Tết mà, làm sao không bày được!

19/01/2023 - 14:14

PNO - Đồng lương công nhân cô ấy, với lương công chức của tôi, chi tiêu phải vén khéo, muốn về tết thì phải lên kế hoạch từ đầu năm.

Ngày ba mẹ tôi còn sống, gia đình tôi tết nào cũng về quê. Tôi cứ nghĩ ba mẹ còn thì mùa xuân của con cái mới trọn vẹn. Vợ tôi thương suy nghĩ này của tôi, nên vừa qua Trung thu là cô ấy đã lo tính toán việc đặt vé máy bay cho cả gia đình về quê dịp tết.

Ba mẹ vợ thì ở gần chúng tôi, nên gặp nhau thường xuyên. Vợ chồng bận công việc gì, hoặc đám tiệc, liền bế con “thảy” bên ông bà ngoại. Ngược lại, chỉ cần nghe ông bà ho một tiếng, chúng tôi lập tức có mặt.

Vợ chồng bận công việc gì, hoặc đám tiệc, liền bế con “thảy” bên ông bà ngoại. (Ảnh minh họa)
Vợ chồng bận công việc gì, hoặc đám tiệc, liền bế con “thảy” bên ông bà ngoại (ảnh minh họa)

Gia đình tôi và ông bà ngoại thường ăn uống cùng nhau, xem bóng đá cùng nhau, đi chơi cùng nhau, có nhau mọi lúc mọi nơi nên những ngày tết, ông bà không giận khi vợ chồng tôi năm nào cũng “về ngoải” ăn tết. Không những thế, ông bà ngoại còn mua quà gửi ra tặng sui gia.

Nhưng từ khi ba mẹ ruột tôi không còn nữa, vợ tôi cắt "suất về tết" cái rột. Cô ấy bảo, xưa nay vì chiều chồng, vì thương ba mẹ chồng, chứ bao nhiêu tiền dành dụm cả năm đều chỉ phục vụ ngày tết quê chồng.

Cô ấy nói không sai. Đồng lương công nhân cô ấy, với lương công chức của tôi, chi tiêu phải vén khéo, muốn về tết thì phải lên kế hoạch từ đầu năm.

Về quê, đâu chỉ quà cáp gia đình ruột thịt, mà còn cho bà con, họ hàng. “Người ta tới thăm mình, không lẽ mình giương mắt nhìn, không có chút quà gọi là?”, vợ nói, thế là cô ấy mua sắm đủ thứ, valy, giỏ xách lỉnh kỉnh. Tôi không dám than phiền, vì vợ muốn tôi đẹp mặt.

Tôi cũng thương vợ. Một năm về quê chồng một lần, nên cô ấy cố gắng làm nàng dâu đảm cho bố mẹ chồng vui. Sáng lạnh như cắt da cắt thịt, cô ấy đã dậy nấu cơm, dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Cận tết tham gia gói bánh chưng, ra chợ mua sắm thức ăn cho những ngày tết...

Tôi chỉ đợi tới Mùng 1, Mùng 2, Mùng 3 tết là viện cớ chở vợ đi thăm họ hàng, bạn bè, tôi muốn kéo cô ấy ra khỏi bếp, kẻo sợ cô ấy ám ảnh tết quê chồng. Thăm họ hàng là lý do chính đáng, chúng tôi đi tới chiều mới về.

Năm nào cũng vậy, chúng tôi trích 2 tuần về quê nội của các con tôi. Khỏi phải nói, ba mẹ tôi vui cỡ nào. Nhưng từ ngày ba mẹ mất, chúng tôi thay vì về tết, thì về giỗ. Năm nào bận việc thì tôi giỗ ba/ mẹ đơn giản tại nhà. Những cái tết sau, vợ chồng tôi dành thời gian cho ông bà ngoại.

Nhìn vợ tíu tít bên ông bà ngoại, kể những câu chuyện ngày thơ của vợ, bên ba mẹ, chị em, tôi thấy cô ấy thật đáng yêu. Lại nghĩ về những cái tết cô ấy phục vụ quê chồng, tôi quyết tâm làm chàng rể quý của ba mẹ vợ, ít ra cũng những ngày tết, để vợ vui lòng.

Tôi rinh hoa lá mùa xuân về nhà ngoại. Tôi trang trí nhà cửa, dành nấu nồi bánh chưng. Tôi chở vợ qua lại nhà mình, nhà ngoại, chúng tôi chia đôi thời giam cho nhà ngoại và nhà riêng của chúng tôi.

Tết về, chỉ có trẻ con là sung sướng. Câu nói này thật không sai. Trẻ con được nhận lì xì, được vui chơi thỏa thích. Còn người lớn, nhất là phụ nữ, họ là những người vất vả nhất.

Mỗi người phụ một tay dọn nhà đón Tết. (Ảnh minh họa).
Mỗi người phụ một tay dọn nhà đón tết (ảnh minh họa).

Có người nói tết là để... ăn. Câu nói này cũng không sai. Thời nay chẳng ai đói ăn, nhưng tết thì có nhiều thời gian để ăn uống, để kéo dài những cuộc nhâm nhi, những câu chuyện, bên nhau.

Cứ bày biện là phụ nữ vất vả. Mà tết, làm sao không bày biện? Cho nên, tết về, đừng phân biệt đàn ông hay đàn bà, vợ hay chồng, mỗi người phụ một tay để cùng có một mùa xuân nhẹ nhàng, đầm ấm. Còn vợ chồng, tùy vào hoàn cảnh mà phân chia tết về nội hay về ngoại, hay năm nay kẹt quá không về...

                                                                                                                                                    Lê Phi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI