16 nhà hoạt động môi trường tuổi teen

30/12/2019 - 09:35

PNO - Ngày 23/9/2019, 16 bạn trẻ đã chính thức kiện năm nước vi phạm Công ước về quyền trẻ em lên Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc. Trong đó, có Greta Thunberg, người châm ngòi cho phong trào hành động khí hậu của lớp trẻ toàn cầu...

Một chuyện hiếm có đã xảy ra hồi tháng 9/2019, khi lần đầu tiên có năm quốc gia gây ô nhiễm bị trẻ em kiện do vi phạm Công ước về quyền trẻ em.

Ngay sau bài phát biểu của cô bé Greta Thunberg tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về khí hậu ngày 23/9/2019, 16 bạn trẻ đã chính thức kiện năm nước vi phạm Công ước về quyền trẻ em lên Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc. Đó là năm nước: Pháp, Đức, Argentina, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.

16 nha hoat dong moi truong tuoi teen
“Những người lớn tuổi hơn không chú ý nhiều, vì họ sẽ không bị ảnh hưởng. Họ không nghiêm túc với chúng tôi, nhưng chúng tôi muốn cho họ thấy chúng tôi nghiêm túc” - Ayakha Melithafa (ChildrenVsClimateCrisis)

16 thanh thiếu niên ấy do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) hỗ trợ, ở độ tuổi từ 8-17, đến từ Argentina, Brazil, Pháp, Đức, Ấn Độ, Palau, quần đảo Marshall, Nigeria, Nam Phi, Thụy Điển, Tunisia và Hoa Kỳ. 

Trong đó, có Greta Thunberg, người đã châm ngòi cho phong trào hành động khí hậu của học sinh, sinh viên toàn cầu qua chương trình “Thứ Sáu vì tương lai” từ năm 2018. 

Bên cạnh Greta, có cô bé Alexandria Villaseñor - 14 tuổi, một nhà hoạt động người Mỹ, là đồng sáng lập phong trào Tuổi trẻ Hoa Kỳ bãi khóa vì khí hậu, và cũng là người sáng lập phong trào “Trái đất thức dậy”. 

“Chúng tôi có quyền kiện”

Cô bé Iris Duquesne - 16 tuổi, đến từ thành phố Bordeaux (Pháp) - nói: “Việc để trẻ em buộc phải đứng lên yêu cầu người lớn, kêu gọi cho tương lai của mình là điều hoàn toàn không bình thường. Chúng tôi có quyền được kiện. Họ (người lớn) có trách nhiệm bảo vệ chúng tôi nhưng lại không làm. Vì vậy, chúng tôi sử dụng quyền được kiện để yêu cầu họ làm điều gì đó”.

Đơn kiện dựa trên các phân tích của chuyên gia, cùng những tường thuật cá nhân của các em, nhằm chứng minh tác động của biến đổi khí hậu như cháy rừng, hạn hán, bão, lũ lụt, nước biển dâng, sụp đổ hệ thống thực phẩm, cùng những mối đe dọa khác đối với lối sống truyền thống (như chăn tuần lộc hoặc câu cá), mối nguy hiểm đáng kể cho sức khỏe như sốt xuất huyết, sốt rét và hen suyễn, những khó khăn do hạn hán, ô nhiễm không khí, sinh vật biển bị nhiễm độc… Tất cả đã vi phạm, và sẽ vi phạm quyền con người của mỗi nguyên đơn, bằng cách đe dọa sự sống còn của họ, làm suy yếu sự phát triển về thể chất và làm hại sức khỏe của họ, gây lo lắng tinh thần hoặc trầm cảm về hiện tại và tương lai. 

“Tôi không muốn sống ở dưới nước”

Ranton Anjain - 17 tuổi, đến từ quần đảo Marshall - cho biết, biến đổi khí hậu đang khiến nguy cơ cuộc sống của gia đình cậu gặp nguy hiểm. Ngôi nhà của gia đình Ranton đã bị phá hủy trong một cơn bão vào năm 2015, trong khi các công trình biển được xây dựng để bảo vệ dân chúng đã được chứng minh là… vô dụng.

“Tôi không muốn sống ở dưới nước. Tôi muốn các thế hệ tương lai trải nghiệm những gì tôi trải nghiệm, với cuộc sống trên mặt đất” - Ranton Anjain nói.

Là bên nguyên đơn, các em yêu cầu một sự thay đổi thật sự để cuộc khủng hoảng khí hậu không tác động tới cuộc sống hằng ngày của trẻ em, đồng thời lên án các chính phủ thiếu những hành động cụ thể, hiệu quả để chống biến đổi khí hậu.

Vụ kiện này vừa mang tính biểu tượng, vừa có tính lịch sử. Luật sư của phía nguyên đơn đã đề nghị nhóm 16 thanh thiếu niên nhắm vào năm nước trong Ủy ban Quyền trẻ em gây ô nhiễm nhất và cũng có ảnh hưởng nhất trong ủy ban này, như nước Pháp. Đơn kiện đã được công ty luật quốc tế Hausfeld LLP, cùng Earthjustice - tổ chức luật vì lợi ích công cộng, môi trường phi lợi nhuận - chuẩn bị và thay mặt các em đệ trình lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. “Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng là một cuộc khủng hoảng về quyền của trẻ em” - ông Scott Gilmore, luật sư nhân quyền tại Hausfeld LLP, nói. 

“Mong một lệnh cấm ngay lập tức việc khai thác khoáng sản”

Ayakha Melithafa - học lớp 11 ở Trung tâm Khoa học và Công nghệ Khayelitsha, thành phố Cape Town, Nam Phi - là thành viên của Liên minh Khí hậu châu Phi, và tham gia dự án "90 vào năm 2030" - một tổ chức phi chính phủ, hoạt động với mục tiêu cắt giảm 90% lượng khí thải carbon của Nam Phi vào năm 2030.

Theo Melithafa, nhiều người trong cộng đồng của cô hiện vẫn cảm thấy hoạt động vì khí hậu chưa phải là ưu tiên hàng đầu. “Chúng tôi cần nhiều người da màu hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu” - Melithafa nói.

Biến đổi khí hậu tác động rất lớn, gây ra các đợt hạn hán liên tiếp gần đây ở Nam Phi, đặc biệt là tạo ra cuộc khủng hoảng nước hồi năm 2018. Nước máy bị ô nhiễm trong khu phố của Melithafa, nên khi anh cô vô tình uống nó, đã bị tiêu chảy suốt một tuần. Gia đình cô, như tất cả các gia đình khác ở Cape Town, đã phải “siết chặt” khẩu phần nước. “Tôi không thể tắm, tôi phải uống ít nước hơn, quần áo phải mặc đi mặc lại nhiều lần” - Melithafa kể.

Cô muốn có một lệnh cấm ngay lập tức việc khai thác than, dầu và khí đốt ở Nam Phi. Khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu hồi tháng 9/2019 ở New York, Melithafa muốn các nhà lãnh đạo thế giới nhìn nhận vấn đề trên phạm vi toàn cầu thay vì qua lăng kính đơn phương theo kiểu “Tôi có đất nước của mình. Bạn có đất nước của bạn”. 

Minh Nhựt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI