Viêm não Nhật Bản bắt đầu tấn công phía Nam

06/07/2014 - 23:17

PNO - PN - Nếu cuối tháng 6/2014, miền Bắc báo động số ca viêm não Nhật Bản tăng đột biến, thì chỉ trong ba ngày đầu tháng Bảy, bệnh viêm não Nhật Bản bắt đầu tấn công phía Nam. Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 vừa tiếp nhận bốn ca bệnh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhiều ca nguy kịch

Từ ngày 1 - 3/7, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM tiếp nhận bốn ca viêm não có kết quả xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản. Trước đó, BV này tiếp nhận ba trẻ bị viêm não Nhật Bản. Trong đó, có hai bệnh nhi sống tại TP.HCM. Tại giường số 4, khu cách ly đặc biệt của khoa Nhiễm; bé L.H.Q. (tám tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) nằm bất động, hôn mê sâu.

Chị Lan - mẹ bé Q. khóc nấc: “Mới vài hôm trước, cháu ngồi chơi game bình thường mà bây giờ phải thở máy. Lúc mới phát bệnh, cháu chỉ sốt cao, co giật; tôi đưa cháu đi bác sĩ (BS) tư, họ nói không sao. Vậy mà sau vài ngày, cháu bị lơ mơ rồi nhập BV Nhi Đồng 2 và hôn mê cho đến bây giờ”.

BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 cho biết: ngay khi nhập viện, các BS đã ghi nhận bé bị viêm não và thở rất yếu nên phải cho thuốc chống phù não, kháng sinh, thuốc chống nhiễm trùng. Kết quả chụp MRI (cộng hưởng từ) não, thấy tổn thương não lan tỏa. Sau 24-48 giờ, kết quả xét nghiệm máu, chọc dịch não tủy từ Viện Pasteur TP.HCM cho thấy bé bị viêm não Nhật Bản. Hiện bé bị di chứng, yếu tay chân, thở yếu và đang trong tình trạng nguy kịch.

Chị Lan cho biết, bé con thứ hai của chị cũng đang có dấu hiệu sốt, co giật nên chị sợ bé lại bị viêm não Nhật Bản giống như anh trai. May mắn hơn, bé Ng.V. (bốn tuổi, ngụ Bình Phước) có kết quả dương tính với viêm não Nhật Bản nhưng chỉ mới bị co giật, lơ mơ, ít tổn thương não nên chưa để lại di chứng nặng. Các BS tiên lượng, bé V. sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới.

Tại khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, ngày 3/7 có mười ca điều trị nội trú do viêm não; trong đó có một ca dương tính với viêm não Nhật Bản, một số ca nghi là viêm não Nhật Bản và đang chờ kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP.HCM. Bé Hồ Nguyễn Th. Kh. (năm tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) bị di chứng của viêm não Nhật Bản, hôn mê nhiều ngày qua. Người nhà bệnh nhi cho biết: “Trước khi nhập viện, cháu đang chơi bình thường thì sốt cao, lơ mơ nhưng không lên cơn co giật, cũng không nôn ói nên được điều trị ngoại trú. Thế nhưng, bốn ngày sau đó, cháu lại lên cơn co giật, BV địa phương đã chuyển bé lên TP.HCM điều trị và kết quả xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản”.

Viem nao Nhat Ban bat dau tan cong phia Nam

Bé Kh. đang được điều trị tại BV Nhi Đồng 1

Bệnh do muỗi

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 cho biết, viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm vi-rút cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Ổ bệnh chứa vi-rút viêm não Nhật Bản là gia súc, gia cầm, chủ yếu là ở heo và các loại chim hoang dã (có nhiều ở chim tu hú).

Khi một loại muỗi mang tên Culex hút máu của gia súc, gia cầm mang bệnh và chích vào người thì sẽ truyền mầm bệnh. Đây là con đường duy nhất khiến con người bị viêm não Nhật Bản và cho tới nay vẫn chưa ghi nhận bệnh này lây từ người sang người. Thống kê cho thấy, trong số 200 người bị muỗi Culex truyền vi-rút viêm não Nhật Bản thì chỉ có một trường hợp bị viêm não, 199 người còn lại chỉ bị sốt siêu vi. Theo BS Trương Hữu Khanh, miền Bắc có số ca bị viêm não Nhật Bản nhiều có thể do vào tháng Năm - Bảy là mùa thu hoạch quả vải, đàn chim tu hú kéo về nên mang theo mầm bệnh.

Theo BS Nguyễn Trần Nam, các nước châu Á có tỷ lệ người dân bị viêm não Nhật Bản nhiều so với thế giới gồm: Lào, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Riêng tại các tỉnh phía Bắc thì số ca mắc trung bình là 10/100.000 dân, tử vong khoảng 28%, trong khi miền Nam chỉ rải rác vài ca quanh năm, tỷ lệ tử vong khoảng 16%.

Các BS cho biết, khi bị vi-rút tấn công, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ bảy - mười ngày. Bệnh khởi phát thường có dấu hiệu sốt cao, nhức đầu, nôn ói. Giai đoạn sau đó, vi-rút tấn công lên não gây thay đổi tri giác như lơ mơ, co giật, hôn mê. Bệnh dễ để lại di chứng vào ngày thứ ba - mười sau khi phát bệnh. Với những trường hợp vi-rút đã tấn công lên não thì tỷ lệ tử vong khoảng 20% (do sốc, suy hô hấp, trụy tim mạch) và để lại di chứng như: bại liệt, yếu tay chân, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, sống đời thực vật… chiếm khoảng 30%. Chỉ khoảng 50% ca có khả năng hồi phục sức khỏe như người bình thường, nhưng với điều kiện phát hiện kịp thời và điều trị ở những cơ sở y tế có chuyên môn giỏi.

Cách phòng bệnh duy nhất hiện nay là ngủ mùng và chích vắc-xin ngừa bệnh. Nếu như muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chích chủ yếu vào ban ngày thì muỗi gây bệnh viêm não Nhật Bản lại “trực ca đêm”. BS Hồ Vĩnh Thắng, Phó trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM khuyên: Trẻ nên được chích ba mũi vắc-xin viêm não Nhật Bản để tạo liều miễn dịch cơ bản. Mũi đầu tiên được chích lúc 12 tháng tuổi, mũi thứ hai chích sau mũi đầu tiên từ một - hai tuần, mũi thứ ba cách mũi thứ hai một năm sau đó. Sau ba - bốn năm, phụ huynh đưa trẻ đi chích nhắc, cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Theo BS Thắng, trước năm 2013, việc triển khai tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ một - năm tuổi được thực hiện tại những địa bàn huyện nguy cơ (80% số huyện trên toàn quốc). Từ năm 2014, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia có kế hoạch tiêm chủng vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ một - năm tuổi ở tất cả các quận/huyện trên toàn quốc, hiện nay đã có 50% các tỉnh ở khu vực phía Nam triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản, các tỉnh còn lại đã có kế hoạch tiêm từ đây đến cuối năm; riêng TP.HCM bắt đầu triển khai từ tháng 8/2014.

 Văn Thanh 

Hai người lớn nguy kịch vì viêm não Nhật Bản

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị hai ca là người lớn bị viêm não Nhật Bản trong tình trạng nặng. Bệnh nhân N.H.Y., 20 tuổi (nhập viện ngày 28/6) và C.T.T., 17 tuổi (nhập viện ngày 17/6), cả hai cùng ở Hà Nội. Hai bệnh nhân lúc nhập viện đều trong tình trạng mở mắt tự nhiên, nhưng đờ đẫn, liệt chân tay, sốt cao liên tục, có cơn co giật ngắn, sau đó hôn mê sâu dần, phải thở máy. Kết quả xét nghiệm huyết thanh, dương tính với viêm não Nhật Bản. Bệnh nhân N.H.Y. được tiên lượng tương đối nặng, kể cả nếu điều trị khỏi cũng sẽ để lại nhiều di chứng, ảnh hưởng hệ thần kinh, thay đổi tâm thần, hành vi, yếu liệt chi. Bệnh nhân C.T.T. kết quả chụp MRI cho thấy tổn thương lan tỏa cả trên não và tủy sống. Hiện T. không phải thở máy nhưng cơ chân tay bị liệt, có thể để lại di chứng.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, vi-rút viêm não lưu hành quanh năm và gây dịch trong mùa hè, thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Hai ca bệnh như trên rất hiếm gặp. Hiện cũng chưa đủ cơ sở để kết luận những bất thường của bệnh nhưng là yếu tố lo ngại bởi mới đầu mùa đã có hai ca nặng.

Bảo Thoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI