68 năm lưu lạc, mẹ già Hàn Quốc khóc trong vòng tay con trai tại Triều Tiên

21/08/2018 - 06:40

PNO - "Sang Chol!" – cụ bà Lee Keum Seom, 92 tuổi, mừng rỡ gọi rồi sà vào vòng tay của con trai. Sau 68 năm xa cách, hai mẹ con không thể kìm nổi nước mắt trong ngày đoàn tụ.

68 năm trước, khi chiến tranh nổ ra, bà Lee lạc mất chồng và con trai do mắc kẹt ngoài khu phi quân sự.

Ngày 20/8/2018, tại một khu nghỉ dưỡng gần núi Kumgang (Triều Tiên), ông Sang Chol – nay đã 71 tuổi - được con dâu hộ tống, hồi hộp chờ gặp mẹ ruột. Bà Lee có mặt tại đó cùng với hai cô con gái, sống với bà ở Hàn Quốc.

Họ là một trong 89 gia đình được lựa chọn từ hơn 57 ngàn người nộp đơn xin tái ngộ với người thân nhờ Tuyên bố Panmunjom giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong một hội nghị thượng đỉnh lịch sử hồi đầu năm nay.

Trong số đó, hơn 60% đã trên 80 tuổi, được con cháu hộ tống đến Triều Tiên bằng xe buýt của nhà nước.

Clip cụ bà Lee Keum Seom, 92 tuổi, mừng tủi ôm con trai là ông Sang Chol, 71 tuổi, sau 68 năm lưu lạc.

Sau những phút đầu đẫm nước mắt, ông Sang Chol run rẩy cho mẹ xem bức ảnh của người cha quá cố, và họ lại không thể kìm được cảm xúc.

Bà Lee chia sẻ: “Gia đình của tôi tại Triều Tiên nhiều người đã mất sớm, nên tôi cầu nguyện cho con trai có sức khỏe tốt. Chỉ như vậy, chúng tôi mới có thể gặp lại nhau”.

Bà cảm thấy lo lắng về cuộc đoàn tụ với cậu con trai thất lạc 68 năm. Bà chỉ nhớ con khi còn là đứa trẻ 4 tuổi, không biết phải làm sao để chuyện trò sau từng ấy thời gian xa cách.

“Tôi sẽ nói gì đây? Có lẽ tôi nên hỏi xem cha đã kể cho con về tôi như thế nào, có nói về ngôi nhà trước kia chúng tôi chung sống hay không?”, bà Lee nói.

Tuy nhiên, khi nhìn thấy nhau, giữa họ không hề có chút lưỡng lự. Hai mẹ con ngay lập tức bật khóc, ôm nhau thật chặt và tay nắm tay suốt cuộc gặp.

68 nam luu lac, me gia Han Quoc khoc trong vong tay con trai tai Trieu Tien
Nhóm công dân Hàn Quốc tập trung trong cuộc họp trước ngày đoàn tụ với người thân.

Trước khi đoàn tụ với con trai, vào Chủ nhật, bà Lee cùng hàng chục người Hàn Quốc khác đã có mặt tại khách sạn Hanwha, Sokcho, phía nam khu phi quân sự từng chia cắt Hàn Quốc – Triều Tiên trong chiến tranh, để kiểm tra sức khỏe và tìm hiểu về những điều cần chú ý khi thăm Triều Tiên.

Khách sạn ngập tràn trong bầu không khí vui sướng và hồi hộp, vì chỉ phút chốc nữa thôi, họ sẽ được gặp lại vợ, chồng, anh chị em và con cái – những người tưởng đã biến mất mãi mãi, chỉ còn mảnh ký ức mờ nhạt bao năm trước.

68 nam luu lac, me gia Han Quoc khoc trong vong tay con trai tai Trieu Tien
Dòng xe buýt đưa công dân Hàn Quốc qua khu phi quân sự vào lãnh thổ Triều Tiên

Ông Park Kyung-seo, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc, chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi giúp các gia đình đoàn tụ. Tôi hoàn toàn cảm thông và chia sẻ với những ai không thể đoàn tụ với người thân ngày hôm nay. Tôi đang nỗ lực làm việc với các đối tác Triều Tiên để tìm ra giải pháp”.

Trong một tuyên bố hôm 20/8, Tổng thống Moon kêu gọi cả hai nước thúc đẩy công dân đoàn tụ, thậm chí còn nhắc rằng ông cũng có gia đình là người Triều Tiên.

"Việc mở rộng và xúc tiến đoàn tụ cho các gia đình bị chia rẽ là ưu tiên trong số tất cả các dự án nhân đạo mà hai nước phải tiến hành. Là thành viên của một gia đình lưu lạc, tôi cảm thông sâu sắc với nỗi buồn và đau đớn đó. Chúng ta cần phải làm ngay lập tức”- Tổng thống Moon nói.

68 nam luu lac, me gia Han Quoc khoc trong vong tay con trai tai Trieu Tien
Ngày 20/8, hàng chục người mừng tủi đoàn tụ với người thân sau gần bảy thập kỷ chia cắt.

Nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ chiến tranh nổ ra, hơn 75 ngàn người đã qua đời mà không gặp được người thân.

Ahn Seung Chun đã đến Triều Tiên để gặp các thành viên trong gia đình mà bà chưa từng nói chuyện. “Tôi đã nộp đơn mong gặp anh trai, nhưng anh đã qua đời. Giờ thì tôi sẽ không bao giờ được gặp anh nữa, nhưng tôi sẽ gặp chị dâu và cháu trai. Tôi rất buồn vì không thể đoàn tụ với anh trai nhưng cảm thấy hạnh phúc khi gặp gia đình của anh”.

68 nam luu lac, me gia Han Quoc khoc trong vong tay con trai tai Trieu Tien
Hình ảnh vận động viên của Hàn Quốc và Triều Tiên cùng diễu hành trong lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á 2018 khiến thế giới hy vọng vào hòa bình, ổn định tại khu vực này.

Hiện nay, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đồng thuận, cùng nhau hướng tới các mục tiêu hòa bình và ổn định, ngay cả khi đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington đang có dấu hiệu đình trệ.

Tuần trước, truyền thông nhà nước Triều Tiên kêu gọi Hoa Kỳ đồng ý chấm dứt cuộc chiến tranh, thúc đẩy “quá trình sơ bộ và thiết yếu mở đường cho hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Hoa Kỳ nên thực hiện các biện pháp đồng thời và theo giai đoạn, như tuyên bố kết thúc chiến tranh, để xây dựng niềm tin chung và tạo bước đột phá trong tình hình an ninh thế giới”.

Thứ Bảy vừa qua, nhóm vận động viên Hàn Quốc – Triều Tiên cùng diễu hành trong lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á tại thủ đô Jakarta, Indonesia.

Ngọc Anh (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI