Bình đẳng giới “cất cánh” trên chính trường?

08/03/2013 - 11:25

PNO - PNCN - Bình đẳng giới ở nghị trường là ước mơ của nữ giới nhiều nước, nhưng chỉ có những người dám dấn thân và được luật pháp hỗ trợ mới đạt được điều này.

Binh dang gioi “cat canh” tren chinh truong?

Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton nguyên là thượng nghị sĩ Mỹ

Dựa vào pháp luật

Mùa bầu cử Hội đồng đô thành Mumbai (Ấn Độ) năm ngoái, đảng Maharashtra Navnirman Sena (MNS) có một cổ động viên hết sức đặc biệt là cô Jyoti Amge, 18 tuổi, người phụ nữ lùn nhất thế giới, được Sách kỷ lục Guinness công nhận năm 2011.

Dù chiều cao hết sức khiêm tốn (58,42cm) do mắc chứng achondroplasia (rối loạn phát triển sụn), nhưng cô Jyoti Amge đã làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ giúp đảng MNS chiếm được nhiều ghế ở Hội đồng thành phố Mumbai. Đi tới đâu cô cũng được cử tri chú ý lắng nghe.

Cô Jyoti giải thích tại sao cô “tham gia chính trị”: “Tôi đến Mumbai theo lời mời của ông Ram Kadam, Chủ tịch đảng MNS, để cổ động cho ứng cử viên của đảng. Tôi chấp nhận lời mời vì tôi thấy họ đã làm được nhiều điều hay ở Nagpur, thành phố quê hương tôi. Tôi tin tưởng họ sẽ mang lại sự thay đổi. Tuy nhiên, việc ủng hộ đảng MNS không có nghĩa là tôi chống lại các đảng khác. Đảng nào làm tốt, nhất là bảo vệ quyền lợi của nữ giới, tôi đều ủng hộ”.

Xã hội Ấn Độ phức tạp và đầy mâu thuẫn. Quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn còn phổ biến ở khắp lĩnh vực dù trong hiến pháp sửa đổi năm 1993 của nước này có những điều khoản tăng cường thiết thực quyền tham gia chính trường của phụ nữ. Chẳng hạn, quy định ở các cấp chính quyền địa phương phải có 1/3 vị trí thuộc về phụ nữ.

Binh dang gioi “cat canh” tren chinh truong?

Cô Jyoti Amge trong một cuộc vận động bầu cử của đảng MNS ở Mumbai tháng 2/2012

Nhờ chỉ tiêu trên mà ở Mumbai- ngày xưa gọi là Bombay, thành phố đông dân nhất của bang Maharashtra và của Ấn Độ - cơ hội đắc cử của phụ nữ cao gấp năm lần so với các nơi khác không áp dụng chỉ tiêu. Nói cách khác, ngoài tài năng, đức độ và uy tín cá nhân, phụ nữ cần có chính sách ủng hộ bình đẳng giới mới có hy vọng “cất cánh” trên chính trường. Cũng nhờ sự hỗ trợ pháp lý này mà hiện nay, những cô gái mới lớn ở Ấn Độ trở nên ham học hỏi và khát vọng nhiều hơn. Mặt khác, nam giới Ấn Độ phải chấp nhận thực tế là phụ nữ cũng có thể lãnh đạo họ…

Mỹ không bằng Rwanda

Các nước phát triển phương Tây có phong trào đòi nữ quyền sớm nhất và mạnh nhất, nhưng xem bảng xếp hạng 190 nước có tỷ lệ cao các nữ nghị sĩ ở lưỡng viện hoặc đại biểu quốc hội, lại thấy các nước nghèo hoặc đang phát triển tiến bộ hơn các quốc gia giàu có.

Theo tài liệu của Liên minh Nghị viện quốc tế (Inter-Parliamentary Union, gọi tắt là IPU) ngày 1/2/2013, trong tốp 10 danh sách nói trên có đến bảy nước đang phát triển. Đứng đầu là Rwanda (56,3% ở hạ viện và 38,5% ở thượng viện). Kế đến là Andorra (50% đại biểu quốc hội) và Cuba (45,2% đại biểu quốc hội). Thụy Điển, Phần Lan và Nam Phi đứng lần lượt hạng tư, bảy và tám.

Binh dang gioi “cat canh” tren chinh truong?

Hạ nghị sĩ Yuriko Koike từng làm bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản năm 2007

Trong các “đại gia” phương Tây, chỉ có Pháp chứng tỏ được đẳng cấp quyền bình đẳng giới. Tỷ lệ nữ trong quốc hội đạt 26,9% ở hạ viện và 22,2% ở thượng viện. Với tỷ lệ này, Pháp đứng hạng 37. Trong khi đó, thứ hạng của Anh tương đương với… Pakistan (hạng 57).

Ở Bắc Mỹ, phụ nữ Canada có quyền ngẩng cao đầu hơn phụ nữ Mỹ. Với tỷ lệ 24,7% ở hạ viện và 37,9% ở thượng viện Canada được xếp hạng 45 còn Mỹ lọt xuống hạng 77.

Cũng theo tài liệu của IPU, mức tăng trưởng tỷ lệ nữ trong quốc hội đạt trung bình 0,5%/năm trên thế giới. Với đà này, bình đẳng giới trong các cơ quan lập pháp chỉ có thể đạt được vào năm... 2068!

VĂN ANH (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI