kết một nền hòa bình.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, Tokyo hy vọng hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ đạt được tiến bộ rõ ràng về các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, và một nghị quyết về việc bắt cóc công dân Nhật Bản thời chiến tranh lạnh.

"Nhật Bản sẽ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có hành động về những vấn đề này", ông Onodera nói.

Buoc chan lich su va chuong moi xan lan trong quan he lien Trieu?

Các em nhỏ Hàn Quốc tặng hoa cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Nhận định về hội nghị thượng đỉnh lịch sử, Kim Chang Su, chuyên viên Viện phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết lời chào hỏi khi hai nhà lãnh đạo gặp mặt nhau khiến ông lạc quan về hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Đề cập đến vài giây ngắn ngủi khi hai nhà lãnh đạo cùng đứng trên đất Triều Tiên, ông nói: “Thật đáng ngạc nhiên, nhưng đó là một dấu hiệu của sự hòa hợp, hơn là chỉ một bên đến đàm phán trên đất bên kia. Đó là một cử chỉ mạnh bạo của Kim Jong Un”.

"Cho đến nay, dường như đây những cuộc thảo luận rất cởi mở, một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang tiến tới một kỷ nguyên mới của hòa bình”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan rằng hội nghị thượng đỉnh này đánh dấu một sự thay đổi chấn động trong quan hệ hai miền Triều Tiên. Học giả Robert Kelly của Đại học Quốc gia Pusan ​​cảnh báo, Bình Nhưỡng “không thực sự thay đổi, và vẫn chưa đưa ra một nhượng bộ có ý nghĩa”. Ngoài ra, ông còn nói sự chia rẽ chiến lược và chính trị còn “rất lớn” giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Trao đổi với báo Anh Guardian, Van Jackson, cựu cố vấn chính sách châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết: “Cuộc gặp này mang tính biểu tượng rất cao và chắc chắn thú vị, nhưng bạn phải tự hỏi nó mang tính biểu tượng đến mức nào, khi cả hai người đàn ông đều có nguyện vọng mạnh mẽ muốn làm cho cuộc gặp trông thật tốt đẹp, nhưng tôi không thấy bất cứ điều gì từ đó, ngoại trừ tạo động lực cho cuộc gặp Kim - Trump sắp tới”.

Ông Kim muốn trở thành một thành viên bình thường, trung trực và được cộng đồng quốc tế tôn trọng, nhưng ông ấy muốn làm điều đó khi trong tay nắm vũ khí hạt nhân, đó chính là mục tiêu bất kỳ cuộc gặp nào của ông với Tổng thống Mỹ.

"Thật tuyệt vời khi mang theo dư âm tốt đến hội nghị thượng đỉnh với ông Trump, nhưng bạn cần đặt cảm xúc sang một bên và tự hỏi điều này có ý nghĩa gì đối với câu hỏi về vũ khí hạt nhân, ý nghĩa không lớn lắm”, ông Jackson nói.

Jackson nhấn mạnh, "Kim Jong Un nói ông ấy muốn hòa bình và phi hạt nhân, nhưng những gì thực sự có ý nghĩa với ông ấy thì chưa chắc Hàn Quốc và Mỹ sẽ chấp thuận".

Tô Châu (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI