Xe “dù” lộng hành

15/12/2013 - 23:24

PNO - PN - Theo một lãnh đạo Bến xe Miền Đông, do bị xe “dù” chèn ép, trung bình mỗi năm tại Bến xe Miền Đông có khoảng 5% - 6% số tuyến, số xe trong bến bị doanh nghiệp cắt giảm. Đó cũng là một trong những lý do khiến những năm gần...

edf40wrjww2tblPage:Content

VẬT VÃ VỚI VÉ XE TẾT

Tính đến nay, tại Bến xe Miền Đông có bốn hãng xe lớn: Thuận Thảo, Mai Linh, Bình Tâm và Minh Phương triển khai bán vé xe Tết nhưng nhiều người vẫn chưa mua được vé, dù đã chầu chực rất khổ sở từ hãng xe này sang hãng xe khác. Theo anh Nguyễn Văn Tài (công nhân khu chế xuất (KCX) Tân Thuận), giữa tháng 11, anh biết tin hãng xe Thuận Thảo bán vé Tết thì đã trễ một ngày. Đầu tháng 12, hãng xe Mai Linh vừa mở bán vé Tết, anh đã có mặt. Cứ tưởng sẽ có vé, nhưng nhà xe lại dán thông báo hết vé. Hỏi ra, anh mới biết, nhiều hành khách biết tin trước, đã đặt mua vé qua điện thoại. Ba ngày sau, đến lượt hãng xe Bình Tâm bán vé. Từ 5g sáng anh có mặt tại bến xe để xếp hàng nhận số thứ tự, nhưng trước anh đã có rất nhiều người chờ sẵn. Nhận được số thứ tự, anh Tài bỏ hết công việc, ăn ngủ tại bến xe chờ đến lượt mua vé. Thế nhưng, chờ đến chiều, anh “chết lặng” khi nghe nhà xe thông báo hết vé đi vào các ngày anh cần. Chán nản, anh dự định đi xe “dù” về quê ăn Tết.

Xe “du” long hanh

Dù đã có quy định cấm bán phiếu đặt chỗ nhưng Công ty vận tải và dịch vụ du lịch Việt Thành vẫn bán vô tư

Không chỉ không mua được vé, nhiều người còn bị mất tiền. Trong ngày hãng xe Bình Tâm bán vé Tết (8/12), lợi dụng tâm lý cần vé của hành khách, nhiều “cò” trà trộn vào, dụ dỗ hành khách đưa tiền cho “cò” mua vé nhanh. Tin tưởng, chị Lương Thị Hạnh (công nhân KCX Linh Trung) đã đưa cho “cò” 300.000đ mua vé, nhưng cầm được tiền là “cò” biến mất.

Trong lúc người dân đang vật vã với vé xe Tết thì theo các doanh nghiệp (DN) hoạt động tại Bến xe Miền Đông, hiện họ đang phải cắt tuyến, cắt xe liên tục vì bị xe “dù” chèn ép, dẫn đến thua lỗ, đặc biệt dịp Tết càng chạy càng lỗ. Theo ông Trần Văn Sinh - Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Bình Tâm, trong khi hàng tháng ông phải đóng tiền hai đầu bến gần 900.000đ; mỗi vé bán ra đóng 10% thuế VAT; chi phí thuê quầy bán vé hơn 20 triệu đồng/tháng… thì xe “dù” không bị ai quản lý, không phải đóng bất kỳ chi phí nào. Vì vậy, ngày thường xe “dù” bán vé thấp hơn vé trong bến từ 20 - 30% khiến DN trong bến ế ẩm. Đến Tết, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao, xe “dù” tăng mạnh giá vé. Để cạnh tranh với xe “dù”, các DN trong bến phải hạ giá, dẫn đến lỗ liên tục. Khoảng ba năm gần đây, DN của ông đã cắt giảm gần 40% lượng xe tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi.

Theo ông Thượng Thanh Hải - Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, dù chưa có thống kê cụ thể số tuyến, số xe bị DN cắt giảm trong những năm gần đây, nhưng việc cắt giảm là có thật. Cách nay khoảng 5 năm, bến xe đáp ứng khoảng 1.200 - 1.300 chuyến/ngày, nay chỉ còn khoảng 800 - 900 chuyến/ngày. Điển hình, vừa qua hãng xe Mai Linh đã cắt hẳn tuyến TP.HCM - Đà Lạt. Nhu cầu khách đi Đà Lạt ước tính khoảng 1.000 khách/ngày nhưng trong bến chỉ đáp ứng khoảng 10 chuyến cho trên 200 khách/ngày, số khách còn lại phải đi xe “dù”. Tuyến TP.HCM - Vũng Tàu số chuyến giảm khoảng 50% trong 5 năm gần đây. Các tuyến Quảng Ngãi, Đà Nẵng... cũng giảm mạnh.

Xe “du” long hanh

Hành khách chầu chực mua vé xe Tết tại Bến xe Miền Đông

XE “DÙ” ĐƯỢC DUNG TÚNG?

Theo các DN vận tải, việc các cơ quan chức năng chặn bắt xe “dù” dọc đường chỉ là cắt phần ngọn, vì dân trong nghề ai cũng biết xe “dù” đang núp bóng danh nghĩa DN vận tải du lịch, lập bến và bán vé riêng. Các DN đã kiến nghị, chỉ điểm nhiều lần nhưng các DN “dù” vẫn ngang nhiên hoạt động và ngày càng nở rộ. Nếu như ngày thường các DN này “giết” xe trong bến bằng cách bán vé “phá giá” thì mùa Tết nạn nhân là hành khách. Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực đường Hồng Lạc (P.11, Q.Tân Bình) đang có hàng chục DN xe “dù” trưng bảng bán vé Tết rầm rộ với mức giá cao hơn trong bến từ 300.000 - 400.000đ/vé nhưng hành khách vẫn rất đông.

Trong vai hành khách, chúng tôi đến Công ty vận tải và dịch vụ du lịch Việt Thành (292 Hồng Lạc, P.11, Q.Tân Bình) đặt vé đi tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi. Nhân viên bán vé cho biết giá 700.000đ/vé, không bao ăn (cao hơn giá trong bến khoảng 300.000đ/vé). DN này bán phiếu đặt chỗ và gọi đó là vé. Thấy chúng tôi lo lắng khi cầm phiếu đặt chỗ, nhân viên này lấy mộc đóng “cụp” lên, khẳng định: “Chúng tôi đã bán vé công khai thì không việc gì phải lo”. Tuy nhiên, mức giá trên chưa phải là “khủng”. Cách đó khoảng 100m, DN N. bán vé đi cùng tuyến nhưng đến 850.000đ/vé. Chủ DN này cho rằng, giá vé hiện nay vẫn còn thấp, gần Tết còn cao hơn.

Theo ông Thượng Thanh Hải, các DN xe “dù” núp bóng DN vận tải du lịch không chỉ gây ảnh hưởng đến DN trong bến mà còn gây thiệt hại rất lớn cho hành khách: bán vé giá cao, không bảo hiểm, hành khách không được đổi, trả vé… "Phải chăng có lợi ích nhóm trong hoạt động này?” - ông Hải đặt vấn đề.

Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã chuyển vụ việc đến Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM. Ngày 28/11, Sở GTVT TP có văn bản số 1025/GUQ - GTVT gửi Báo Phụ Nữ nêu rõ: “Ông Tất Thành Cang - Giám đốc Sở GTVT TP đã ủy quyền cho ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT trả lời vụ việc”. Tuy nhiên, nửa tháng đã trôi qua, chúng tôi vẫn chưa được câu trả lời từ phía ông Đức với lý do... bận công tác!

 PHAN TRÍ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI