Tuyệt vọng tìm dấu tích vợ ở Ả rập Xê út

17/04/2015 - 15:27

PNO - PN - Ngay sau khi vụ một người phụ nữ Indonesia giúp việc nhà tại Ả rập Xê út bị hành quyết kín tại quốc gia này được thông tin, không ít bạn đọc đã nhờ báo can thiệp để đưa người thân đang lao động giúp việc ở Ả rập Xê...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tuyet vong  tim dau tich vo o A rap Xe ut 

Lâm Văn Kiệt trình bày sự việc

Hành tung bí ẩn trước khi đi Ả rập Xê út

Người đàn ông nhờ tìm dấu tích vợ là ông Lâm Văn Kiệt (SN 1954, ngụ ấp Trường Phú, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Gương mặt bơ phờ, mệt mỏi, đôi mắt hõm sâu đầy vẻ hoang mang, ông Kiệt kể, ông và vợ là bà Cao Thị Non (SN 1961) làm nghề mua đi bán lại cây mì giống. Ba năm trước ông bàn với vợ bán vườn nhãn lấy 400 triệu đồng đi thuê đất trồng 7ha khoai mì. Không may, việc làm ăn bị lỗ nặng.

Tháng 10/2014, bà Non bàn với chồng để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Ông ngạc nhiên, nhà không có tiền làm sao đi được. Bà nói, có cơ sở thu xếp cho bà đi Úc, không mất tiền thế chân, lương tháng 18 triệu đồng, chưa kể tiền thưởng. Ông càng không đồng ý vì vợ bị bệnh hở van tim, gan nhiễm mỡ. Bà nghe lời ông không bàn chuyện đi nữa.

Chiều 14/10/2014, bà L.T.T. (50 tuổi, ngụ ấp Trường Thọ, xã Trường Hòa, Hòa Thành, Tây Ninh) đến nhà ông, xin cho bà Non đi uống cà phê. Nghĩ bà T. là bạn vợ nên ông Kiệt đồng ý. Bà Non đi “cà phê” tới khuya mới về. Chồng hỏi đi đâu thì bà nói đi gặp người hướng dẫn đi XKLĐ. Bà Non quả quyết: “Tôi phải đi, không thì sẽ bị phạt 40 triệu tiền hợp đồng”. Ông Kiệt giận quá, mắng vợ: “Bà khùng hả? Giờ muốn đi thì đi luôn cho khuất mắt”.

Ai ngờ 3g sáng, bà Non trốn đi. Cứ tưởng vợ giận dỗi đi chơi đâu đó, ông Kiệt không đi tìm, nhưng hai ngày sau không thấy vợ về, ông bèn tìm lên nhà bà L.T.T. để hỏi thăm. Bà T. cho hay, vợ ông đã ra Hà Nội. Ông Kiệt năn nỉ bà T. cho gặp mặt vợ trước khi đi. Bà T. nói giờ muốn gặp vợ, ông phải “chồng” năm triệu đồng mới được. Ông về chạy vạy mượn được tiền đem lên thì bà T. nói: “Trễ rồi! Bả sắp lên máy bay”.

Bế tắc, ông Kiệt cầu cứu khắp bà con họ hàng để tìm vợ. Một người quen khuyên ông thử tìm sang xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh hỏi nhà bà T.T.Q.A., vì bà này hay giúp tuyển người đi XKLĐ. Sáng 18/10/2014, ông đến nhà bà T.T.Q.A. thì thấy vợ ngồi ở đó. Giận quá, ông quát nạt và kéo bà Non về. Bà Q.A. nhào ra mắng nhiếc, xua đuổi.

“Bả nói tôi muốn đưa vợ về, phải chồng đủ 40 triệu đồng”, ông Kiệt kể. Khi không thể “kéo” được vợ về, ông Kiệt đành chạy ra báo Công an (CA) xã Cầu Khởi nhờ can thiệp, nhưng nơi này nói phải ban đêm mới có thể kiểm tra hộ khẩu. Hôm đó, ông ngồi ở trụ sở CA xã chờ hết buổi chiều tới 12 giờ khuya, rồi dẫn CA xã tới nhà bà Q.A. CA mời bà Q.A. và bà Non ra trụ sở lập biên bản. Bà Non bảo chồng về trước, bà quay lại lấy đồ, về sau. Ông Kiệt về nhà ngồi chờ vợ. Ai ngờ bà Non không trở lại.

Ông Kiệt quá đau buồn và lo lắng cho vợ nên bỏ hết mọi việc, ngược xuôi chạy đi hỏi tin tức. Có người khuyên ông tới Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của CA tỉnh Tây Ninh tìm tin tức. Hôm ông đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, một nhân viên cho hay: “Bà Cao Thị Non vừa lấy hộ chiếu ở đây lúc 10g hôm qua”. Thấy hành tung của vợ ngày càng bí ẩn, ông Kiệt cầu cứu các cơ quan chức năng.

Tuyet vong  tim dau tich vo o A rap Xe ut

Bà Cao Thị Non chụp ảnh làm hộ chiếu năm 2014

Cảnh sát điều tra vào cuộc

Sau bốn tháng bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc đi tìm vợ, ông Kiệt bỗng nhận được điện thoại của vợ gọi về. Bà Cao Thị Non báo với chồng mình bị lừa đưa sang Ả rập Xê út, giờ phát bệnh cũ, nhờ chồng bằng mọi cách đưa về nước. Bà Non cho biết đang giúp việc cho một gia đình với mức lương tám triệu đồng/tháng, làm bất kể giờ giấc và không có ngày nghỉ nên bà hay bị ngất xỉu. Ông Kiệt hỏi vợ hiện đang ở khu vực nào của Ả rập Xê út, nhưng bà Non không biết.

Ngay sau đó, ông Kiệt cầu cứu Sở Ngoại vụ Tây Ninh hỗ trợ đưa bà Non về nước. Bà Lê Kim Uyên, cán bộ Sở Ngoại vụ đã tư vấn ông Kiệt cách làm đơn, cung cấp tư liệu về người thân để Đại sứ quán nước sở tại có biện pháp giúp đỡ và ông phải cam kết rằng sau khi bà Non về tới nhà, sẽ thanh toán cho Nhà nước số tiền hỗ trợ gồm vé máy bay và các dịch vụ khác (khoảng 100 triệu đồng). Tuy vậy, ông Kiệt không biết vợ mình ở đâu để có thể cung cấp thêm thông tin cho cơ quan chức năng. Manh mối duy nhất là số điện thoại của bà Non gọi về, nhưng ông không thể liên lạc được.

Nhận được thông tin từ ông Kiệt, chúng tôi lập tức liên hệ với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tỉnh Tây Ninh. Đơn vị này đã cử cán bộ cùng với ông Kiệt đến nhà bà L.T.T. để tìm manh mối. Theo thông tin ban đầu, bà T. khai chỉ là người đi móc nối đối tượng muốn đi XKLĐ lấy hoa hồng, còn tổ chức ra sao thì bà T.T.Q.A. biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Phong, cán bộ điều tra của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tỉnh Tây Ninh cho hay, cơ quan này đang điều tra vụ việc. Theo thông tin ban đầu, có dấu hiệu đường dây của bà T.T.Q.A. lừa đảo đưa người ra nước ngoài lao động chui.

Chúng tôi cũng đã tiến hành xác minh mã vùng của số điện thoại gọi từ bà Non cho chồng trước đó. Ngày 16/4, sau một ngày tìm cách liên hệ với số điện thoại +96656… chiều tối cùng ngày, máy có tín hiệu. Khi chúng tôi hỏi có phải bà Non không thì giọng một người đàn bà nói: “Non đây, nghe!”.

Gọi nhiều lần vẫn nghe trả lời như trên. Khi chúng tôi hỏi bà có phải vợ ông Kiệt không và hiện đang ở đâu thì bà Non im lặng rồi cúp máy. Đến lần gọi thứ 14 thì chúng tôi mới nói chuyện được với bà.

Qua trao đổi, bà Non nghẹn ngào nói: “Tôi đang làm cho một gia đình nhưng không rõ vùng nào, chỉ nhớ một lần bà chủ nói đang ở vùng Aviát gì đó. Công ty V.C. ở Hà Nội đưa tôi đi, trong hợp đồng họ nói ngày làm việc tám tiếng nhưng sang bên này tôi làm việc 24/24, một tháng chủ trả 7,4 triệu đồng tiền Việt Nam. Công việc chính của tôi là làm việc nhà, giặt giũ. Tôi thường bị cơn đau tim hành hạ. Tôi xin bà chủ đi khám thì bà nói phải có hộ chiếu nhưng hộ chiếu tôi đang bị công ty giữ. Tôi bệnh suốt và mong muốn về Việt Nam”.

Sau một hồi òa khóc, bà Non cho biết thêm: “Tôi còn người em ở bên này tên Tạ Kim Hồng, cùng quê, nó cũng sang đây giúp việc nhà cho chủ nhưng bị bệnh gần chết rồi, giờ không biết làm cách gì để đưa nó về Việt Nam đây”. Theo bà Non, chị Hồng không chỉ bị chủ bỏ đói mà còn không được làm cố định ở một nơi. Cứ ba-bốn ngày chị làm cho một chủ mà tiền thì không được nhận.

Tuyet vong  tim dau tich vo o A rap Xe ut

Cần tìm hiểu kỹ trước khi xuất khẩu lao động

Trước nhiều trường hợp người lao động Việt Nam khi làm việc tại Ả rập Xê út do không thích nghi với công việc và gặp nhiều rủi ro, ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cảnh báo, người có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan: thông tin về các doanh nghiệp đưa đi (đã được cấp phép chưa); thông tin về hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài (đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện chưa); thông tin và pháp luật liên quan của Việt Nam và nước đến làm việc, và thông tin về văn hóa, phong tục tập quán, thực phẩm... tại nước đến làm việc.

Theo ông Hương, Ả rập Xê út là nước đạo Hồi với văn hóa, thực phẩm và điều kiện khí hậu khác xa so với Việt Nam. Người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại nước này cần phải tìm hiểu tất cả những điều nêu trên để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi đi, từ đó tránh bị sốc, chán nản. Hơn nữa, công việc giúp việc gia đình có những đặc thù riêng, như giờ làm việc kéo dài hơn và làm việc, ăn ở cùng với gia đình chủ nên dễ xảy ra những hiểu lầm. Vì vậy, lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập xê út cần phải lưu ý về những đặc thù của công việc và chủ động học ngoại ngữ để có thể giao tiếp cơ bản với chủ sử dụng.

Người nhà của bà Non có thể làm đơn tường trình sự việc, nêu rõ công ty đưa bà đi, hợp đồng lao động, số hộ chiếu… gửi về Cục Quản lý lao động ngoài nước, 41B Lý Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cục sẽ rà soát, xem xét để có hướng xử lý.

PHÙNG HOÀNG CHƯƠNG - QUỲNH MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI