Vụ 'cha bắt con đem giấu': cưỡng chế thi hành án tiếp tục thất bại

20/04/2015 - 10:57

PNO - PN - 10 ngày sau thất bại ở lần cưỡng chế trước, sáng ngày 17/4, Chi cục thi hành án dân sự (THA DS) TP.Biên Hòa lại tiếp tục thất bại trong việc buộc ông Võ Trọng Nguyên (cư trú tại 1039/11/11, khu phố 2, P.Tân Hiệp) giao cháu V.T.T.L. cho...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lần THA này, Chi cục THA DS TP. Biên Hòa đã cẩn thận gửi công văn đến Công an tỉnh Đồng Nai thông báo việc tổ chức cưỡng chế THA lần 2 đối với ông Nguyên và yêu cầu đơn vị này không cử ông Nguyên đi công tác, nên đương sự không có lý do vắng mặt.

Thế nhưng, tại UBND P.Tân Hiệp, ông Nguyên kiên quyết không giao con vì cho rằng cháu bé không chịu về sống với mẹ và tư cách đạo đức của bà Hợp không xứng đáng để nuôi con.

Đội cưỡng chế đã đến tận nhà, nơi thường trú của ông Nguyên để gặp cháu L. Theo biên bản lập cùng ngày 17/4, khi lực lượng cưỡng chế đến nhà ông Nguyên hỏi ý, cháu L. khóc và không chịu về với mẹ nên việc THA phải tạm dừng. Buổi cưỡng chế thành buổi gây gổ giành con của ông Nguyên và bà Hợp. Chấp hành viên (CHV) Đồng Thị Sương đã phải điện thoại xin ý kiến cấp trên và tạm dừng việc THA(?).

Bà Hợp bật khóc: “Ba năm qua, khi ông Nguyên quyết tâm giấu con, tôi và con có giờ phút nào được bên nhau đâu, bốn lần chính quyền can thiệp cho vào thăm con thì ông Nguyên ngồi sát canh hai mẹ con, lâu lâu chêm vào lời nói xấu, gây gổ với tôi ngay trước mặt con. Hình ảnh của tôi trong con gái cứ như một mụ phù thủy chỉ muốn giành cháu về để làm hại cháu. Ý thức non nớt của con đã bị khống chế. Lẽ nào các bản án của tòa hoàn toàn vô giá trị?”.

Theo luật sư Huỳnh Minh Vũ, điều 120, Luật Thi hành án dân sự có quy định về việc cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, như sau: Trường hợp người phải THA hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì CHV ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng.

Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì CHV tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Căn cứ quy định trên, CHV có quyền ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn giao con.

Nếu hết hạn mà ông Nguyên không giao con thì CHV có thể cưỡng chế buộc giao con hoặc lập hồ sơ đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án theo điều 304 Bộ luật Hình sự”. Liên quan đến việc “hỏi ý trẻ”, pháp luật chỉ quy định hỏi nguyện vọng của con (từ đủ bảy tuổi trở lên) trong trường hợp xét xử tranh chấp về người trực tiếp nuôi con tại tòa án. Luật không quy định hỏi ý kiến của trẻ trong trường hợp cưỡng chế giao con hoặc trong giai đoạn THA nói chung.

Do đó, việc lập biên bản hỏi ý trẻ là cách làm tùy tiện, sai luật. Việc viện lý do trẻ không đồng ý về với mẹ để trì hoãn cưỡng chế THA của Chi cục THA DS TP. Biên Hòa cũng là không đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Chi cục THA DS tỉnh Đồng Nai xem xét, chỉ đạo THA đúng luật.

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI