Báo Hong Kong: Thay đổi nhiệm kỳ Chủ tịch Trung Quốc là dấu hiệu củng cố quyền lực

26/02/2018 - 08:40

PNO - Theo hệ thống chính trị Trung Quốc, quyền lực thực sự nằm ở Tổng bí thư Đảng, nhưng ông Tập Cận Bình được cho là có động thái nhằm tăng tính năng động của chức vụ Chủ tịch nước.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định, quyết định gỡ bỏ hạn chế về Hiến pháp đối với giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn biến một chức vụ chủ yếu mang tính nghi lễ thành một vai trò mang sức nặng chính trị lớn hơn.

Bao Hong Kong: Thay doi nhiem ky Chu tich Trung Quoc la dau hieu cung co quyen luc
 

Ủy ban Trung ương Đảng Trung Quốc hôm 25/2 thông báo kế hoạch loại khỏi Điều lệ Đảng đoạn nói rằng Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước “sẽ phục vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp".

Động thái này là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ Tổng Bí thư của ông kết thúc vào năm 2022.

Về lý thuyết, ông không cần thiết phải dựa vào chức danh Chủ tịch nước, vì theo chính trị Trung Quốc, vai trò này chủ yếu mang tính nghi lễ, quyền lực thực sự nằm trong tay Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông Tập Cận Bình nắm giữ toàn bộ ba chức vụ này.

Deng Yuwen, cựu Tổng biên tập tờ Study Times cho biết, quyết định đưa ra sửa đổi vào lúc này nhằm tăng thêm tầm quan trọng của chức vụ Chủ tịch nước.

Thông báo của Trung ương Đảng được đưa ra trùng hợp với thời điểm ông Wang Qishan, một nhân vật gần gũi với ông Tập Cận Bình, đồng thời là một cựu lãnh đạo chống tham nhũng, có tin sẽ được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch nước tại khóa họp Quốc hội tháng tới.

Các chuyên gia cho biết sửa đổi trên cũng có thể tăng thêm quyền lực cho vị trí Phó Chủ tịch nước.

Trung Quốc mới phục hồi chức vụ Chủ tịch nước vào đầu thập niên 1980. Chức vụ này ngày càng nổi bật trong mấy chục năm qua, sau khi được Quốc hội trao cho Tổng Bí thư Đảng.

Trong hai thập kỷ qua, Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực tối cao ở Trung Quốc, quyết định tìm người kế nhiệm Chủ tịch nước không trễ hơn cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Chủ tịch đương nhiệm.

Tuy nhiên, câu hỏi về người kế nhiệm ông Tập Cận Bình còn bỏ ngỏ tại Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 19 tháng 10/2017, và lần đầu tiên ban lãnh đạo Đảng không xác định được người kế nhiệm Chủ tịch nước.

Một bài xã luận trong Thời báo Hoàn cầu, phụ trương của Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng việc sửa đổi hiến pháp không có nghĩa là nhiệm kỳ suốt đời.

Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London, nói: "Nếu sự thay đổi này được đưa vào Hiến pháp thì việc ông ấy tại chức bao lâu là không có giới hạn".

Nhà bình luận chính trị Zhang Lifan có trụ sở ở Bắc Kinh cũng tán thành nhận định này.

Ông nói: "Bây giờ không có giới hạn nào đối với nhiệm kỳ của ông ấy”, và “ông Tập Cận Bình có thể vẫn giữ một vai trò quyết định ngay cả cho đến khi kỷ niệm 100 ngày thành lập Trung Quốc vào năm 2049”. Lúc đó, ông ấy 96 tuổi.

Quế Lâm (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI