Thân phận lao động giúp việc châu Á: bi kịch nối tiếp bi kịch

18/04/2015 - 07:53

PNO - PN - Các kênh truyền thông của Saudi Arabia mới đây đã đồng loạt đăng tin nữ giúp việc người Indonesia Siti Zainab Binti Duhri Rupa (47 tuổi) bị xử tử bằng hình thức chặt đầu tại quốc gia Trung Đông này mà không hề có bất cứ thông...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cô Siti không phải nạn nhân duy nhất của chuỗi bi kịch người giúp việc (NGV) châu Á bị bạo hành và dồn ép vào đường cùng đến mức phải phản kháng, tự vệ đầy tuyệt vọng. Nhiều lao động giúp việc châu Á đang đối diện với cùng một cơn ác mộng, đó là chịu tủi nhục, bị ngược đãi, thậm chí tấn công tình dục bởi chính chủ của mình nơi xứ người. Luật pháp ở quốc gia sở tại chưa có những quy định cần thiết để bảo vệ họ. Bi kịch nối tiếp bi kịch và vẫn không có dấu hiệu dừng lại.

Tờ Observer dẫn số liệu từ chính quyền Indonesia cho biết, khoảng 45 NGV nữ nước này đối diện với án tử vì giết chủ nhà của mình ở Saudi Arabia. Chính quyền Jakarta năm 2011 đã ra lệnh tạm dừng đưa công dân nước mình đến Saudi Arabia làm việc, đồng thời yêu cầu nước này phải thay đổi chính sách, nâng mức lương và có quy định cụ thể để bảo vệ NGV Indonesia.

Năm 2013, dư luận chấn động trước tin Nafeek, nữ giúp việc người Sri Lanka bị chặt đầu do cáo buộc giết chết đứa bé con nhà chủ chỉ mới bốn tháng tuổi vì mâu thuẫn với bố mẹ của bé. Nafeek một mực nói rằng mình không cố tình làm cho đứa bé ngạt sữa đến chết và cô bị ép cung nhiều lần để buộc nhận tội. Đơn độc và bất lực, cô gái trẻ phải chấp nhận bản án nặng nề nhất. Ước mơ đổi đời ở xứ người buộc Nafeek phải sử dụng hộ chiếu khai gian ngày sinh, vì quy định của Sri Lanka là phụ nữ dưới 18 tuổi không được ra nước ngoài làm việc. Tháng 5/2005, Nafeek được “xuất khẩu lao động” - làm giúp việc nhà tại Saudi Arabia với tuổi ghi trong hộ chiếu là 25 trong khi cô mới 17 tuổi.

Tổ chức Giám sát nhân quyền và tổ chức Ân xá quốc tế từng nhiều lần phát động những chiến dịch chống đối án tử dành cho NGV ở Saudi Arabia. Hiện có khoảng 1,5 triệu NGV nước ngoài đang làm việc tại quốc gia này. Theo nhiều khảo sát thì con số lao động tìm được chủ nhà tử tế thấp hơn nhiều so với những trường hợp bị ngược đãi, lạm dụng.

Tổ chức Lao động quốc tế tuần trước cũng đưa ra báo cáo cho thấy, có đến 52,6 triệu NGV trên toàn thế giới (phần lớn là nữ) rơi vào cảnh ngộ thiếu hoặc không được pháp luật bảo vệ một cách chính đáng. Trong đó, Saudi Arbia gần như bỏ ngỏ quy định pháp luật về vấn đề này. Trong số gần 53 triệu đối tượng nêu trên thì 90% không được hưởng quyền lợi bằng các lao động trong lĩnh vực khác. Có 2,5 triệu người xem như không được hưởng mức lương cơ bản tối thiểu.

Than phan lao dong giup viec chau A: bi kich noi tiep bi kich

Biểu tình đòi công lý cho Erwiana Sulistyaningsih trên đường phố Hồng Kông - Ảnh: AP

Trong vấn đề thuê, sử dụng người giúp việc, không phải lúc nào công lý cũng xuất hiện kịp thời để bảo vệ những người “thân cô thế cô”. Trường hợp tòa án đặc khu kinh tế Hồng Kông (Trung Quốc) tuyên Law Wan-tung (44 tuổi) sáu năm tù, bồi thường 2.000 USD vì tội tra tấn, không trả tiền lương, bỏ đói và bắt người giúp việc Indonesia Erwiana Sulistyaningsih (24 tuổi) sống trong tủ suốt tám tháng liền được xem như thắng lợi của lực lượng Ôsin nước ngoài ở Hồng Kông. Nhưng, đây vẫn là “đốm sáng” lẻ loi trong vô số những phận NGV bị lãng quên nơi xứ người.

Đáng chú ý, khoảng 40% NGV nhà trên toàn cầu là người châu Á (còn lại là Trung Đông và các khu vực khác), đơn cử Hồng Kông sử dụng gần 300.000 NGV, phần lớn từ Indonesia và Philippines. Hầu hết các quốc gia châu Á đều thiếu luật lệ bảo vệ cho quyền lợi của đối tượng lao động này. Trong đó, chỉ Philippines là nước đầu tiên ở châu Á ký tên vào Công ước Người giúp việc nhà. Hiệp định này được tổ chức Lao động quốc tế soạn thảo năm 2011, nhằm bảo đảm cho NGV nhà được hưởng quyền căn bản như các lao động khác.

Tháng 11/2013, Philippines thông qua luật cải thiện mức lương tối thiểu, tình trạng an sinh xã hội và bảo hiểm y tế công cộng cho gần hai triệu NGV nhà ở nước này. Ý thức cao từ chính quê nhà, cộng với khả năng nói tiếng Anh đã giúp lao động giúp việc Philippines không bị lạm dụng nhiều như lao động xuất thân từ các nước châu Á khác. Trong khi đó, đầu năm 2013, Quốc hội Indonesia đưa ra một dự luật để nước này tiến gần hơn đến việc ký Công ước Người giúp việc nhà. Chính phủ Indonesia đang xem xét cấm lao động nữ ra nước ngoài giúp việc. Nếu được thông qua, chính sách này có thể thực hiện từ năm 2017.

Tháng 9/2014, Chính phủ Myanmar ra quyết định tạm thời cấm lao động nữ sang Singapore giúp việc nhà vì lo ngại vấn nạn bạo lực, bóc lột. Chỉ một năm trước, Myanmar thông qua dự luật cho phép công dân của mình được ra nước ngoài làm công việc trên, chủ yếu là sang Singapore và Hồng Kông. Thế nhưng, do Liên đoàn lao động Myanmar liên tục nhận được phản ánh tiêu cực về điều kiện làm việc của NGV nước này tại Singapore nên chính quyền Myanmar phải ban hành lệnh cấm trên, và buộc Singapore đi đến thỏa thuận cụ thể về vấn đề quyền lợi cũng như thu nhập của người lao động. Singapore nổi tiếng là quốc gia có nếp sống văn minh, vì thế, tiêu chuẩn NGV ở nước này khá cao.

Tuy nhiên, việc thuê mướn NGV ở Singapore cũng như một số quốc gia phát triển khác còn quá chú trọng vào chất lượng NGV mà thiếu ràng buộc đối với người thuê lao động, dẫn đến những bi kịch. Đây cũng là vướng mắc ở nhiều quốc gia có mức sống cao, cần “nhập khẩu” NGV nước ngoài.

THIÊN NHƯ

(Theo Guardian, ABC, SCMP) 

Siti Zainab Binti Duhri Rupa rời quê hương đến Saudi Arabia năm 1997. Hai năm sau, cô bị cảnh sát bắt và tuyên án tử vì thừa nhận đã giết bà chủ của mình. Khi cảnh sát thẩm vấn, có những lúc Siti rơi vào trạng thái hoảng loạn và nhiều lần có dấu hiệu thần kinh không ổn định khi nhắc đến những điều gia đình chủ đối xử với mình. Cô từng viết hai lá thư cho người thân, kể rằng cô bị bà chủ và con trai bà ta hành hạ tàn nhẫn. Uất ức dẫn đến quẫn trí, Siti cầm dao đâm 18 nhát liên tiếp, giết chết bà chủ - cũng là cách chấm dứt những đêm dài ác mộng của chính mình.

Than phan lao dong giup viec chau A: bi kich noi tiep bi kich

Người thân đau xót trước tin Siti đã bị chặt đầu - Ảnh: Metrotvnews.com

Chính quyền Saudi Arabia khi ấy cho biết sẽ đợi đúng 15 năm để các con của Siti qua tuổi trưởng thành mới quyết định hành quyết cô hoặc chờ thỉnh nguyện từ phía gia đình. Thế nhưng, việc đột ngột xử tử Siti vừa qua khiến dư luận Indonesia và quốc tế vô cùng phẫn nộ. Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên án Saudi Arabia trong vụ hành quyết công dân Indonesia với tuyên bố: “Áp dụng án tử với người bị nghi có dấu hiệu rối loạn tâm thần là thiếu nhân tính”. Bộ Ngoại giao Indonesia đã chính thức phản đối chính phủ Saudi Arabia không cung cấp cho đại diện của Indonesia hay gia đình nạn nhân bất kỳ thông báo nào về thời điểm thi hành án. Từ năm 1999 đến nay, có đến ba đời Tổng thống Indonesia (trong đó có Tổng thống đương nhiệm là ông Joko Widodo) buộc phải gửi thư xin Quốc vương Saudi Arabia ân xá cho Siti. Đích thân Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tháng Ba vừa qua đề nghị được gặp gỡ gia đình nạn nhân với nguyện vọng xin trả 155.000 USD (gấp gần 40 lần mức quy định trung bình cho khoản tiền được ví như “tiền nợ máu”) để Siti được tha thứ nhưng cũng vô ích.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI