Bà Carrie Lam: 'Không từ chức là lựa chọn của riêng tôi'

03/09/2019 - 10:24

PNO - Trả lời các báo vào sáng 3/9, bà Carrie Lam cho biết, việc không từ chức là "lựa chọn của riêng tôi". Bà nói: "Tôi thà ở lại và đi trên con đường này cùng với đội ngũ của tôi và người dân Hồng Kông"

Trong cuộc họp báo hàng tuần vào sáng thứ Ba 3/9, đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam xác nhận những bình luận mà bà đưa ra trong bản ghi âm bị rò rỉ. Trả lời câu hỏi của các phóng viên, bà Lam cho biết việc không từ chức là "lựa chọn của riêng tôi". Bà nói: "Tôi thà ở lại và đi trên con đường này cùng với đội ngũ của tôi và người dân Hồng Kông".

Trong cuộc họp kín vào tuần trước, đặc khu trưởng Hồng Kông nói với một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng bà vô cùng hối hận vì đã thúc đẩy dự luật dẫn độ gây tranh cãi, làm dấy lên các cuộc biểu tình, nhưng nhấn mạnh rằng đó là quyết định của riêng bà.

Ba Carrie Lam: 'Khong tu chuc la lua chon cua rieng toi'
Đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Carrie Lam

Bà Carrie Lam nói: "Nếu tôi có một lựa chọn, điều đầu tiên là từ chức, và đưa ra một lời xin lỗi sâu sắc. Dự luật không phải là sự chỉ dẫn, bị ép buộc từ chính quyền trung ương”.

"Quyết định của tôi được chứng minh là rất không khôn ngoan trong hoàn cảnh hiện tại. Mức độ sợ hãi và lo lắng to lớn của người dân Hồng Kông không giống ở Trung Quốc đại lục, nơi chính quyền không đủ nhạy cảm để cảm nhận và nắm bắt. Việc một trưởng đặc khu đã gây ra sự tàn phá lớn này cho Hồng Kông là không thể tha thứ."

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 6 về dự luật dẫn độ cho phép chính quyền đưa những người bị cáo buộc phạm tội đến xét xử ở tòa án đại lục. Từ đó, làn sóng phản đối trở thành một phong trào dân chủ rộng rãi hơn và thúc đẩy cuộc điều tra riêng về chính sách.

Kể từ đó, bà Carrie Lam liên tục xin lỗi về dự luật hiện đang tạm hoãn, nhưng áp lực đang gia tăng khiến bà phải tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, vốn bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của thành phố.

Ba Carrie Lam: 'Khong tu chuc la lua chon cua rieng toi'
Các cuộc biểu tình tại Hồng Kông bắt đầu từ tháng 6/2019 và ngày càng lan rộng, trở nên khó kiểm soát.

Theo đoạn ghi âm rò rỉ do Reuters công bố, bà Lam nói rằng Trung Quốc "sẵn sàng cho kế hoạch lâu dài" và kiểm soát tình trạng bất ổn, ngay cả khi nó gây thiệt hại cho nền kinh tế, du lịch của Hồng Kông. Mặt khác, Bắc Kinh cũng nhận thức được thiệt hại nếu gửi quân đội vào trấn áp các cuộc biểu tình.

Bà Lam nói: "Họ biết rằng cái giá phải trả quá lớn. Họ quan tâm đến vị thế quốc tế của đất nước. Trung Quốc mất một thời gian dài để xây dựng vị thế. Quốc gia không chỉ là một nền kinh tế lớn mà còn là một nền kinh tế lớn có trách nhiệm, vì vậy, từ bỏ tất cả những phát triển tích cực đó rõ ràng không nằm trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh".

Trả lời về đoạn thu âm bị rò rỉ, văn phòng của bà Lam cho biết trong một email gửi tới CNN rằng đặc khu trưởng Hồng Kông "đã tham dự hai sự kiện vào tuần trước với sự hiện diện của những nhà kinh doanh, nơi Quy tắc Chatham House được áp dụng".

Quy tắc Chatham House quy định những người tham gia cuộc họp có thể báo cáo thông tin được tiết lộ, nhưng không nói ra danh tính của người phát biểu hoặc bất kỳ người tham gia nào khác. Vì vậy, văn phòng của bà Lam cho biết họ "không có quyền bình luận về những gì đặc khu trưởng đã nói tại các sự kiện đó".

Ba Carrie Lam: 'Khong tu chuc la lua chon cua rieng toi'
Người biểu tình dựng rào chắn và đốt lửa, phong tỏa các tuyến đường chính của thành phố vào cuối tuần qua

Bà Carrie Lam cũng nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng việc không thể "đưa ra một tình huống chính trị để giải tỏa căng thẳng" là "nỗi buồn lớn nhất" của bà.

Bà nói rằng dù đây không phải là lúc để "tự thương hại", bà thất vọng vì không thể "giảm áp lực lên các sĩ quan cảnh sát ở tiền tuyến" hoặc có thể "làm dịu số lượng lớn người biểu tình ôn hòa đang tức giận với Chính phủ, đặc biệt với tôi".

Nhà lãnh đạo Carrie Lam nói thêm rằng vụ việc cũng ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của bà: "Ngày nay, việc đi ra ngoài là vô cùng khó khăn với tôi. Tôi không thể đi trên đường, không thể ghé trung tâm mua sắm, không thể đến tiệm làm tóc. Tôi không thể làm gì vì nơi ở của tôi sẽ được lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội".

Hồng Kông bước vào ngày cuối tuần thứ 13 liên tiếp đầy bất ổn vào thứ Bảy và Chủ nhật vừa qua, trong đó chứng kiến ​​các cuộc đụng độ dữ dội và các cuộc biểu tình trái phép, cũng như tình trạng “bị bao vây” của sân bay quốc tế thành phố.

Ba Carrie Lam: 'Khong tu chuc la lua chon cua rieng toi'
Một bước đi sai của chính quyền Hồng Kông có thể khiến thành phố lụi tàn

Tấn Vĩ (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI