360.000 trẻ em châu Phi sẽ được tiêm vắc-xin ngừa sốt rét

24/04/2019 - 12:19

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 360.000 trẻ em mỗi năm ở ba quốc gia châu Phi sẽ được tiêm vắc-xin sốt rét đầu tiên, như một phần của dự án thí điểm quy mô lớn.

WHO nói rằng Malawi đã bắt đầu tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 2 tuổi, Kenya và Ghana sẽ bắt đầu sử dụng vắc-xin trong vài tuần tới. Vắc-xin cung cấp sự bảo vệ một phần khỏi căn bệnh nguy hiểm, với các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tỷ lệ phòng bệnh đạt 40%.

Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một thông cáo báo chí: "Chúng tôi đã chứng kiến ​​những lợi ích to lớn từ chăn màn và các biện pháp khác để kiểm soát bệnh sốt rét trong 15 năm qua, nhưng tiến trình đã bị đình trệ và thậm chí đảo ngược ở một số khu vực”.

360.000 tre em chau Phi se duoc tiem vac-xin ngua sot ret
Trong những năm gần đây, tình hình sốt rét trên thế giới và tại châu Phi bắt đầu gia tăng trở lại.

“Chúng tôi cần các giải pháp mới để đưa việc phòng bệnh sốt rét trở lại đúng hướng, và vắc-xin này cho chúng tôi một công cụ đầy hứa hẹn để đạt được điều đó. Vắc-xin sốt rét có khả năng cứu sống hàng chục nghìn trẻ em".

Sốt rét là một bệnh ký sinh trùng lây truyền qua vết đốt của muỗi Anophele cái. Bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được, nhưng ước tính vẫn có khoảng 435.000 người chết vì bệnh mỗi năm.

Trẻ em dưới năm tuổi có nguy cơ cao mắc các biến chứng đe dọa tính mạng từ sốt rét và theo WHO, cứ sau hai phút lại có một trẻ tử vong vì căn bệnh này. Hầu hết nạn nhân sống ở Châu Phi, nơi có hơn 250.000 trẻ em chết vì bệnh mỗi năm.

Vắc-xin, RTS, S, còn được gọi là Mosquirix, được tạo ra bởi các nhà khoa học tại tập đoàn dược phẩm khổng lồ GSK của Anh vào năm 1987, trải qua nhiều năm thử nghiệm và được hỗ trợ bởi nhiều tổ chức phi lợi nhuận, chẳng hạn như PATH.

Theo WHO, trên toàn thế giới từ năm 2000 đến 2015, số trường hợp tử vong vì sốt rét giảm 62%, số ca mắc bệnh giảm 41%. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy bệnh sốt rét đang trở lại, với 219 triệu trường hợp trong năm 2017, so với 217 triệu vào năm 2016.

360.000 tre em chau Phi se duoc tiem vac-xin ngua sot ret
Trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các biến chứng liên quan đến sốt rét.

Adrian Hill, giáo sư về di truyền học và là giám đốc của Viện Jenner tại Đại học Oxford (Anh) nói: "Đó là một căn bệnh khó đối phó. Các công cụ đạt hiệu quả khiêm tốn và sau 10, 20 năm muỗi lại bắt đầu kháng thuốc. Có một mối lo ngại thực sự là vào năm 2020, các trường hợp sẽ tăng trở lại một lần nữa".

Dự kiến  vắc-xin bao gồm bốn liều: ba liều cho các bé từ 5 đến 9 tháng tuổi và liều thứ tư vào lúc trẻ hai tuổi.

WHO cho biết vắc-xin là "công cụ kiểm soát sốt rét bổ sung" được sử dụng cùng với chăn màn, phun thuốc trừ muỗi quanh nhà, cũng như chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Alena Pance, nhân sự cấp cao tại Viện Wellcome Trust Sanger, cho biết: “Vắc-xin này không quá hiệu qủa. Nhưng điều quan trọng là sự bảo vệ 40% ở khu vực đặc hữu nhất thế giới, Châu Phi, vẫn tốt hơn việc không có sự bảo vệ nào. Cuối cùng, đây là loại vắc-xin hữu hiệu duy nhất mà chúng tôi hiện có và mất nhiều thập kỷ để phát triển”.

360.000 tre em chau Phi se duoc tiem vac-xin ngua sot ret
Theo Giáo sư Adrian Hill, điều quan trọng là trẻ em cần tiêm phòng đầy đủ 4 mũi vắc-xin để đạt sự bảo vệ tối ưu.

Linh La (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI