Ấn Độ cấy ghép để hồi sinh các rạn san hô

09/10/2019 - 10:00

PNO - Các nhà khoa học Ấn Độ đã thành công trong việc tái lập lớp san hô bị mất trên các rạn san hô.

Ấn Độ có bốn rạn san hô lớn và vịnh Mannar ở phía nam nước này là nơi sinh sống của 117 loài san hô, nhưng sự nóng lên toàn cầu đã làm hư hại các rạn san hô, buộc các nhà khoa học phải vào cuộc.

An Do cay ghep  de hoi sinh cac ran san ho
San hô mọc trên một rạn san hô ngoài khơi miền nam Ấn Độ Ảnh: Viện Nghiên cứu biển Suganthi Devadason

Trong đợt nắng nóng năm 2016, ước tính 1/3 số rạn san hô trên thế giới bị ảnh hưởng và vịnh Mannar mất đi khoảng 16% diện tích thảm san hô. Quá trình này được gọi là san hô bị tẩy trắng, nó bắt đầu diễn ra khi nhiệt độ nước biển tăng lên trên 300C. Nếu nhiệt độ tăng cao kéo dài 3-4 tháng, san hô “bị tẩy trắng” không thể phục hồi và sau đó bị chết.

Giáo sư Gilbert Mathews - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu biển Suganthi Devadason - là một thành viên trong nhóm tám nhà khoa học cố gắng tái lập lớp san hô bị mất trên các rạn san hô. Ông và nhóm của mình đã theo dõi khu vực này từ năm 2016. Mục tiêu của họ là cấy san hô từ các khu vực có san hô khỏe mạnh đến các khu vực san hô bị thương tổn. 

Ông nói: “Chúng tôi cắt các loài san hô sống khác nhau thành các mảnh nhỏ 8cm đến 10cm và đặt vào trong các thùng. Mỗi thùng chứa đầy nước biển và được trang bị máy sục khí để giảm thiểu căng thẳng cho san hô. Không quá 5% san hô sống được thu hoạch để phục vụ việc cấy ghép”. 

Ngoài các chất nền tự nhiên ở các rạn san hô đã bị thương tổn, các nhà khoa học cũng cấy ghép san hô thu hoạch lên chất nền nhân tạo như trên những tấm bê tông 15cmx6cm. Khoảng 4.000 tấm bê tông xám này được sử dụng ở vịnh Mannar để xây dựng các rạn san hô nhân tạo, giúp phục hồi các rạn san hô bị suy thoái. 

Công cuộc tái sinh san hô được coi là thành công khi san hô cấy ghép sinh sản trong mùa sinh sản vào tháng Ba. Thời điểm này, ấu trùng san hô bơi tự do từ san hô sinh sản bám vào đá chìm hoặc các bề mặt cứng khác.

Theo giáo sư Mathews, san hô chết được chứng minh là chất nền nhân tạo lý tưởng để cấy ghép. Vì vậy, san hô chết được dùng để tạo chất nền nhân tạo cho quá trình cấy ghép. Như vậy, khi lấy san hô chết ra khỏi biển, người ta không biết rằng mình đang loại bỏ một phần quý giá của đại dương cũng như cơ hội tái sinh sự sống của san hô.

Cẩm Hà (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI