Về cầu ngói vui hội bài chòi

04/02/2014 - 17:46

PNO - PNO - Hằng năm, cứ vào dịp Tết đến, du khách lại tấp nập về cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để tham gia Hội bài chòi đậm chất dân gian. Năm nay, Hội bài chòi chào xuân Giáp Ngọ tại...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ve cau ngoi vui hoi bai choi

Hội bài chòi tại cầu ngói Thanh Toàn.

Mới nhập cuộc, cả một khúc sông gần cầu ngói Thanh Toàn đã đầy ắp tiếng cười ngả nghiêng bởi câu hò “đi chợ” dí dỏm của những “ông hiệu”, “bà hiệu” - những người dẫn dắt hội bài chòi: “Đầu năm đầu tháng ai ráng em chưa/ Cho anh ráng cái may xưa đỡ thèm”…

Khi cả hội bài chòi giảm bớt tràng cười ngả nghiêng, “ông hiệu” tiếp tục: “Đi mô cắp tráp đi hoài/ Cử nhân không phải, tú tài cũng không” là con Huơ con… Trò. Rồi: “Nửa đêm gà gáy le te/ Muốn đi rón rén đụng nghe cái rầm”. Huơ là con Ầm.

Không chỉ những câu đã thuộc lòng theo "bài bản", đôi lúc để người chơi, người xem bớt nhàm chán, “ông hiệu” cũng phải “tư duy” ra những câu hò khiến người nghe đi từ ngạc nhiên đến… bò lăn ra cười: "Ai làm thượng hạ bất thông/ Bàng quang bể thủng sớm trông tối ngày. Huơ con… Bí". Hay: “Anh thương em không dám vô nhà/ Anh đi ngang cửa ngõ ai có gà bán không”. Huơ là con…Gà.

Ve cau ngoi vui hoi bai choi

Trong hội bài chòi, người điều khiển thường diễn trò khi phát bài nhằm thu hút người đến chơi

Hội bài chòi làm say đắm du khách bởi tính chất giải trí pha lẫn nét đẹp xưa. Người chơi bài được ngồi trong các chòi dựng bằng tre và lợp tranh, gồm 10 chòi được đặt ở hai bên và một chòi trung ương được đặt ở giữa, phía trên cùng là bàn điều khiển. Mỗi hội bài được chia thành chín ván, mỗi ván người chơi phải đánh hết 5 quân bài. Kết thúc mỗi ván, người thắng sẽ được cắm một cờ vào chòi của mình và nhận số tiền thưởng nhỏ.

Bên cạnh người chơi, sẽ có một đội ngũ người điều khiển gồm người phát bài, người gom bài, người trao cờ, thu - chung tiền và quan trọng nhất là người rao bài thường do những bậc cao niên trong làng đảm nhận.

Nét độc đáo của lễ hội này chính là những câu vè, điệu hò gần gũi của người rao bài từ những câu ca dao xưa để lại hoặc tự sáng tác, ứng tác ra.

Ve cau ngoi vui hoi bai choi

Đem bài tới tận tay người chơi.

Ve cau ngoi vui hoi bai choi

Đôi vợ chồng già về quê vui hội bài chòi.

Người chơi bài thường quen thuộc lối bắt đầu của người rao như “hai bên lẳng lặng mà nghe, đi chợ”, tiếp đó là một điệu hò có thể dài hoặc ngắn, hài hước hoặc cũng có thể mang tính chất đánh đố nhưng người chơi vẫn có thể hiểu được đó là con bài gì, đồng thời luôn có một cái kết “tới a rồi” được ngân dài.

Hội bài chòi năm nay thu hút rất đông bà con dân làng, cùng du khách thập phương đổ về tham gia, đặc biệt là khách nước ngoài đến xem. Theo một hướng dẫn viên du lịch, các vị khách nước ngoài rất thích thú với những lễ hội dân gian như vậy, họ thích nét giản dị mộc mạc của làng quê và những hoạt động mang giá trị truyền thống như vậy.

Ve cau ngoi vui hoi bai choi

Ngày càng có nhiều thiếu nhi đến với hội bài chòi tại cầu ngói Thanh Toàn.

Ve cau ngoi vui hoi bai choi

Niềm vui của một cháu nhỏ khi giành liên tiếp 3 quân cờ đỏ.

Tất cả mọi đối tượng đều có thể tham gia hội bài chòi, từ các cụ già đến lớp thanh niên, thiếu nhi, du khách thập phương. Điều đặc biệt ở đây là người đánh bài không phải vì mục đích ăn thua mà muốn hòa mình vào hoạt động vui vẻ của lễ hội. Với mỗi hội bài, người chơi chỉ cần nộp vào 20.000 đồng là có thể đánh được 9 ván với thời gian khá dài, và thắng thua sau mỗi cuộc chơi rất ít.

Ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng ban tổ chức Hội bài chòi cầu ngói Thanh Toàn cho biết: “ Hằng năm, chính quyền địa phương luôn hỗ trợ ngân sách và tạo mọi điều kiện để chi hội người cao tuổi trong làng đứng ra tổ chức lễ hội thú vị này”.

Ve cau ngoi vui hoi bai choi

Ve cau ngoi vui hoi bai choi

Quân bài và cờ đỏ, những dụng cụ không thể thiếu của hội bài chòi.

Cũng theo ông Đức, người dân quê quanh năm vất vả với công việc đồng áng và khổ cực mưu sinh, những lễ hội như thế này giúp họ có những giây phút thư giãn thoải mái trong ba ngày Tết bảy ngày xuân, đồng thời cũng tạo điều kiện cho người dân quê xích lại gần nhau hơn sau một năm bôn ba làm ăn kiếm sống.

Bên cạnh đó, lễ hội cũng là dịp để quảng bá hình ảnh chiếc cầu cổ xinh đẹp được xây dựng từ năm 1776, mở ra cơ hội cho du khách giao lưu, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của người dân xứ Huế.

Bài, ảnh: Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI