Xin lỗi các em thơ

18/01/2015 - 08:18

PNO - PN - Các em thơ là cách gọi chung trẻ em, để phân biệt với những người nhỏ tuổi hơn. Tôi đã làm gì với trẻ em Việt Nam mà phải xin lỗi? Theo nhiều người, tôi chẳng có lỗi gì cả, nhưng với lương tâm, tôi thấy mình có. Rất nhiều...

edf40wrjww2tblPage:Content

Xin loi cac em tho

Là người lớn, tôi thấy mình có phần trách nhiệm vì những bất công mà các em đang gánh chịu từ nhiều người lớn. Ít người cần nghe các em cặn kẽ, cũng ít người cần biết các em đang muốn gì. Mọi việc được áp đặt theo ý kiến chủ quan của người lớn. Từ đời này qua đời khác, con cái cứ trách cha mẹ làm khổ mình và ngược lại.

Người lớn đòi hỏi trẻ em phải chăm ngoan học hành và lễ phép. Rất đúng. Nhưng trẻ em cũng mơ ước được vui chơi, đùa nghịch cùng bè bạn. Quá chính đáng. Với trẻ em, chơi cũng quan trọng không kém ăn. Vậy mà lâu nay, các em chỉ được chơi và học theo cách nghĩ của người lớn. Đừng tưởng con nít chưa biết gì. Nhiều chuyện, các em còn rành hơn người lớn. Không nói vì không được nói, vì sợ, vì nói ít ai nghe… nên chỉ ngấm ngầm phản kháng theo cách của trẻ em.

Gần đây, dư luận bức xúc vì những cái chết thương tâm của trẻ em. Có em ngạt nước khi đi chơi công viên nước với nhà trường. Hai em đột tử khi đang tập thể dục, một em sau khi bị cô đánh vài roi. Có em chết vì bị tủ đè, vì tuột cầu thang ở trường. Trước đó thì đi tắm biển với trường, bảy em bị nước cuốn trôi.

Xin loi cac em tho

Nguồn ảnh: internet

Đó chỉ là trong phạm vi thành phố, nơi trẻ em có điều kiện tương đối nhất. Nếu tính cả nước thì chưa ai thống kê được, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Nhiều cái chết không đáng có vì sự vô tâm và tắc trách của người lớn; nếu cái tủ được cố định vào tường; nếu cầu thang được thiết kế không thể tuột; nếu gia đình, nếu nhà trường và đơn vị tổ chức thật sự quan tâm hơn đến các em thì đã hạn chế được nhiều rủi ro. Nhiều em chết ngạt và đột tử có tiền sử bệnh tim, động kinh và hen suyễn.

Gia đình là người hiểu rõ bệnh tình các em nhất, một mặt không cho các em tham gia những hoạt động theo khuyến cáo của bác sĩ, mặt khác nhờ nhà trường, cụ thể là giáo viên chủ nhiệm chú ý và bạn bè nhắc nhở. Nếu biết rõ bệnh tình, cô giáo sẽ cân nhắc trong hành xử. Khi dắt các em đi chơi, hoặc hoạt động ngoại khóa, đừng đưa đi tắm biển những nơi mình chưa biết rõ.

Học sinh (HS) tắm biển mà cứu hộ ngồi trên chòi cao, cách hơn trăm mét; sao không cùng tắm và có dây thừng buộc phao khoanh vùng an toàn? Các em bị động kinh, tim mạch, hen suyễn sẽ không thể tham gia các hoạt động đòi hỏi cố sức, các trò chơi cảm giác mạnh và cần cẩn trọng khi xuống nước. Không ít trường hợp, thay vì cấp cứu ngay thì lại tưởng nạn nhân giả vờ.

Tổ chức ngoại khóa cho HS cực khó, đòi hỏi cái tâm của cả thầy cô và đơn vị tổ chức. Đáng tiếc là vì chạy theo lợi nhuận và ham rẻ, một số trường nhắm mắt giao cho các đơn vị tổ chức kém nghiệp vụ. Thay vì chọn hướng dẫn viên giỏi, thì cứ chọn đại sinh viên cho rẻ. Quản lý đã vậy, nói chi đến việc có cứu hộ và bác sĩ.

Hơn 10 năm trước, tôi từng làm hướng dẫn viên cho HS lớp 9 trường Nguyễn Du leo núi Tà Cú. Cô chủ nhiệm biết hai em bị bệnh tim nên không cho leo. Sợ các em buồn, cô nhờ một cô giáo khác ở lại chơi với các em chờ đoàn xuống. Gần đây, tôi đưa nhóm HS Hàn Quốc xuống miền Tây du lịch cộng đồng để trải nghiệm.

Nhóm có ba giáo viên và 12 HS. Chị Kusu Jeong, tiến sĩ lịch sử Việt Nam, trưởng đoàn, sau khi trực tiếp đi kiểm tra từng hoạt động đã dặn nhà tổ chức “Trong đoàn có ba em rơi vào ngày của phụ nữ, anh chú ý giùm”. Tôi quá bất ngờ vì sự cẩn thận và chỉn chu với HS của họ. Ở Việt Nam, khi xảy ra sự cố chết người, người ta mới loay hoay tìm cách chống chế và đối phó, cứ lặp lại điệp khúc “tại và bị” hoặc “chúng tôi không biết”, “chưa nghe báo cáo”…

Kinh nghiệm tổ chức trại hè Thanh Đa (từ 1988 - 1993) và nhiều năm đưa HS tham quan, kể cả tắm biển, tôi luôn buộc các cộng sự phải sinh hoạt thật kỹ với các em trước. Việc đầu tiên là cám ơn ba mẹ đã tin tưởng và cho phép các em đi chơi. Sau đó, cám ơn thầy cô đã dám tổ chức. Các em không thể phụ lòng cha mẹ và thầy cô, phải chấp hành nội quy nghiêm nhặt. Đi chơi phải an toàn, về học giỏi và ngoan hơn để còn được đi chơi tiếp, chơi xong phải tự dọn vệ sinh…

Sự tắc trách của người lớn dẫn đến những cái chết thương tâm. Thay vì tìm cách khắc phục, thì người lớn chọn biện pháp cấm. Sau trường hợp ngạt nước ở Đầm Sen, hàng loạt trường hủy chương trình ngoại khóa. HS tiu nghỉu vì ngày vui bị cấm. Ở các nước phát triển, ngoại khóa là chương trình hàng tháng, thậm chí hàng tuần. Kiểu quản lý “không quản được thì cấm” là hạ sách, làm gì cũng sợ trách nhiệm.

Người lớn nào cũng từng có tuổi thơ và ít nhiều chịu những nghịch lý từ khi mình còn bé. Xin hãy bình tâm suy nghĩ, lắng nghe và quan tâm thật sự đến nhu cầu của con em mình. Xã hội xoay vần để phát triển chứ không phải để dừng lại hay thụt lùi. Trong khi chờ đợi những đổi thay, nhân danh một người lớn, tôi thật lòng xin lỗi các em thơ.

NGUYỄN VĂN MỸ (nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI