Xin làm thủy điện ở khu bảo tồn: Chặt gỗ rừng quốc gia

15/04/2016 - 15:09

PNO - Ông Trần Văn Thủy cho rằng, xây thủy điện trong vườn quốc gia sẽ khiến sinh thái thay đổi, khu rừng biến mất, vĩnh viễn không thể có lại được.

Đốn hạ 53ha rừng đặc dụng

Gần đây, thông tin về việc hơn 53 ha rừng khộp của Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk sắp bị đốn hạ để cho phép một doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sang làm thủy điện khiến nhiều người e ngại.

Chiều 13/4, khi PV báo Phụ nữ TP.HCM liên hệ với ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thì được giới thiệu liên hệ làm việc với ông Bùi Hồng Quý - Chánh văn phòng UBND tỉnh. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ thì ông Quý chỉ trả lời ngắn gọn, hiện đang đi công tác, đồng thời để kiểm tra lại, có gì sẽ thông tin lại sau.

Được biết, từ năm 2007, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tại thời điểm đó là ông Lữ Ngọc Cư đã ký công văn đồng ý cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới - TECCO tiến hành khảo sát lập dự án nhà máy thủy điện (NMTĐ) Đrăng Phốk.

Xin lam thuy dien o khu bao ton: Chat go rung quoc gia
Yók Đôn - VQG lớn nhất nước đang bị đe dọa. Ảnh: Lao Động

Dự án sẽ nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Yok Đôn với công suất 28MW. Đến năm 2011, ông Trần Hiếu (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk) mới ký công văn cho phép TECCO lập dự án xây dựng NMTĐ Đrăng Phốk.

VQG Yok Đôn có diện tích hơn 115.000ha. Theo dự án, diện tích rừng đặc dụng sẽ phải chuyển đổi, đốn hạ khoảng 63 ha, trong đó diện tích chuyển đổi vĩnh viễn khoảng 53ha và diện tích chuyển đổi tạm thời 10ha.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Lập (Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Pri, đại diện chủ đầu tư dự án Thủy điện Đrăng Phốk) khẳng định dự án này không tác động nhiều đến VQG Yok Đôn. Nhưng ông cũng nhận định rằng việc ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái là điều không thể tránh khỏi.

Vườn quốc gia sẽ biến mất

Trao đổi về vấn đề này, TS Trần Văn Thủy - Trưởng Khoa Nông lâm, trường Đại học Tây Nguyên tỏ ra nghi ngại nếu tiến hành xây đập thủy điện trong VQG.

TS Thủy thẳng thắn đưa ra quan điểm: "Tôi không ủng hộ vì rừng quốc gia là khu bảo tồn rất là quý, khi sử dụng diện tích rừng làm thủy điện thì nó sẽ dần mất hết tài nguyên thiên nhiên nên phải cân nhắc, nhiều cái bất cập hại".

Theo TS Thủy, khi đặt vấn đề là khu bảo tồn, khu đa dạng sinh học thì đã phải cân nhắc kỹ, trong lúc biến đổi khí hậu thế này thì tốc độ xói mòn rừng ven rất là lớn, đặc biệt là rừng nhiệt đới của mình cực kỳ đa dạng.

"Nếu xây thủy điện nước dâng lên sẽ lấp tất cả, mà ngập thì toàn bộ sinh thái bị chìm trong nước. Sinh thái thay đổi, khu rừng biến mất, mà mất đi rồi thì vĩnh viễn không thể có lại được.

Đây là rừng bảo tồn cơ mà, vậy thì mình phải giữ nguyên dạng của nó. Thế cho nên thủy điện có thể giữ được nước nhưng ảnh hưởng đến nhiều cái khác", ông phân tích.

Ông lập luận, đắp thủy điện cũng có cái lợi là giữ nước để đảm bảo cho nông nghiệp nhưng mà cái được thì ít mà cái mất nhiều hơn. Đó cũng chỉ là cái lợi trước mắt còn mất của mình là vĩnh viễn, lâu dài.

"Tất nhiên đắp thủy điện cũng rất là cần nhưng phải cân nhắc xem đắp ở chỗ nào chứ để hy sinh rừng bảo tồn thì quan điểm của tôi thì tôi không đồng tình", Trưởng Khoa Nông lâm tái khẳng định quan điểm.

Ông nhận định rằng: "Vai trò ngăn chặn việc xây thủy điện thì lãnh đạo hiện tại phải cân nhắc, xem xét, cái gì không hợp lý thì phải cảnh báo cấp trên. Tất nhiên là lãnh đạo của mình kế thừa nhưng mà kế thừa những cái tốt còn không thì phải ngăn chặn. Đồng thời lãnh đạo phải đánh giá, xem xét lại cái được, cái mất để có được điều chỉnh cho thích hợp".

Trước đó, ngày 6/1, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với VQG Cát Tiên về dự án làm đường xuyên qua vùng lõi VQG. Sau khi Đồng Nai có văn bản kiến nghị Bộ NNPTNT nên xem xét lại việc mở con đường này, ngày 25/12/2015, Bộ NNPTNT đã yêu cầu VQG tạm dừng dự án làm đường trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên, cung cấp hồ sơ để tỉnh Đồng Nai nghiên cứu.

Trong khi đó theo ông Trần Văn Mùi - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai: Việc làm con đường xuyên VQG Cát Tiên thực sự chẳng khác nào chơi dao hai lưỡi. Bởi nếu quản lý tốt, con đường sẽ mang lại hiệu quả trong bảo vệ, phát triển rừng; ngược lại nếu quản lý lỏng lẻo, con đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng khai thác rừng trái phép.

Cũng ngăn chặn kịp thời việc đe dọa VQG, hồi tháng 9/2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương rà soát để đưa dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ở khu Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên ra khỏi các quy hoạch được duyệt.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI