Vì sao triều cường cao nhất 61 năm qua?

22/10/2013 - 10:41

PNO - Triều cường đạt đỉnh 1,68 m tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn vào chiều tối 20/10, cao nhất trong vòng 61 năm qua. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đã gửi cho Thanh Niên bài phân...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vi sao trieu cuong cao nhat 61 nam qua?
Triều cường vào tối 20/10, gây ngập nghiêm trọng trên đường Đặng Nguyên Cẩn, Q.6,
TP.HCM - Ảnh: Mai Khanh

Xu hướng đỉnh triều cường ngày càng dâng cao thể hiện rõ từ năm 2006 đến tháng 10/2013, cứ năm sau lại có đỉnh triều cao hơn năm trước. Năm 2012, đỉnh triều ngày 17/10 và 15/12 lập kỷ lục mới 1,62 m, lúc 18 giờ ngày 20/10/2013 kỷ lục này bị phá vỡ khi đỉnh triều đạt 1,68 m.

Khá bất thường

Đối với vùng cửa sông Nam bộ từ Vũng Tàu đến mũi Cà Mau chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông, mực nước triều cao nhất năm thường xuất hiện vào các tháng 10, 11, có lúc muộn hơn trong tháng 12 và hiếm khi xuất hiện trong tháng 1 năm sau. Triều biển Đông còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến mực nước tại vùng ven biển Nam bộ do gió gây ra. Trong tháng 10 (là thời kỳ chuyển tiếp giữa gió mùa tây nam sang gió mùa đông bắc), có những ngày gió ở vùng ven biển có hướng từ đông đông bắc đến đông hoặc đông nam, còn gọi là gió “chướng”, gần trùng với hướng cửa sông, có thể tác động làm nước biển bị dồn vào làm cho mực nước lúc có triều cường dâng cao thêm (tùy thuộc vào cường độ và thời gian gió thổi). Trong tháng 11-12, những đợt gió mùa đông bắc mạnh có thể lan truyền xuống vùng biển phía nam cũng gây ra hiệu ứng này. Ngoài ra, do ảnh hưởng của lũ từ đầu nguồn đổ về, mưa tại chỗ cũng góp phần làm cho triều cường dâng cao ở vùng ven sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ vừa chịu ảnh hưởng lũ và triều. Những yếu tố phi triều này đóng vai trò quan trọng, gây mực nước dâng lớn trong lịch sử.

Triều cường cao đột biến cho thấy vào tháng 10 và 11, khi các đợt không khí lạnh bắt đầu xuất hiện với cường độ từ trung bình đến mạnh, đồng thời trên biển Đông có các cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoặc áp thấp gây ra gió mạnh, sóng cao kéo dài 2 - 3 ngày trước khi có triều cường, đẩy dồn nước biển vào các vùng ven biển, cửa sông, nên đỉnh triều cường dâng cao hơn và thời gian có triều cường kéo dài hơn. Đợt triều cường từ 17 - 21/10/2013 cũng khá bất thường, không chỉ tại trạm Phú An và hầu hết các trạm dọc ven sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ đều có mực nước cao bất thường như tại Cần Thơ 2,15 m, Trà Vinh 1,91 m, Vàm Kênh (Tiền Giang) 1,66 m và Năm Căn 1,50 m.

Còn thêm 6 đợt

Khi phân tích đợt triều cường này, chúng tôi có nhận xét liên tiếp trong những ngày từ 16 - 19/10 mỗi ngày mực nước tại Phú An tăng 3 - 4 cm, nhưng ngày 20/10 tăng mạnh 6 cm; Trà Vinh tăng 7 cm; Vàm Kênh tăng 11 cm; Năm Căn (Cà Mau) tăng 12 cm. Phân tích hình thế thời tiết thì trong những ngày này có không khí lạnh tăng cường, trên các vùng ven biển Nam bộ gió đông đông nam đến đông có cường độ yếu. Ngày 19 và 20/10 áp cao lạnh lục địa ở phía bắc di chuyển ra phía đông, trong khi đó rãnh áp thấp xích đạo đi qua nam biển Đông. Gió tuy không mạnh nhưng thổi thẳng và các cửa sông đẩy mực nước dâng cao bất thường. Trong thời gian này, TP.HCM có mưa trên diện rộng, có lúc mưa to kết hợp với triều cường đang lên, dẫn đến tình trạng ngập lụt xảy ra khá nghiêm trọng.

Một yếu tố khác khá quan trọng góp phần làm cho mực nước đỉnh triều kỳ này tăng vọt đó là các hồ chứa ở thượng nguồn xả nước xuống hạ du trong những ngày vừa qua. Số liệu cho thấy ngày 18/10 thủy điện Trị An xả với lưu lượng 60 m3/giây, thủy điện Thác Mơ xả 23 m3/giây; ngày 19/10 thủy điện Trị An xả 179 m3/giây, thủy điện Thác Mơ xả 57 m3/giây, thủy điện Sóc Phu Miêng xả 110 m3/giây; ngày 20/10 thủy điện Trị An xả 240 m3/giây, thủy điện Thác Mơ xả 61,8 m3/giây, thủy điện Sóc Phu Miêng xả 75 m3/giây. Trong những ngày này, các tỉnh thượng nguồn sông Đồng Nai - Sài Gòn như: Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Dương cũng có mưa lớn, cộng với mưa lớn tại chỗ ở vùng hạ lưu, tạo nên tổ hợp (triều cường + mưa lớn + xả lũ) gây ngập nặng.

Tình trạng ngập do triều cường sẽ chưa dừng lại, vì từ nay đến tết còn 6 đợt triều cường nữa, trong khi đó sẽ còn nhiều đợt không khí lạnh tăng cường mạnh gây gió mùa đông bắc mạnh, sóng cao gió lớn ép dồn nước biển vào cửa sông. Khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông thì sóng to gió lớn lại càng tác động mạnh đến mực nước triều cường. Bên cạnh đó, nguyên nhân đô thị hóa cũng góp phần làm các TP lớn như TP.HCM, Cần Thơ và các vùng ven cửa sông ngày càng bị ngập trên diện rộng hơn và thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn.

Không chỉ riêng TP.HCM có tình trạng triều cường ngày càng dâng cao, tại một số tỉnh thành triều cường trong những năm gần đây cũng đã gây ngập với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn như tại Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu… Ngoài những nguyên nhân như đô thị hóa, vấn đề thoát nước, có thể thấy tác động của sự biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn đối với vấn đề ngập lụt tại TP.HCM.

Theo LÊ THỊ XUÂN LAN (Thanh Niên)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI