Tháng khuyến mãi: Rầm rộ nhưng… vẫn ế!

25/09/2017 - 12:00

PNO - Sở Công thương TP.HCM triển khai “Tháng khuyến mãi” (KM) với mục đích đẩy sức mua, tăng doanh số… Song, chương trình có thu hút được người tiêu dùng (NTD) săn hàng giảm giá?

Nhiều khuyến mãi, ít người mua

Các con đường lớn được mệnh danh là “cung đường thời trang” của TP.HCM như Hai Bà Trưng (Q.1); Nguyễn Đình Chiểu, Lý Chính Thắng (Q.3); Nguyễn Trãi (Q.5); Cách Mạng Tháng Tám (Q.10); Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận); Quang Trung, Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp)… đang ngập tràn băng rôn với các thông điệp KM.

Cụ thể như: giảm giá “khủng” tới 70-80%; mua 1 tặng 1; tặng thêm 200.000 đồng khi mua hóa đơn trên 1 triệu đồng; sales đồng giá 49.000 đồng… cho các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, mắt kính, mỹ phẩm. Song ghi nhận chung cho thấy, có rất nhiều KM ảo, KM cho có để… “câu” khách!

Thang khuyen mai: Ram ro nhung… van e!
Nhiều chương trình khuyến mãi rầm rộ nhưng vẫn không thu hút được người tiêu dùng.

Tầm 17 giờ, cửa hàng (CH) thời trang E. (Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp) luôn đông nghẹt khách bởi poster: “Đồng giá 49.000 đồng”. Song thực tế, quần áo giảm giá còn 299.000-399.000 đồng, chứ không như thông tin trên poster. Sau khi thấy mức giảm đó chỉ dành cho hàng trẻ em, nhiều khách thất vọng, ra về tay không. Không chỉ địa chỉ này, nhiều cửa hàng khác cũng quảng cáo tương tự khiến khách rất nản lòng.

Poster tại CH I. (Cách Mạng Tháng Tám, Q.1), ghi rõ “đồng giá 49K, 799K” nhưng khách tìm “đỏ mắt” cũng không thấy có sản phẩm (SP) nào giá 49.000 đồng. Một nhân viên cho biết: “KM đồ lót thôi, nhưng hết hàng rồi” (!?).

Thực chất, khách phải mua với hóa đơn 1,5-2,5 triệu đồng mới được giảm giá 10-20%. Thời trang X. trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) ghi bảng “đồng giá tất cả 50K”, nhưng giá đó cũng chỉ dành cho hàng nằm trong đống đồ nhăn nhúm, hư khóa, đứt nút, lỗi đường may… chất trên sàn nhà. 

Ngoài kiểu KM mập mờ như trên, nhiều CH còn chơi chiêu câu khách “mua 1, tặng 1”. Nhiều người tưởng mua một SP thì được tặng một SP tương tự, nhưng hóa ra mua bộ đồ thể thao trị giá 700.000 đồng được tặng một… đôi dép giá chưa tới 50.000 đồng.

Hay trường hợp “mua 1 triệu đồng, được tặng thẻ quà tặng 200.000 đồng”, khách chỉ được mua đồ mẫu mới cả triệu đồng/sản phẩm, chứ không áp dụng cho hàng sales nên đành “bỏ xó thẻ quà tặng”. Ngoài ra, nhiều nơi còn mang tiếng KM nhưng “chỉ KM cho khách hàng VIP”…

Bên cạnh đó, CH chuyên kinh doanh nội thất, hàng loạt siêu thị điện máy cũng tung KM lên đến 80%. Cửa hàng nội thất C. (Ngô Gia Tự, Q.10) giăng băng rôn “Big sales 70%” rất thu hút, nhưng tìm hiểu thực tế thì mức giảm hấp dẫn này chỉ áp dụng cho 1-2 sản phẩm tủ giày, kệ ti vi, sofa nhỏ, đã qua mẫu, để cho có; rất ít mẫu bàn ăn, giường ngủ, tủ đồ, sofa lớn giảm từ 10-20%.

Hoặc như  điện máy T.H rầm rộ giảm giá đến 49%, nhưng hầu hết rơi vào nhóm hàng có giá thấp như nồi, chảo, ly, bình, cây lau nhà… Còn các mặt hàng ti vi, tủ lạnh, máy giặt… có mức giảm chỉ 5-10% nhưng kèm điều kiện phải thanh toán bằng thẻ tín dụng. Nhân viên bán hàng cho biết, “chỉ một số ít mẫu cũ, hàng trưng bày mới giảm giá”… Tại những nơi này, khách xem hàng nhiều hơn khách mua. 

Thiếu kiểm soát, xử lý vi phạm

Những kiểu “ưu đãi” như vậy khiến  NTD  mất niềm tin và không kích cầu hiệu quả. Ngay cả các trung tâm thương mại, khách mua hàng chỉ tính trên đầu ngón tay, nhiều gian hàng đóng cửa.

Đến trung tâm thương mại Parkson CT Plaza (Trường Sơn, Q.Tân Bình) và VinCom (Quang Trung, Q.Gò Vấp), đập vào mắt chúng tôi là những gian hàng bị bỏ trống, đổi chủ.

Nguyên một tầng G của VinCom chỉ còn lèo tèo vài cửa hàng. Một số thương hiệu thời trang, mỹ phẩm trước đó đã chuyển đi do buôn bán ế ẩm. Dù là ngày cuối tuần, các quầy va-li đến giày dép, túi xách… được bày giữa sảnh mà cũng hiếm có khách 
ghé xem. 

Nhiều người nghĩ “tháng cô hồn nên bán ế” để tự an ủi, nhưng thực chất tình trạng ế ẩm vẫn kéo dài, mặc dù TP.HCM đang cao điểm “Tháng KM”. Sở Công thương TP.HCM cho biết, có hơn 30.000 chương trình giảm giá, KM được tổ chức từ tháng 9 đến tháng 12/2017.

Thang khuyen mai: Ram ro nhung… van e!
 

Song, vấn đề NTD quan tâm không phải ở số lượng mà là chất lượng của các chương trình KM, NTD phải được hưởng ưu đãi, lợi ích thực sự thì mới kích thích được nhu cầu mua sắm, đẩy sức mua tăng cao. 

Để kích cầu hiệu quả, các đơn vị kinh doanh cần chấp nhận giảm bớt lợi nhuận, mức KM 20-30% cần được tuân thủ, để người mua thực sự nhận được ưu đãi. Cách thức này tốt hơn là cứ  ầm ĩ  KM “khủng” đến 70-80% theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” khiến khách hàng thất vọng. 

Theo quy định, khi Sở Công thương TP.HCM triển khai “Tháng KM”, lực lượng chức năng phải kiểm soát các đơn vị kinh doanh thực hiện KM có đúng với nội dung đăng ký; ngăn chặn hàng gian, giả và có hình thức xử lý phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho NTD.

Song thực tế, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, mạnh tay. Nhiều nơi “ăn theo” tháng KM của TP.HCM để bán hàng nhái, hàng giả. Chỉ trong tuần qua, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện 37 vụ vi phạm bán hàng giả, thu giữ 118 đôi giày dép hiệu Nike và 884 đồng hồ đeo tay, quần áo, mắt kính, túi xách, ví  hiệu Rolex, Omega, Lacoste, Chanel, Long Champ, Levi’s, Tommy Hilfiger…

Hiện nay, người tiêu dùng rất cẩn trọng trước các chương trình KM. Những cửa hàng KM theo kiểu mới: áp dụng cho cả những mặt hàng “chưa lỗi mốt”, hướng đến lợi ích cho khách hàng, nhằm tạo cú hích trên thị trường, xây dựng mối quan hệ lâu dài với người mua, chắc chắn sẽ thu hút được NTD. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần kiểm soát tốt thị trường. Có như vậy, chương trình KM mới mang lại hiệu quả, lợi ích cho cả NTD và các đơn vị kinh doanh. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI