Ấn Độ ban hành lệnh cấm nhập khẩu và mua bán thuốc lá điện tử

19/09/2019 - 06:00

PNO - Thứ Tư 18/9, Ấn Độ đưa ra lệnh cấm bán thuốc lá điện tử, giữa làn sóng lo ngại trên toàn thế giới về một sản phẩm được quảng cáo là ít gây hại hơn thuốc lá, nhưng thực tế lại nguy hiểm chết người.

Lệnh cấm của Ấn Độ - bao gồm sản xuất, nhập khẩu và phân phối, được đưa ra một ngày sau khi New York trở thành tiểu bang thứ hai của Mỹ cấm thuốc lá điện tử sau hàng loạt các trường hợp tử vong liên quan đến hút thuốc (vaping).

Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman nói với các phóng viên: "Quyết định được đưa ra nhằm nhấn mạnh tác động của thuốc lá điện tử đối với giới trẻ ngày nay".

Ông nói thêm rằng thuốc lá điện tử đang trở thành một nguy cơ sức khỏe ngày càng tăng khi chúng được sử dụng như "lời tuyên bố phong cách", và không phải là một sản phẩm cai thuốc lá.

An Do ban hanh lenh cam nhap khau va mua ban thuoc la dien tu
Thuốc lá điện tử nung nóng một hợp chất chứa nicotin có nhiều mùi vị hấp dẫn để tạo thành hơi cho người dùng hít vào tương tự như thuốc lá.

Lệnh cấm sẽ được áp dụng thông qua một mệnh lệnh hành pháp thường được ban hành ở Ấn Độ như biện pháp khẩn cấp khi quốc hội không họp. Nó có thể mất hiệu lực nếu bị các nhà lập pháp bác bỏ trong phiên làm việc tiếp theo, rất có thể sẽ tổ chức vào khoảng tháng 11.

Bộ Y tế Ấn Độ đề xuất cấm các thiết bị vì lợi ích công cộng, nói rằng cần phải đảm bảo việc ngăn chặn thuốc lá điện tử trở thành một "bệnh dịch" ở trẻ em và thanh niên.

Thuốc lá điện tử không "đốt cháy" mà thay vào đó nung nóng để làm bay hơi một chất lỏng đa mùi vị - từ rượu bourbon cho đến kẹo cao su, và thường chứa nicotine. Khói thuốc lá điện tử ước tính chứa ít hơn 7.000 hóa chất so với khói thuốc lá thông thường, nhưng bao gồm một số thành phần rất độc hại.

Thuốc lá điện tử từng được khuyến nghị bởi các nhà sản xuất, và thậm chí một số chính phủ, chẳng hạn tại Anh như một sự thay thế an toàn hơn cho hút thuốc truyền thống và như một cách để từ bỏ thói quen này.

Tuy nhiên, các nhà phê bình nói rằng ngoài việc có hại cho bản thân, hương vị của chất lỏng trong thuốc lá điện tử đặc biệt hấp dẫn trẻ em và có nguy cơ khiến chúng nghiện nicotine.

Khoảng 3,6 triệu học sinh trung học cơ sở và trung học ở Mỹ đã sử dụng các sản phẩm vaping trong năm 2018, tăng 1,5 triệu so với năm trước.

Điều luật khẩn cấp ở New York được đưa ra sau sự bùng phát bệnh phổi nghiêm trọng liên quan đến thuốc lá điện tử, giết chết bảy người và làm hàng trăm người mắc bệnh.

Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng họ sẽ sớm cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị để ngăn chặn làn sóng người dùng trẻ tuổi.

An Do ban hanh lenh cam nhap khau va mua ban thuoc la dien tu
Thuốc lá điện tử dần trở thành một "đại dịch" với khả năng biến lá phổi của một thiếu niên 17 tuổi thành tình trạng như ngoài 70 tuổi.

Mặc dù hiện tại rất ít người Ấn Độ hút thuốc lá điện tử, lệnh cấm của chính phủ giúp cắt đứt một thị trường tiềm năng rộng lớn với 1,3 tỷ người tiêu dùng.

Các công ty thuốc lá đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ để bù đắp cho nhu cầu thuốc lá truyền thống sụt giảm do thuế cao và các lệnh cấm hút thuốc công cộng, đặc biệt là ở phương Tây.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Ấn Độ là nước tiêu thụ sản phẩm thuốc lá lớn thứ hai thế giới, với gần 900.000 người tử vong mỗi năm. Gần 275 triệu người trên 15, hoặc 35% người trưởng thành tại quốc gia Nam Á này sử dụng thuốc lá; trong đó thuốc lá nhai phổ biến hơn thuốc lá hút.

Ấn Độ cũng là nhà sản xuất thuốc lá lớn thứ ba thế giới, và nông dân trồng thuốc lá là nguồn phiếu quan trọng cho các đảng phái chính trị. Theo Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Liên kết, ước tính 45,7 triệu người phụ thuộc vào ngành thuốc lá ở Ấn Độ để kiếm sống.

Thuốc lá còn là mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ và chính phủ nắm giữ cổ phần đáng kể, trực tiếp hoặc gián tiếp, trong các công ty thuốc lá.

Ngọc Hạ (Theo CNA, AFP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI