Về nơi các điều dưỡng quên tên thật của chính mình

07/09/2015 - 14:17

PNO - Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Tây Ninh còn có tên gọi "Làng hòa bình", là nơi chữa bệnh từ thiện cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam.

Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Tây Ninh được thành lập từ năm 1994. Từ năm 2006, Bệnh viện (BV) còn nhận chữa cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh bị các chứng về xương và khuyết tật bẩm sinh.

“Khoa Nội - Nhi BV PHCN Tây Ninh có bảy nhân viên y tế, trong đó chỉ có một bác sĩ (BS) duy nhất. Các thành viên còn lại là kỹ thuật viên và điều dưỡng.

Với số lượng 30 bệnh nhân nội trú và khoảng 30 bệnh nhân ngoại trú (trong đó sáu bệnh nhi nội trú và gần 20 bệnh nhi ngoại trú), áp lực công việc hàng ngày của chúng tôi cũng không nhỏ”, BS Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó khoa cho biết.

Chín người mười phận

Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Cúc đưa chúng tôi vào thăm phòng nội trú. Bé lớn nhất ở đây là Nguyễn Trung Tín 13 tuổi, nhỏ nhất Trần Nhật Minh 13 tháng. Các bé Huỳnh Phúc Hậu bốn tuổi, Huỳnh Văn Hiếu 30 tháng và Nguyễn Tiến Đạt tám tuổi.

Hình như lâu lắm rồi các bà mẹ đã quên mất tên thật của mình, chỉ gọi nhau là “Mẹ bé Hiếu”, “Mẹ bé Tín”, “Mẹ bé Hậu”

Chị Cúc cho biết, bé Tín vào BV từ lúc hơn 20 tháng tuổi, tính ra bé đã có “thâm niên” gần 10 năm dài lấy BV làm nhà. Mẹ Tín kể: “Sinh Tín ra nặng 3,6kg, vợ chồng mừng vì nhà nghèo mà con khỏe mạnh.

Ai ngờ tới bốn tháng tuổi bé cứ khóc suốt. Bà nội bé bảo thằng nhỏ bị “mắc con sát”; “mắc đằng dưới”, đem đi thầy bà, chùa chiền cúng giải hạn, xin tội. Chừng thằng bé mười mấy tháng, bà trả lại nói “thôi, bây coi đưa nó đi BV đi, thầy… chạy rồi”. Vợ chồng đưa đi Nhi Đồng 2 (TP.HCM), mới biết con bị nhiễm chất độc da cam. Từ đó đến nay tôi cứ lấy BV làm nhà…”.

Trường hợp của bé Hiếu là đau lòng nhất: 15 tháng tuổi, đã biết nói bập bẹ, đi chập chững, cộng với gương mặt xinh trai, bé là “cục vàng” của cả nhà. Nhưng rồi bỗng dưng bé sốt không hạ được suốt hai ngày.

Đi BV theo dõi thêm một ngày nữa thì phát hiện vướng chứng viêm não Nhật Bản. Bây giờ ba tuổi, bé liệt nửa người bên trái. Dù da dẻ vẫn trắng trẻo, miệng vẫn hay cười nhưng “Vô đây tập là để đỡ phần nào thôi. Chứ không mong gì bé khỏe mạnh như con cháu người ta”, mẹ Hiếu ngậm ngùi.

Ba của Hiếu không có công việc làm ổn định, tất cả mọi chi tiêu gia đình đều trông cậy vào tiền công chẻ hạt điều của bà ngoại ngoài sáu mươi tuổi.

Còn mẹ bé Hậu kể: “Gia đình em ở huyện Gò Dầu, mới có đứa con đầu lòng, thằng nhỏ hai ngày tuổi đã đi BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM). Do chứng thắt ruột, không tiêu hóa được sữa, phải nằm BV mấy tháng phẫu thuật đường ruột.

Trước cưới em đi làm công nhân, chồng làm phụ xế. Bé bệnh, nội ngoại hai bên thương cho biết bao nhiêu là tiền để chạy chữa, nhưng rồi lúc bé chừng bốn năm tháng, phát hiện thêm chứng điếc, câm...

BS bảo, nếu có khoảng 300 triệu đồng thì bé lên tầm sáu tuổi sẽ phẫu thuật chữa được chứng điếc. Coi như số em còn may nên mới tập mà con em đã biết ngồi, biết tự múc ăn. Nhưng con lại thêm chứng sụp mi mắt, giờ phải kiếm mớ tiền đi BV kéo mí…”.

Hồi tám tháng, Trần Nhật Minh vẫn chưa biết lật, biết bò. Mẹ bé làm việc ở UBND một xã thuộc huyện Tân Biên. Ba bé đi giữ vườn cao su xa. Minh ở nhà với bà ngoại. Bà bận may gia công nên cứ nghe hàng xóm kháo nhau bé “trốn lật, trốn bò” là để mai mốt đứng dậy đi luôn nên cứ chờ… Chờ đến 12 tháng mà bé vẫn chưa chịu đứng chựng.

BV Nhi Đồng 2 cho biết cơ địa bé yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển… Vậy là ngoài dinh dưỡng đặc biệt còn phải tập vật lý trị liệu. BV PHCN Tây Ninh là nơi bà cháu tìm đến dù cách nhà 60km.

Ve noi cac dieu duong quen ten that cua chinh minh
Bé Nhất Phong đã tự mình đứng trên xe tập

Giữa cuộc trò chuyện bỗng có tiếng một chú bé vang lên lồng lộng “Đừng cột con chặt quá! Nghẹt thở sắp chết rồi nè!”. Đó là bé Nguyễn Tiến Đạt (bé Bin) tám tuổi, nhà ở Kà Tum, thuộc H.Tân Châu, cách BV PHCN khoảng 50km.

Bé Bin bị sinh non, nằm trong lồng ấp mấy tháng liền ở BV Nhi Đồng 2 mới về nhà. Đầu óc bé bình thường nhưng đôi chân bị yếu. Từ khi Bin ba tuổi, ông bà ngoại đã đưa cháu đến BV để tập PHCN cho đôi chân.

Năm năm qua, là gần hai ngàn ngày ông bà ngoại bồng cháu lên - xuống hai lần cầu thang để bé lên phòng tập, xuống sân chơi.

Những đứa trẻ ở BV PHCN Tây Ninh luôn “lấy BV làm nhà, mượn vật dụng y khoa làm đồ chơi”, nên bé Bin, bé Tín không thể đến trường. Tuy nhiên, điện thoại, internet, ti vi các bé đều sử dụng khá rành. Ngoại bé Bin hy vọng, mai này xuất viện, sẽ tìm một chiếc máy vi tính để giúp bé vừa học vừa chơi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI